Huyền thoại La Văn Cầu
Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" |
Tự chặt tay, lao lên diệt lô cốt
Vừa qua, tại Thành uỷ Hà Nội đã diễn ra sự kiện vô cùng trang trọng: Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của thành phố Hà Nội gặp mặt, tri ân các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuộc gặp có sự hiện diện của 250 đồng chí kiên trung đã góp công làm nên kỳ tích Chiến thắng Điện Biên "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" 70 năm trước.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chúc sức khoẻ Anh hùng LLVT La Văn Cầu tại buổi gặp mặt, tri ân các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ hôm 4/5 |
Lặng lẽ ngồi ở hàng ghế đầu tiên là một người lính già nhỏ bé, gầy gò, bên ống tay áo bên phải trống trơn. Tuổi tác đè nặng lên đôi vai của ông, nhưng thời gian dường như không che mờ được đôi mắt tinh anh và niềm tự hào. Người chiến sỹ ấy là Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu.
Được biết, anh hùng La Văn Cầu sinh năm 1931, ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), người dân tộc Tày. Với khát khao được cầm súng giết giặc giải phóng đất nước, dù mới 16 tuổi, La Văn Cầu đã khai tăng lên 18 tuổi để được vào bộ đội.
Anh hùng La Văn Cầu tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ Nhất, năm 1952. (Ảnh nhân vân cung cấp) |
Anh hùng La Văn Cầu cho biết, ông đã tham gia 2 chiến dịch lớn với tổng cộng hơn 25 trận đánh, trong đó trận đánh đồn Đông Khê trong Chiến dịch biên giới Thu - Đông từ ngày 16 đến 18/9/1950 là đáng nhớ nhất, bởi cánh tay phải của ông vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Đại tá La Văn Cầu đã kể về trận đánh đồn Đông Khê 2, năm 1950, đầy khốc liệt và bi tráng.
Ông nhớ lại: "Tổ có 5 người do tôi làm Tổ trưởng. Lần đầu tiên chúng tôi đánh bộc phá - đơn vị bộc phá đầu tiên. Bộc phá có ít nên tôi có sáng kiến lấy mìn của địch để phá hàng rào. Lúc đó, địch bắn xuống như mưa, nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nên dù có bị thương cũng không dám nói ra vì sợ mọi người nhụt chí".
"Đạn bắn trúng cánh tay phải và má phải của tôi. Lúc đó, tưởng chết, nên tôi cố hô: "Hồ Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm". Khi tỉnh lại, một bên mình đã tê đi, cánh tay phải lủng lẳng, má phải mất. Lại nghĩ đến nhiệm vụ, tôi vùng dậy tìm gói bộc phá, nhưng lúc này rất khó đi" - anh hùng La Văn Cầu bồi hồi nhớ lại.
"Tôi nghĩ đằng nào cũng bị thương rồi, nhiệm vụ còn dang dở, thà chặt luôn tay cho đỡ vướng. Nghĩ là làm, tôi nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu giúp mình chặt cánh tay bị thương rồi tiếp tục dùng tay trái ôm bộc phá áp sát lô cốt địch, giật liền cả hai nụ xòe và chạy về phía sau. Sau tiếng nổ lớn, tôi lại ngất đi. Trong lúc ấy, các đồng đội đã thay tôi tiếp tục ôm bộc phá lao lên diệt các lô cốt khác của địch... Không biết ngất bao lâu nhưng khi tỉnh lại, tôi thấy lô cốt đã tan tành, chỉ còn một đống gạch trắng xóa, bóng các anh xung kích từng loạt, từng loạt nhảy vào vị trí Đông Khê. Trận Đông Khê giành thắng lợi hoàn toàn nhưng nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh” - người anh hùng 93 tuổi nói tiếp.
Biểu tượng tinh thần anh dũng
Tấm gương chiến đấu của anh hùng La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn quân, trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn - một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta từ Chiến dịch Biên giới năm 1950.
Anh hùng La Văn Cầu thăm lại chiến trường ác liệt khi xưa (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Về phần cá nhân đồng chí La Văn Cầu, dẫu cánh tay phải bị tháo khớp đến bả vai, ông nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, xác định sẽ biến tay trái trở thành tay phải. Sau 3 tháng luyện tập, người chiến sỹ huyền thoại đã có thể dùng tay trái như tay phải, kể cả việc khó như bắn súng.
Do thành tích trong chiến đấu, ngày 19/5/1952 ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, khi đang là tiểu đội phó thuộc Trung đoàn 174, Đại đoàn 316. Cùng năm đó, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Thi đua ái quốc theo Sắc lệnh số 107-SL.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Trần Quang Hưng, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội. |
Được phong hàm Đại tá từ năm 1985, ông đã được tặng Huân chương quân công hạng Nhì, hạng Ba, Huân chương kháng chiến hạng Nhất, từng là Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tên ông còn được đặt cho một con đường tại phường 2, thành phố Vũng Tàu, một con phố ở Nam Định và một khu phố ở thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Với thành tích đặc biệt, ông vinh dự được gặp và ăn cơm cùng Bác Hồ. Sau đó, ông được phân công về công tác ở Phòng Tổ chức quân khu I, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam… cho đến tháng 8/1996 thì nghỉ hưu.
“Tôi xác định phải tự lực, tập làm mọi việc bằng một tay với tinh thần lạc quan, hy vọng vào cuộc sống tươi đẹp phía trước. Chừng nào trái tim còn đập, tôi vẫn còn muốn được cống hiến, cống hiến thay cả phần đồng đội để xứng đáng với sự hy sinh của họ. Đây là điều tôi luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời”, anh hùng La Văn Cầu vui vẻ nói.