Huyện Thạch Thất (Hà Nội): Đổi thay trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, nhờ nỗ lực chung, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) ngày càng được nâng lên rõ rệt.
Huyện Thạch Thất lấy ý kiến về dự án xây dựng trường gần 700 tỷ đồng Khai mạc Hội chợ xúc tiến thương mại huyện Thạch Thất

Tập trung xây dựng hạ tầng

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Hà Nội, huyện Thạch Thất hiện có 30 dân tộc sinh sống, trong đó 29 dân tộc thiểu số với hơn 13.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 5,68% dân số. Cụ thể, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Thạch Thất sinh sống tập trung tại 3 xã: Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình.

Đồng bào dân tộc thiểu số tại Thạch Thất được quan tâm về mọi mặt
Đồng bào dân tộc thiểu số tại Thạch Thất được quan tâm về mọi mặt

Giai đoạn 2024- 2029, được sự quan tâm của Thành phố, công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Thạch Thất được quan tâm triển khai, đạt nhiều kết quả tích cực.

Đáng chú ý, huyện Thạch Thất đã đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng tại khu vực các xã miền núi, làm thay đổi diện mạo Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình. Nổi bật, trong giai đoạn 2019- 2024, trên địa bàn 3 xã miền núi đã triển khai 32 dự án, với tổng mức đầu tư trên 628 tỷ đồng. Nhờ đó, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong huyện ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Đồng bào biểu diễn chiêng Mường tại trụ sở mới được đầu tư xây dựng của xã Tiến Xuân
Đồng bào biểu diễn chiêng Mường tại trụ sở mới được đầu tư xây dựng của xã Tiến Xuân

Trong hoạt động tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Ngân hàng CSXH huyện Thạch Thất đã giải ngân cho 1.735 lượt khách hàng là người dân tộc thiểu số và miền núi của huyện vay gần 66,9 tỷ đồng. Nguồn vốn này tạo điều kiện để các hộ đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững.

Kết quả là, kinh tế của 3 xã miền núi Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình tiếp tục duy trì đà phục hồi và phát triển, đạt mức tăng trưởng 15,1%/năm, ngang bằng mức tăng trưởng kinh tế của huyện. Thu nhập bình quân đến năm 2023 đạt 73 triệu đồng/người/năm, tăng 17 triệu đồng/người/năm so với năm 2019.

Bảo tồn các giá trị văn hoá

Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, văn hoá luôn được đánh giá là vốn quý, cần sự gìn giữ và phát huy một cách nghiêm túc, bài bản. Tại huyện Thạch Thất, những năm qua, công tác bảo tồn, phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số được huyện quan tâm bằng những việc làm cụ thể.

Khảo sát tại các xã Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình, có thể thấy nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số đã được phục dựng và phát huy như: Tổ chức Hội thi biểu diễn văn nghệ, hát dân ca Mường, thi trình diễn trang phục Mường; hỗ trợ mua sắm trang phục truyền thống và tủ trưng bày trang phục cho các thôn của 3 xã miền núi.

Huyện Thạch Thất (Hà Nội): Đổi thay trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Đời sống văn hoá, tinh thần của đồng bào được quan tâm

Bên cạnh đó, chính quyền đã tổ chức các lớp truyền dạy, bồi dưỡng nghệ thuật diễn tấu Chiêng Mường cho nhóm người tuổi trẻ, có năng khiếu, có triển vọng phát triển; tổ chức giao lưu diễn tấu Chiêng Mường; các môn thể thao, trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn được khôi phục và phát huy... góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào các dân tộc miền núi.

Du khách trải nghiệm văn hoá Mường
Du khách trải nghiệm văn hoá Mường

Trong giai đoạn 2024- 2029, với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, đồng chí Nguyễn Minh Hồng- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy- Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thất tin tưởng: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện Thạch Thất sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục khó khăn, thách thức hoàn thành xuất sắc những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24, xây dựng huyện Thạch Thất ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Vũ Cường
Phiên bản di động