Hoài Đức: Thiên đường của vi phạm pháp luật về đất đai
Vi phạm đất nông nghiệp tràn lan
Thời gian qua, Tuổi trẻ và Pháp luật đã đăng tải loạt bài phản ánh về những vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất nông nghiệp nhưng chưa được xử lý triệt để, khiến dư luận đặt ra câu hỏi có hay không việc dung túng cho vi phạm.
Đơn cử là tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp tại khu vực cổng Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) khi có cả chục công trình xây dựng từ 3 đến 4 tầng được xây dựng kiên cố và đã đưa vào sử dụng.
Trao đổi với phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật, lãnh đạo xã Kim Chung cũng thừa nhận vi phạm nhưng cho rằng: "Các công trình xây dựng xuất hiện từ lâu, và cũng đã được quy hoạch làm đất thổ cư, có đóng thuế nhưng do bị xen kẹt nên xuất hiện tình trạng như vậy".
Một số công trình vi phạm khu vực cổng Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch và thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức, TP Hà Nội). |
Trong khi đó, tại thị trấn Trạm Trôi cũng xuất hiện hàng loạt công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Đặc biệt, tại Khu 7 đã mọc lên hàng loạt công trình, nhà ở kiên cố, xây dựng trái phép. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện số ít các công trình đã được tháo dỡ được cho là chính quyền địa phương ''ra tay'' xử lý vi phạm.
Liên quan đến việc này, đại diện Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức từng thừa nhận các vi phạm và cho biết việc để xảy ra sự việc nêu trên, trách nhiệm đầu tiên thuộc Chủ tịch UBND thị trấn Trạm Trôi và Chủ tịch xã Kim Chung.
"Quan điểm của huyện là kiên quyết không để vi phạm mới phát sinh, còn những vi phạm cũ thì phân loại ra theo luật để xử lý, cái nào phải cưỡng chế, tháo dỡ và cái nào được tồn tại phải căn cứ vào luật", vị này khẳng định.
Khẳng định của đại diện huyện Hoài Đức là như vậy. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, rất nhiều công trình vi phạm vẫn đang công nhiên tồn tại, không có dấu hiệu nào cho thấy là đã xử lý dứt điểm.
Có quy hoạch nào cho phép 4 trạm trộn bê tông hoạt động sát nhau như thế này không? |
Ai dung túng cho vi phạm?
Ngoài những vi phạm như đã đưa ở trên, tại địa bàn huyện Hoài Đức hiện tại xuất hiện hàng chục trạm trộn bê tông trái phép, gây hệ lụy nghiêm trọng đến môi trường và cuộc sống của người dân.
Vi phạm tập trung nhiều nhất quanh khu vực cầu vượt An Khánh, cụm công nghiệp xã Lại Yên khi hàng loạt trạm trộn bê tông với quy mô rất lớn công nhiên tồn tại trái phép, hoạt động rầm rộ cả ngày lẫn đêm, thách thức sự nghiêm minh của pháp luật như: Bê tông An Bình, An Phúc, A&P, Licogi 12.1, Sung Shin Vina, HT 86, nhà Máy sản xuất bê thông thương phẩm Việt Tiệp...
Theo ghi nhận của phóng viên, các trạm trộn bê tông được xây dựng trên những khu đất lên tới hàng chục nghìn m2. Thậm chí, mật độ trạm trộn còn xuất hiện dày đặc quanh khu vực đường Đại lộ Thăng Long (xã An Khánh) và cụm công nghiệp Lại Yên (xã Lại Yên).
"Các trạm trộn bê tông như An Phúc, A&P, Licogi 12.1 đã hoạt động nhiều năm nay nhưng đa số là hoạt động không có giấy phép, gây ô nhiễm môi trường và từng thuộc diện di dời, dẹp bỏ nhưng không hiểu sao vẫn tồn tại", một người dân đặt câu hỏi.
Trạm trộn bê tông Licogi 12.1 trong cụm công nghiệp Lại Yên (xã Lại Yên, Hoài Đức). |
Cũng theo ghi nhận, tại huyện Hoài Đức, chỉ tính riêng tại khu vực có 5 Cụm công nghiệp là Trường An, La Phù, Di Trạch, Cầu Nổi, Lại Yên hiện tồn tại gần 20 trạm trộn bê tông trái phép hoạt động cả ngày lẫn đêm, vận hành hết công suất để phục vụ cho nhu cầu xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội.
Không những vậy, từng đoàn xe siêu tải trọng chở xi măng, xe chở bê tông đã trộn, xe quá tải chở cát, đá, xi măng từ các trạm trộn rầm rộ nối đuôi nhau tấp nập ra vào cả ngày lẫn đêm. Những âm thanh hỗn tạp, tiếng còi xe inh ỏi cùng với đó là những tiếng rít đinh tai nhức óc phát ra từ các thiết bị máy móc ở trong trạm vang lên cả ngày lẫn đêm.
Liên quan đến việc này, phóng viên Tuổi trẻ và Pháp luật đã liên hệ với đại diện chính quyền địa phương từ cấp xã tới cấp huyện nhưng hầu hết đều né tránh, không cung cấp hồ sơ. Thậm chí, khi phóng viên nhắn tin gửi thông tin cho các vị lãnh đạo này để có phương án xử lý nhưng cũng không có phản hồi nào.
Thời gian qua, các cấp, các ngành chức năng từ Chính phủ, TP Hà Nội đều chỉ đạo kiên quyết xử lý những vi phạm trật tự xây dựng, ô nhiễm môi trường. Nhưng tình trạng "trên nóng, dưới lạnh'' vẫn đâu đó xảy ra. Đặc biệt, việc buông lỏng quản lý để các trạm trộn bê tông ngang nghiên hoạt động, thách thức sự kiên nhẫn của người dân cũng như sự nghiêm minh của pháp luật tại huyện Hoài Đức (sẽ được công nhận là quận Hoài Đức vào năm 2020) như chúng tôi phản ánh không phải vừa mới diễn ra.
Trước những vấn đề trên, để lập lại kỷ cương trong công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, thiết nghĩ, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo UBND các quận, huyện cùng các đơn vị liên quan rà soát hồ sơ pháp lý, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường cũng như có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với hoạt động của các trạm trộn bê tông trên địa bàn huyện Hoài Đức.