Kế sách giúp Hà Nội hút vốn nước ngoài vào công nghiệp bán dẫn

Theo ý kiến của chuyên gia, chính quyền Hà Nội nên chủ động làm việc với lãnh đạo, một số vụ, cục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận càng nhiều càng tốt một số dự án mà thành phố có đủ điều kiện thực hiện...
Người dân Hà Nội được đăng ký xe qua VNeID

Theo GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), Hà Nội là trung tâm kinh tế, giáo dục, khoa học, công nghệ; trung tâm chính trị, hành chính của Việt Nam; nhiều trường đại học hàng đầu, đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ, số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng.

Tuy nhiên, thời gian qua, Hà Nội chưa khai thác hiệu quả những tiềm năng và lợi thế này. Lấy dẫn chứng, Chủ tịch VAFIE cho biết, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội chỉ đạt 6%, thấp hơn mức bình quân của cả nước. Ngoài ra, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hà Nội lũy kế đến cuối năm 2023 cũng chỉ đạt 41,17 tỷ USD, chỉ chiếm 8,8% cả nước.

GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, nguyên nhân là do Hà Nội chưa thực sự quyết liệt đổi mới sáng tạo; đồng thời chậm đổi mới mô hình tăng trưởng. Cùng đó, sự phối hợp giữa chính quyền thành phố Hà Nội với các bộ, ngành Trung ương, các viện khoa học, trường đại học còn chưa thực sự sâu sắc.

Do đó, để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, GS-TSKH. Nguyễn Mại cho rằng, Hà Nội cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư.

Kế sách giúp Hà Nội hút vốn nước ngoài vào công nghiệp bán dẫn
GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cần xây dựng danh mục dự án khuyến khích đầu tư trong nước và FDI, trình bày khái quát mục tiêu, quy mô từng dự án, chính sách khuyến khích của Thủ đô theo hướng áp dụng quy định của Nhà nước, đồng thời vận dụng cơ chế đặc thù đã được Nhà nước quy đinh đối với Hà Nội. Sau khi được chính quyền thành phố phê duyêt, công bố danh mục dự án đó lên Cổng thông tin điện tử của Hà Nội và thông qua một số phương tiện truyền thông.

Đồng thời, Hà Nội cũng cần chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Hiện nay có hàng chục dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ số, công nghệ tương lai với vốn đầu tư nhiều chục tỷ USD của một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới dự định đầu tư tại nước ta, đang trong quá trình thương thảo để trong năm nay và những năm tiếp theo thực hiện.

"Chính quyền Hà Nội nên chủ động làm việc với lãnh đạo, một số vụ, cục của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp nhận càng nhiều càng tốt một số dự án mà thành phố có đủ điều kiện thực hiện", GS-TSKH. Nguyễn Mại chia sẻ.

Bên cạnh đó, GS-TSKH. Nguyễn Mại cũng kiến nghị thành phố Hà Nội cải tiến các hoạt động xúc tiến đầu tư. Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp Hà Nội cần chuyển sang phương thức xúc tiến đầu tư có địa chỉ thay cho chủ yếu tổ chức các cuộc hội thảo để quảng bá luật pháp, chính sách ưu đãi mà những người tham dự chủ yếu là chuyên gia, cán bộ cấp thấp của doanh nghiệp nước ngoài, ít có tác dụng thiết thực.

Sau khi tham dự cuộc tiếp khách của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp Hà Nội cần thông qua internet tiếp cận với những người được doanh nghiệp nước ngoài phân công thực hiện dự án để cung cấp thông tin mà họ cần, nhanh chóng triển khai các công việc theo quy trình để rút ngắn thời gian đàm phán, thực hiện dự án.

Khi được chính quyền thành phố phê duyệt thì tiến hành cấp giấy chứng nhận đầu tư, phối hợp với các ban, sở, ngành hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc thực hiện dự án cho các nhà đầu tư.

Ngoài ra, Hà Nội cũng cần khắc phục một số điểm nghẽn. Về hạ tầng, nhà đầu tư dự án công nghệ bán dẫn, công nghệ số đòi hỏi hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, không chỉ mạng lưới giao thông, năng lượng, thông tin mà cả hạ tầng số bao gồm kỹ thuật số, dữ liệu, hạ tầng ứng dụng để khai thác các nguồn tài nguyên số, hạ tầng pháp lý quy định pháp lý phù hợp với thời đại số, hạ tầng nhân lực có nhận thức, quyết tâm và kiến thức công nghệ để thực hiện chuyển đổi số.

Cùng đó, chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần giành vốn đầu tư công, áp dụng phương thức đối tác công tư (PPP) để nhanh chóng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại.

Về thủ tục hành chính, Hà Nội đã cắt giảm nhiều thủ tục hành chính đối với đầu tư và kinh doanh, nhưng vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của các dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại nên cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa.

Hậu Lộc
Phiên bản di động