Huyện Lập Thạch: Nước rút, người dân tranh thủ dọn vệ sinh và dọn dẹp nhà cửa
Sáng 12/9, những gói hàng hỗ trợ tiếp tục được các tổ liên gia ở Sơn Đông đến nhận, phân chia đến tận tay người dân |
Với 10/12 thôn bị ngập úng, trên 2.000 hộ dân phải di dời, xã Sơn Đông là địa phương chịu hậu quả nặng nền nhất từ cơn bão số 3, đặc biệt là về người. Tính đến 12 giờ trưa ngày 12/9, nước đã rút được hơn 1 mét, nạn nhân thứ 2 của vụ lật thuyền đã tìm thấy thi thể nhưng cả 10 thôn của Sơn Đông vẫn trong tình trạng cô lập.
Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Sơn Đông cho biết: Trong ngày hôm qua, tất cả các hộ dân ở vùng ngập úng được di dời đến nơi an toàn. Với đạo lý “thương người như thể thương thân” và “lá lành đùm lá rách”, trong 3 ngày qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, rất nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh bằng tình cảm và trách nhiệm đã “nhường cơm, sẻ áo”, tổ chức các đoàn cứu trợ, hỗ trợ đến giúp người dân xã Sơn Đông, nhất là những người già neo đơn, người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo ông Hùng, để các phần quà hỗ trợ đến được tay từng hộ dân, UBND xã Sơn Đông đã yêu cầu tổ liên gia của 10 thôn thống kê, lập danh sách từng trường hợp cụ thể và các tổ liên gia chịu trách nhiệm nhận, mang đồ hỗ trợ đến từng hộ kể cả vào ban đêm, bảo đảm 100% hộ dân được hỗ trợ và không có ai bị đói, không nhận được quà hỗ trợ.
Tại một số khu vực, ngay sau nước rút, các hộ chăn nuôi ở xã Sơn Đông đã tiến hành dọn dẹp chuồng trại để đưa đàn vật nuôi trở lại |
Thường xuyên có mặt tại đầu đường Tỉnh lộ 305C để hướng dẫn, hỗ trợ, phân luồng giao thông, anh Trần Văn Hiền, Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự, thôn Bắc Sơn, xã Sơn Đông cho biết, bão lũ làm thiệt hại rất nhiều tài sản của Nhân dân.
Trong 2 ngày qua, dường như người dân trong xã đều thức trắng đêm để di dời, kê cao đồ đạc, giường tủ, di chuyển lợn, gà đến vị trí an toàn và nay thì lại dần trở về nhà để dọn dẹp nhà cửa, ổn định cuộc sống sau bão lũ. Ai cũng thấm mệt nhưng trong gian nan, truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của người Việt Nam lại được phát huy, càng ngời sáng thêm nghĩa tình đồng bào.
Từ ngày 10/9 đến nay, Nhân dân xã Sơn Đông đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của hàng trăm tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. “Những chai nước lọc, những chiếc bánh mì, hộp sữa, miếng cơm nắm được truyền tay nhau phân phát đến tận tay những hộ ở các vị trí cô lập, khu vực nước sâu, người già, trẻ nhỏ…chúng tôi cảm thấy rất ấm lòng”- anh Hiền nói.
Nước rút và tranh thủ thời tiết nắng, người dân mang đồ đạc ra sân phơi |
Theo chia sẻ của các hộ dân ở Sơn Đông, từ đêm 11/9 đến khoảng 10 giờ sáng 12/9, nước tại các vị trí rút khá nhanh, giảm khoảng 1,2m so với đỉnh lũ. Tuy nhiên, từ 11 giờ trưa đến 14 giờ chiều nay, nước rút khá chậm. Với kinh nghiệm, nước rút đến đâu quét dọn, vệ sinh đến đó, nhiều hộ dân đã tiến hành dọn dẹp nhà cửa để quay lại cuộc sống.
Chị Nguyễn Thị Bình, thôn Bắc Sơn cho biết: Trong ngày 10 và 11/9, mực nước trong nhà cao khoảng nửa mét, đến sáng 12/9, nước rút dần, cả nhà thay nhau cầm chổi để quét, đẩy bùn non theo nước trôi đi. Đồng thời, tận dụng nước lũ, cọ rửa qua tường và các đồ đạc bị ngập như bàn ghế, tủ… Khi nào có nước máy thì tiến hành cọ rửa lại.
“Ngập úng, gia đình tôi mất trắng 2 sào lúa. Mặc dù xót của nhưng rất may là cả nhà và đàn vật nuôi được an toàn. Trong mưa bão, như thế đã là mắn mắn lắm rồi” - chị Bình cho biết.
Nước rút đến đâu, người dân quét dọn bùn non đến đó |
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Sơn Đông cho biết: Cùng với nỗ lực bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, sau bão lũ, xã Sơn Đông đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện UBND xã đã huy động các lực lượng, nhất là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các tổ liên gia…chủ động tham gia công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm ngay khi nước rút; tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tiến hành rắc vôi bột, phun thuốc khử trùng khu vực chuồng nuôi.
Đồng thời, UBND xã đã có văn bản đề nghị UBND huyện hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại do bão lũ; hỗ trợ vật tư, hóa chất, sinh phẩm… phục vụ phòng chống dịch, xử lý môi trường, khu vực chăn nuôi, nguồn nước sau bão.
Cũng theo ông Tuấn, hiện các đơn vị cung ứng điện, nước, internet đang tập trung sửa chữa, đấu nối tại các vị trí bị hư hỏng, bảo đảm cấp điện, nước, internet sớm nhất cho người dân ngay khi nước rút và các hoạt động đều phải bảo đảm an toàn.
Tại xã Triệu Đề, khoảng 7 giờ sáng 11/9 cống Cầu Triệu - một trong 3 cống tiêu lớn nằm trên hệ thống đê hữu sông Phó Đáy bị bục cánh cống do nước sông Phó Đáy dâng cao. Sự cố khiến nước sông Phó Đáy tràn vào trong đê gây ảnh hưởng đến các thôn Làng Bèo, Hùng Sơn và Lam Sơn. Ngay sau khi phát hiện sự cố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lập Thạch đã huy động lực lượng, phương tiện khắc phục, ngăn không cho nước tràn vào. Đến sáng 12/9, sự cố này đã cơ bản được khắc phục, các lực lượng chức năng vẫn duy trì túc trực theo dõi, kiểm soát.
Còn tại xã Đồng Ích - một trong những địa phương có nhiều diện tích lúa bị ngập sâu dưới nước nhất, trong ngày hôm nay, tranh thủ thời tiết nắng, các hộ dân đã ra đồng, cắt lúa. Tuy nhiên, tại cánh đồng chiêm trũng, thôn Hoàng Chung, toàn bộ hơn 30ha lúa của các hộ dân chuẩn bị đến kỳ thu hoạch vẫn còn ngập sâu trong nước.
Ông Nguyễn Văn Cao, thôn Hoàng Chung cho biết, 3 ngày qua, ngày nào ông và nhiều hộ dân trong thôn cũng ra cánh đồng này để kiểm tra tình hình mực nước. Thế nhưng, nước chưa có dấu hiệu rút và vẫn ở mức cao từ 1,2m -1,5m, gia đình ông xác định mất trắng 3 sào lúa trên cánh đồng này. “Không chỉ mất trắng lúa ở đây mà 2 sào ngô đang đến kỳ phun râu, đóng bắp và 2 sào vừng của gia đình ở khu vực đồng cao cũng bị mất trắng. Xót của, xót công sức bỏ ra, mấy ngày nay tôi không tài nào ngủ được”- ông Cao nói.
Theo thống kê sơ bộ của huyện Lập Thạch, đến 14h chiều nay, nước ở các khu vực ngập lụt trên địa bàn huyện đã rút khá nhiều. Toàn huyện có gần 1.160 ha lúa bị đổ, ngập trong nước; trên 202 ha hoa màu bị hư hại. Nước rút đến đâu, người dân tiến hành dọn dẹp nhà cửa, đẩy bùn non theo nước rút đến đó. Cùng với đó, tranh thủ thời tiết nắng ráo, bà con nông dân đã ra đồng cắt lúa, tuy nhiên, phần lớn lúa đã bị nảy mầm hoặc chưa chín già.Tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả sau bão, Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch Hoàng Long Biên yêu cầu các địa phương huy động lực lượng dọn dẹp đường giao thông, vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão… Bên cạnh đó, tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, đặc biệt là theo dõi mực nước sông Phó Đáy, sông Lô; thường xuyên kiểm tra địa bàn, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra; thực hiện nghiêm chế độ thông tin báo cáo về huyện theo quy định.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, cảnh báo để người dân không qua lại chỗ nguy hiểm có nguy cơ đổ sập và sạt lở cao; chủ động vệ sinh nhà cửa, chuồng chăn nuôi, bảo đảm phòng chống dịch bệnh.