Hóa giải bài toán khó về quy hoạch, hạ tầng giao thông cho Thủ đô
Thủ đô cần có luật để thu hút, trọng dụng nhân tài Cơ chế, chính sách tài chính cho Thủ đô chưa tương xứng |
Qua nghiên cứu dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội (Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM) nhận thấy có rất nhiều điểm tiến bộ mà ban soạn thảo mong muốn Thủ đô Hà Nội phát triển với những kỳ vọng rất lớn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, dự án luật này cần được rà soát và đánh giá đầy đủ 9 nội dung trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng và nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể, về tổ chức chính quyền thành phố Hà Nội theo hướng tinh gọn, hợp lý, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong các điều khoản của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định về chính quyền cấp thành phố, chính quyền cấp quận, cấp xã là Hội đồng Nhân dân, tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức bày tỏ băn khoăn sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hiện đại như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM). |
Theo ông Đức, gắn với công cuộc chuyển đổi số, những con người đó ngoài năng lực về phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực về quản lý Nhà nước, về quản lý kinh tế ở tầm các cấp vĩ mô và vi mô, về phương diện của Thủ đô thì cần phải có những yêu cầu như thế nào về ngoại ngữ, về trình độ công nghệ thông tin trong vấn đề quản lý số hóa như nào mới đáp ứng yêu cầu về tinh gọn?
Mặc dù dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có những định hướng quy định nhưng ông Nguyễn Minh Đức đề nghị cần có đánh giá một cách đầy đủ cả về những vấn đề thực tiễn, cần phải làm rõ vấn đề này.
Về phương hướng trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị là cơ chế thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô, ông Đức đề nghị cần phải đánh giá đầy đủ, ở Thủ đô Hà Nội cũng giống như TP HCM có rất nhiều nhân tài của đất nước đều về hai thành phố lớn này.
Hạ tầng giao thông, quy hoạch đô thị vẫn là bài toán khó cho Hà Nội. |
Theo ông Đức, muốn đánh giá được đầy đủ thì phải có những quy hoạch cả về chiến lược, về công việc và vị trí việc làm thì mới có thể đạt được mục tiêu nghị quyết của Bộ Chính trị.
“Sau khi học xong, những nhân tài này sẵn sàng ở lại Thủ đô hoặc TP HCM cống hiến, một môi trường cạnh tranh rất cao, như vậy sẽ rất dễ lựa chọn được nhân tài, nhưng vị trí, việc làm cũng như tạo ra cho những nhân lực đó được thỏa nguyện việc cống hiến ở Thủ đô cũng như ở TP HCM thì phải có sân chơi”, ông Cường nói thêm.
Đặc biệt là vấn đề hoàn thiện các quy định về quy hoạch quản lý và phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông Thủ đô, đại biểu Quốc hội đoàn TP HCM cho rằng, đây là một nỗi trăn trở.
Ông Đức cho rằng, nhìn thực tế hiện nay, tình trạng dân số quá tải, hạ tầng giao thông còn quá eo hẹp so với tỷ lệ người dân. Do đó, với một cơ chế được quy định trong luật này phải bứt phá được để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị.
"Muốn vậy thì cần đánh giá một cách đầy đủ thực tế hiện nay về hạ tầng giao thông đô thị của Thủ đô, cụ thể hóa trong luật với những văn bản hướng dẫn, gắn với tính đặc thù của Thủ đô mới có thể phát triển được", ông Đức nói.
Ông Nguyễn Minh Đức nhận định, nếu chỉ quy định trong luật thì đã được thấy rất rõ, rất hay nhưng quan trọng là thực hiện được như thế nào với thực tế đang là một thách thức của các nhà quản lý.
Trong khi đó, chúng ta phải hướng tới Thủ đô hiện đại như các nước. Do đó, ông Đức cho rằng, vấn đề là phải làm sao đưa dân vào các khu đô thị, dành đất cho giao thông, dành đất cho công viên cây xanh để giải trí, dịch vụ công cộng cho người dân thì mới đáp ứng được yêu cầu này.
"Thủ đô phải phát triển được đường sắt đô thị, phải có tàu điện ngầm, nhưng thực tế rất khó. Với hệ thống đường trên cao hiện này, hiệu quả chưa được đánh giá một cách đầy đủ", ông Đức phân tích.