Huyện Thạch Thất bứt phá nhờ công nghiệp và kinh tế làng nghề
Huyện Thạch Thất chung tay "vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau" |
Niềm vui trên vùng đất trăm nghề
Là một trong những địa phương phát triển năng động của thành phố Hà Nội trong những năm qua, huyện Thạch Thất đang ngày càng thay da đổi thịt nhờ hoạt động công nghiệp, xây dựng, kinh tế làng nghề sôi nổi.
Hồi tháng 5 vừa qua, phát biểu tại buổi lễ khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền (Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội) nhận định, Thạch Thất là huyện có nhiều thuận lợi về kết nối giao thông như: Đại lộ Thăng Long; Quốc lộ 32, 21; Tỉnh lộ 419, 420, 446… và có nhiều làng nghề tập trung (50 làng nghề). Trong đó, huyện có 10 làng nghề được công nhận làng nghề truyền thống với trên 1.900 doanh nghiệp, hợp tác xã và 20.885 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản. Đây là những tiền đề quan trọng để Thạch Thất tập trung đẩy mạnh công nghiệp, kinh tế làng nghề.
Khởi công cụm làng nghề Dị Nậu - Thạch Thất |
Sau một năm không ít gian nay, kết quả về mặt kinh tế của huyện Thạch Thất rất khả quan. Cụ thể, theo báo cáo của UBND huyện, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã cơ bản trở lại bình thường, số doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh đăng ký mới, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tiếp tục tăng so với năm 2021. Thành quả là kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn ước đạt 31.5 nghìn tỷ đồng, bằng 100,1% kế hoạch năm và tăng 13,6% so với năm 2021.
Đáng chú ý, công nghiệp - xây dựng - kinh tế làng nghề tại huyện Thạch Thất đã phục hồi, khởi sắc. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt 21.8 nghìn tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm và tăng 13,6% so với năm 2021.
Bằng những biện pháp kịp thời, quyết liệt, huyện Thạch Thất tập trung chỉ đạo thực hiện khắc phục một số tồn tại, vướng mắc tại các cụm công nghiệp đang hoạt động. Đồng thời, huyện đã tổ chức khởi công, thi công xây dựng cụm công nghiệp làng nghề xã Dị Nậu; Tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp Chàng Sơn - giai đoạn 2 cùng với hàng loạt công tác khác.
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường
Năm 2023, huyện Thạch Thất tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển các cụm công nghiệp làng nghề. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, duy trì tăng trưởng bền vững, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn năm 2023 đạt 13,9%.
Ông Trần Đình Cảnh (Bí thư Huyện uỷ Thạch Thất) và ông Nguyễn Mạnh Hồng (Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất) giới thiệu về cụm làng nghề Dị Nậu |
Với thế mạnh kinh tế các làng nghề, huyện Thạch Thất sẽ phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống, gắn với bảo vệ môi trường. Đặc biệt, Thạch Thất tập trung phát triển các mặt hàng thế mạnh như: Cơ kim khí, đồ gỗ nội thất, nhà gỗ, mây tre giang đan; Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm, các dịch vụ bán hàng... Mục tiêu đề ra là giữ vững thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu để tạo bước đột phá cho phát triển các ngành nghề truyền thống.
Đối với công nghiệp, huyện Thạch Thất đặt kế hoạch đầu tư bổ sung hạ tầng kỹ thuật tại 7 cụm công nghiệp làng nghề và cơ kim khí mở; Chỉ đạo, đôn đốc đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng cụm công nghiệp làng nghề Dị Nậu; Đề xuất 5 cụm công nghiệp làng nghề mới gồm: Phùng Xá quy mô khoảng 63ha, Lại Thượng quy mô 25ha; Cần Kiệm khoảng 45ha, Canh Nậu 1 quy mô khoảng 60ha và Canh Nậu 2 quy mô 35ha.