Anh hùng La Văn Cầu và tình yêu Hà Nội
Những trái tim phương xa dành tình yêu cho Hà Nội |
Huyền thoại về người hùng một tay
Trong trận đánh đồn Đông Khê năm 1950, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân La Văn Cầu đã dũng cảm chặt một tay để ôm bộc phá, tiêu diệt lô cốt của giặc Pháp. Ông trở thành huyền thoại về tinh thần hi sinh anh dũng, ý chí kiên cường sắt đá của những người lính trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc.
Hơn 70 năm vun vút trôi qua, người chiến sỹ kiên cường bất khuất năm nào hiện tại đã trở thành ông lão nhỏ bé, có phần yếu ớt trong tấm áo quân nhân thùng thình. Chiếc áo rộng càng làm mất mát bên tay phải của ông thêm phần trống trải, bâng khuâng.
Huyền thoại về người hùng một tay La Văn Cầu |
Trò chuyện với ông trong tổ ấm bé nhỏ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), người viết dần dần vỡ ra rằng, tuổi tác đè nặng lên đôi vai của ông, nhưng thời gian dường như không che mờ được đôi mắt tinh anh và niềm tự hào của người chiến sỹ từng gây rúng động chiến trường Đông Bắc.
Giơ cánh tay mảnh khảnh run run chém vào không khí, anh hùng La Văn Cầu kể về cuộc đời bằng giọng thiết tha như thể đang tâm sự với chính mình. Ông sinh năm 1931, ở huyện Trùng Khánh (Cao Bằng), người dân tộc Tày. Với khát khao được cầm súng giết giặc giải phóng đất nước, dù mới 16 tuổi, La Văn Cầu đã khai tăng lên 18 tuổi để được vào bộ đội.
Ký ức của anh hùng La Văn Cầu vẫn rõ ràng rằng, ông đã tham gia 2 chiến dịch lớn với tổng cộng hơn 25 trận đánh. Trong đó, trận đánh đồn Đông Khê trong Chiến dịch biên giới Thu - Đông từ ngày 16 đến 18/9/1950 là đáng nhớ nhất, bởi cánh tay phải của ông vĩnh viễn nằm lại chiến trường.
Anh hùng La Văn Cầu chụp ảnh tại Đại hội toàn quốc các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất |
Đại tá La Văn Cầu nhớ lại trận đánh đồn Đông Khê 2, năm 1950, đầy khốc liệt và bi tráng như sau: "Tổ có 5 người do tôi làm Tổ trưởng. Lần đầu tiên chúng tôi đánh bộc phá - đơn vị bộc phá đầu tiên. Bộc phá có ít nên tôi có sáng kiến lấy mìn của địch để phá hàng rào. Lúc đó, địch bắn xuống như mưa, nhưng ai cũng quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ nên dù có bị thương cũng không dám nói ra vì sợ mọi người nhụt chí".
"Đạn bắn trúng cánh tay phải và má phải của tôi. Lúc đó, tưởng chết, nên tôi cố hô: "Hồ Chủ tịch muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm". Khi tỉnh lại, một bên mình đã tê đi, cánh tay phải lủng lẳng, má phải mất. Lại nghĩ đến nhiệm vụ, tôi vùng dậy tìm gói bộc phá, nhưng lúc này rất khó đi" - anh hùng La Văn Cầu bồi hồi nhớ lại.
"Tôi nghĩ đằng nào cũng bị thương rồi, nhiệm vụ còn dang dở, thà chặt luôn tay cho đỡ vướng. Nghĩ là làm, tôi nhờ Tiểu đội trưởng Nông Văn Thêu giúp mình chặt cánh tay bị thương rồi tiếp tục dùng tay trái ôm bộc phá áp sát lô cốt địch, giật liền cả hai nụ xòe và chạy về phía sau. Sau tiếng nổ lớn, tôi lại ngất đi. Trong lúc ấy, các đồng đội đã thay tôi tiếp tục ôm bộc phá lao lên diệt các lô cốt khác của địch...
Không biết ngất bao lâu nhưng khi tỉnh lại, tôi thấy lô cốt đã tan tành, chỉ còn một đống gạch trắng xóa, bóng các anh xung kích từng loạt, từng loạt nhảy vào vị trí Đông Khê. Trận Đông Khê giành thắng lợi hoàn toàn nhưng nhiều đồng chí, đồng đội của tôi đã anh dũng hy sinh” - người anh hùng 93 tuổi rầu rĩ.
Tình yêu Hà Nội
Các nhà nghiên cứu lịch sử đánh giá, Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950 là dấu mốc quan trọng giúp quân và dân ta tiếp tục giữ vững quyền chủ động, phát huy thế tiến công chiến lược trong những năm 1951 - 1953; tiến tới giành thắng lợi liên tiếp trong cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên em Trần Thị Thanh tại Đại hội toàn quốc các chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất |
Trong đó, tấm gương chiến đấu của anh hùng La Văn Cầu đã cổ vũ phong trào thi đua giết giặc lập công trong toàn quân, trở thành lá cờ đầu trong phong trào thi đua sử dụng bộc phá công đồn - một hình thức chiến thuật mới của quân đội ta từ Chiến dịch Biên giới năm 1950. Do thành tích trong chiến đấu, ngày 19/5/1952 ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Về phần cá nhân đồng chí La Văn Cầu, dẫu cánh tay phải bị tháo khớp đến bả vai, ông nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh mới, xác định sẽ biến tay trái trở thành tay phải. Sau 3 tháng luyện tập, người chiến sỹ huyền thoại đã có thể dùng tay trái như tay phải, kể cả việc khó như bắn súng.
“Tôi xác định phải tự lực, tập làm mọi việc bằng một tay với tinh thần lạc quan, hy vọng vào cuộc sống tươi đẹp phía trước. Chừng nào trái tim còn đập, tôi vẫn còn muốn được cống hiến, cống hiến thay cả phần đồng đội để xứng đáng với sự hy sinh của họ. Đây là điều tôi luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời”, anh hùng La Văn Cầu vui vẻ nói.
May mắn thay, cánh tay phải của ông bị mất trong chiến đấu, nhưng cuộc sống – đặc biệt là tinh thần cách mạng – đã mang tới cho ông điểm tựa vững chãi khác. Ấy là người bạn đời rất đặc biệt Trần Thị Thanh.
Ngồi lặng lẽ bên chồng, bà Trần Thị Thanh không muốn nói nhiều về bản thân. Song, người viết biết rằng, bà cũng có một quá khứ đầy vinh quang.
Hạnh phúc tuổi xế chiều của những người anh hùng |
Được biết, ngày 1/5/1952, Đại hội Anh hùng các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất đã diễn ra tại Tuyên Quang. Đại hội vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ động viên và thăm hỏi các anh hùng, chiến sĩ tham dự Đại hội.
Đặc biệt, Người dành sự quan tâm đến các anh hùng, chiến sĩ thi đua có hoàn cảnh đặc biệt và các cháu bé thiếu niên nhi đồng, một trong số các chiến sĩ thi đua nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là em Trần Thị Thanh (15 tuổi) – đại biểu nhỏ tuổi nhất Đại hội, chiến sĩ thi đua của ngành sản xuất giấy. Bên lề Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần hỏi chuyện về gia đình, công việc và động viên em Trần Thị Thanh cố gắng phấn đấu hơn nữa để đạt nhiều thành tích cao trong sản xuất.
Cơ duyên lạ lùng, tại Đại hội Anh hùng các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ Nhất, Trần Thị Thanh đã gặp gỡ anh hùng La Văn Cầu. Ngay từ lần gặp đầu tiên đó, hai người anh hùng đã cảm phục nhau. Từ sau đó, cuộc sống, tình yêu, lý tưởng đã gắn bó hai người với nhau, trở thành mối lương duyên hiếm có.
Trong đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô năm 1954, La Văn Cầu không chỉ yêu phố xá hay ánh đèn Hà Nội, mà trong trái tim người chiến sỹ còn mang nặng tình cảm với cô gái trẻ Trần Thị Thanh. Tại mảnh đất từng khói lửa, nay nổi tiếng thế giới là thành phố vì hòa bình, họ đã chung tay xây đắp tổ ấm và trở thành một phần của Thủ đô.
Đến bây giờ, hơn bảy thập kỷ vút qua, hai người anh hùng vẫn hạnh phúc nương tựa lẫn nhau. Đó là quả ngọt lành mà cuộc đời trao vào tay anh hùng La Văn Cầu, bù đắp cho cánh tay ông đã hi sinh cho Tổ quốc tại chiến trường Đông Bắc.