Học sinh nghỉ, thầy cô bận gấp nhiều lần
Thêm nhiều quốc gia cho học sinh nghỉ vì nCoV Quảng Nam: Học sinh THPT, sinh viên sẽ đi học trở lại vào ngày 2/3 Thái Bình: Học sinh các cấp nghỉ thêm từ 1-2 tuần |
Nâng cao công tác phòng, chống dịch
Những ngày học sinh cả nước nghỉ học phòng dịch bệnh, cô Nguyễn Thị Thu An, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (quận Hà Đông, Hà Nội) vẫn đều đặn có mặt ở trường. Mỗi ngày cô cùng đồng nghiệp thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của ngành.
Ngôi trường mầm non với diện tích hơn 4.000 mét vuông được các cô vệ sinh sạch sẽ đến độ… “soi gương” được. Những chai nước sát khuẩn được bố trí ngay từ cổng trường với dòng chữ “Dung dịch sát khuẩn tay nhanh - Chung tay phòng chống dịch bệnh virus Corona” để mọi người ra vào đều có thể sử dụng.
Chia sẻ với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, cô Thu An cho biết: “Đến tuần này là lần thứ 5 trường thực hiện công tác vệ sinh, khử khuẩn. Nhận thức được mối nguy hại của dịch bệnh, nhà trường không chỉ tăng cường việc tuyên truyền, nâng cao kiến thức trong cán bộ, giáo viên mà còn thường xuyên có sự liên lạc, trao đổi với phụ huynh học sinh để nắm bắt tình hình sức khỏe của các con”.
Phòng dịch, học sinh nghỉ nhưng giáo viên lại bận rộn hơn gấp nhiều lần. Ngày nào các giáo viên trường Mầm non Ngô Thì Nhậm cũng có mặt theo lịch trực được phân công để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn như: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, làm đồ dùng, đồ chơi cho trẻ, vệ sinh trường lớp.
Không chỉ vậy, để chuẩn bị cho việc đón trẻ quay lại trường, các cô giáo được cán bộ Trung tâm Y tế quận đến tập huấn những kiến thức cơ bản về dấu hiện nhận biết của người nhiễm Covid-19, cách xử lý tình huống khi học sinh mắc bệnh và phòng tránh dịch trong trường học.
Nhà trường đã trang bị đầy đủ nước vệ sinh sát khuẩn tay nhanh đến các lớp học. Bên cạnh đó, khi học sinh quay lại trường, khăn mặt, cốc nước uống của các con cũng được hấp, sấy thường xuyên để ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của vi khuẩn.
Không chỉ có trường Mầm non Ngô Thì Nhậm, những ngày ngành Giáo dục cả nước căng mình phòng, chống Covid-19, các thầy cô trường Tiểu học Phú Lãm (Hà Đông, Hà Nội) cũng bận rộn hơn gấp nhiều lần.
Những khóm cây được cắt tỉa gọn gàng, các lớp học đều mở toang cửa sổ để đón ánh mặt trời dù học sinh chưa tới lớp. Bàn ghế được các thầy cô giáo, cha mẹ học sinh cùng các cô lao công lau đến bóng loáng.
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngày nào cũng có giáo viên trực ở trường, thực hiện công việc tổng vệ sinh và làm nhiệm vụ chuyên môn. Nhà trường đã giặt giũ sạch sẽ chăn của học sinh bán trú. Khăn rửa mặt của học sinh cũng được phát lại cho từng em để tiện việc vệ sinh, ngăn ngừa dịch bệnh.
Mọi công tác đều được thực hiện đầy đủ, bài bản theo đúng chỉ đạo của ngành và khuyến cáo của Bộ Y tế”.
Giúp học sinh nhanh chóng quay lại nề nếp
Không chỉ chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, một trong những khó khăn lớn mà các thầy, cô giáo mọi cấp học phải đối mặt đó là nề nếp của học sinh bị xáo trộn sau nghỉ dài.
Cô Thu An, Hiệu trưởng trường Mầm non Ngô Thì Nhậm tâm sự: “Sau thời gian nghỉ dài, việc đón học sinh mầm non đi học trở lại chắc chắn có nhiều khó khăn. Các con sẽ quấy, khóc, phải thiết lập lại trật tự mới trong sinh hoạt bình thường. Vì vậy, trong thời gian này, giáo viên đã được tập huấn rất kỹ những tình huống sư phạm để vừa chống dịch, vừa giúp các con nhanh chóng quay trở lại nề nếp cũ”.
Cùng với trang bị tình huống sư phạm để “đối mặt” với trẻ mầm non, cô Hoàng Kim Hoa, giáo viên lớp 4 tuổi quan tâm hơn đến vấn đề ổn định tâm lý phụ huynh sau kì nghỉ.
Nói thì dễ nhưng việc để phụ huynh yên tâm ở cấp mầm non lại khó khăn vô cùng. Trong khi học sinh ở nhà sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của các con và gây những xáo trộn sinh hoạt gia đình.
Cô Hoa chia sẻ: “Vừa là giáo viên đồng thời cũng là một người mẹ có con nhỏ nên tôi hiểu được nỗi lo lắng của phụ huynh khi dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới. Dù Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh nhưng chúng ta không vì đó mà chủ quan. Vì vậy, trong những ngày tạm nghỉ phòng dịch, tôi cùng các cô giáo đã tích cực trang bị kiến thức, chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để phụ huynh yên tâm cho con đi học trở lại”.
Cũng đau đáu nỗi lo chểnh mảng bài vở, xao nhãng kiến thức của học sinh sau kì nghỉ, cô Nguyễn Thị Sâm, giáo viên, tổ trưởng tổ 3 trường Tiểu học Phú Lãm cho biết: “Khi các con được nghỉ học, giáo viên thường xuyên cập nhật, nắm thông tin về học sinh qua trao đổi với phụ huynh, đồng thời giao bài tập cho học sinh làm. Tuy nhiên con số này không nhiều và việc học cũng không thể hiệu quả bằng học trực tiếp trên lớp”.
Nhận xét về điều này, cô Sâm chia sẻ, việc học online hay giao bài về nhà cần có nhiều điều kiện như mạng internet, máy tính, bên cạnh đó là sự sát sao của phụ huynh. Điều này không phải gia đình nào cũng có thể đáp ứng đầy đủ.
“Trên tinh thần chống dịch là công việc hàng đầu song song với giảng dạy, chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn các điều kiện để việc học tập của học sinh quay lại nề nếp. Sẽ không tránh được hiện tượng học sinh quên kiến thức, tinh thần học tập uể oải vì thế giáo viên cần phải cố gắng, nỗ lực hơn nữa”, cô Sâm bày tỏ.