Hoạt động báo chí có thể được hưởng ưu đãi thuế 15%?
Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan báo chí Báo chí giải pháp: Tạo ra những câu chuyện tích cực, mang tính xây dựng |
Đây là thông tin được ông Trương Bá Tuấn - Cục phó Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí (Bộ Tài chính) cho biết tại buổi họp báo ngày 27/9.
Ông Tuấn cho biết, theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, thu nhập của cơ quan báo chí từ hoạt động báo in, kể cả quảng cáo trên báo in theo quy định của Luật Báo chí, được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi 10%. Còn các cơ quan báo chí thuộc các loại hình khác như báo điện tử, truyền hình, phát thanh chưa có quy định.
Thực tiễn thời gian qua, hoạt động của các cơ quan báo chí gặp khá nhiều khó khăn, doanh thu sụt giảm. Trên cơ sở ý kiến các bộ ngành, một số tờ báo, cơ quan khác, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ phương án bổ sung thêm chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động báo chí tại dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Chính phủ đã thống nhất Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung hoạt động báo chí nói chung vào lĩnh vực được ưu đãi thuế.
Ông Trương Bá Tuấn - Cục phó Cục Quản lý, giám sát thuế phí và lệ phí (Bộ Tài chính). |
Theo đó, ngày 6/9, Chính phủ đã có tờ trình Quốc hội về dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, trong đó đề xuất cơ quan báo chí không phải loại hình báo in (điện tử, truyền hình, phát thanh) có thể được hưởng thuế ưu đãi 15%, giảm 5% so với hiện nay; riêng báo in vẫn áp dụng mức ưu đãi 10% như quy định hiện hành. Mức thuế ưu đãi được áp dụng cả với thu nhập từ hoạt động quảng cáo trên báo.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã cân nhắc các yếu tố liên quan và mức ưu đãi đối với hoạt động báo chí đã được tính toán dựa trên nhiều phương diện, đảm bảo tương quan với các lĩnh vực, ngành nghề khác mà Nhà nước cần khuyến khích thúc đẩy phát triển.
“Nguyên tắc thực hiện chính sách ưu đãi thuế trong hoạt động đầu tư là phải thực hiện ưu đãi theo lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Do đó, chỉ lĩnh vực hoạt động gắn với địa bàn được ưu đãi mới được thực hiện ưu đãi thuế. Đây cũng là nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi thuế của Đảng và Nhà nước”, ông Trương Bá Tuấn cho biết.
Đối với ý kiến đề xuất cho phép thực hiện bù trừ lỗ/lãi giữa hoạt động báo in với các hoạt động tài chính khác trong cùng một cơ quan báo chí, ông Tuấn khẳng định không thể thực hiện việc bù trừ này. Mọi hoạt động phải tuân thủ áp dụng thống nhất một nguyên tắc về ưu đãi thuế áp dụng theo theo địa bàn, lĩnh vực hoạt động, vậy chỉ những lĩnh vực hay địa bàn được ưu đãi thì mới được pháp các chính sách ưu đãi về thuế.
Trao đổi thêm về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, về nguyên tắc không thể thực hiện bù trừ giữa hoạt động lỗ và hoạt động lãi trong cùng một cơ quan báo chí.
Tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ xem xét, cân nhắc đưa ra một mức ưu đãi phù hợp nhất, hài hòa nhất trên cơ sở đánh giá, cân nhắc các vấn đề để đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ cơ quan báo chí truyền thông.
Trước đó, ngày 23/9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện các cơ quan báo in đang được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là 10%, còn cơ quan báo điện tử thì không được ưu đãi nên rất khó khăn.
Theo ông Vinh, các cơ quan báo chí dù là báo in, báo điện tử hay truyền hình, phát thanh đều là báo chí cách mạng, là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các cơ quan nhà nước. Hiện tại, thu nhập của các cơ quan báo chí chủ yếu phụ thuộc vào quảng cáo; tuy nhiên, miếng bánh quảng cáo cũng đang bị thu hẹp, khiến cơ quan báo chí gặp nhiều khó khăn.
"Chúng tôi đề nghị một mức ưu đãi thuế thu nhập chung cho báo in, báo điện tử và các loại hình báo chí khác như đang áp dụng cho báo in hiện nay", Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nói.