Thủ đô cần có luật để thu hút, trọng dụng nhân tài
Đó là quan điểm của PGS.TS Bùi Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển. Xoay quanh Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có cuộc trao đổi với chuyên gia này.
PV: Thưa ông, theo đánh giá của ông, Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi này có điểm gì vượt trội?
PGS.TS Bùi Tất Thắng: Nói đến “vượt trội” tức là phải vượt qua quy định hiện hành của Luật hiện có nhưng phải đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán trong hệ thống pháp luật, văn bản của Nhà nước. Đây là điểm khó.
Trước đây, chúng ta đã có luật nhưng việc vận dụng vào phát triển kinh tế - xã hội chưa thật sự hiệu quả. Bây giờ, chúng ta khắc phục ra sao? Nếu chúng ta có Luật Thủ đô (sửa đổi) đủ mạnh để áp dụng thì nay chính là cơ hội và điều kiện thuận lợi để khắc phục.
Một là, “vượt trội” thì phải phải có điều khoản quy định rằng, nếu sai so với quy định khác thì phải có điều khoản “Không phải hỏi”. Hai là, phải có cơ chế thông thoáng hơn, quy định rõ việc phân quyền và ủy quyền. Phân quyền tức là Thủ đô chịu trách nhiệm trước Nhân dân về việc làm của mình; còn ủy quyền là khi Trung ương ủy quyền cho Hà Nội thực hiện thì Hà Nội làm phải làm như thế nào. Điều này phải thành cơ chế, điều khoản rõ ràng, tránh trường hợp, địa phương khác… ganh tị.
Bên cạnh đó, còn nhiều cơ chế khác như về nhân lực, bộ máy cần phải bổ sung. Đặc biệt, sắp tới, Hà Nội đang thành lập mô hình thành phố trong thành phố. Hiện chỉ có ở Thủ Đức phát triển mô hình này, trong khi đó Thủ Đức cũng không dễ dàng thực hiện hiện. Vậy cần phải có nghiên cứu rõ ràng, thấu đáo, có luận chứng, bộ máy vận hành như thế nào để khi áp dụng cho Hà Nội sẽ đạt được hiệu quả.
Luật Thủ đô có thể nhiều điểm mâu thuẫn với luật chuyên ngành quốc gia thì phải được chiếu trong luật Thủ đô (sửa đổi) để thực hiện.
PV: Thưa ông, quan điểm thu hút, trọng dụng nhân tài đã được thể hiện đầy đủ trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chưa?
PGS.TS Bùi Tất Thắng: Trong Nghị quyết 13 của Đảng nhấn mạnh phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế phát hiện, lựa chọn, thu hút, trọng dụng nhân tài và cơ chế đánh giá cán bộ; phải có chế độ thỏa đáng để thu hút người tài. Đảng cũng xác định cần phải đột phá về hạ tầng và nhân lực thì phải có đột phá về cơ chế để trọng dụng người tài. Vậy điều này cần phải đưa vào Luật.
Tỉnh Bình Định đã mời hàng chục nhà khoa học được giải Nobel quốc tế, để lan tỏa tư tưởng về khoa học công nghệ thì không có lý gì, Hà Nội lại không làm được. Hà Nội phải có thiết chế phù hợp vì Hà Nội một nơi có tiềm lực, phải biến nơi đây thành nơi hội tụ nhân tài quốc tế. Điều này phụ thuộc lớn vào chính sách. Chế độ thỏa đáng, môi trường sinh sống, môi trường làm việc, cơ chế đóng thuế của họ ra sao… đều cần phải đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi).
PGS.TS Bùi Tất Thắng - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô |
PV: Ông nghĩ sao khi trong dự thảo quy hoạch Thủ đô lần này có nói đến 5 trụ cột, trong đó có trụ cột văn hóa?
PGS.TS Bùi Tất Thắng: Trong Dự thảo quy hoạch Thủ đô lần này có nói đến 5 trụ cột, trong đó có trụ cột văn hóa. Thủ đô Hà Nội có chiều dày lịch sử trên 1.000 năm, có nhiều lớp trầm tích văn hóa, tạo ra bản sắc văn hóa đặc trưng của Hà Nội như một biểu tượng của quốc gia.
Vì thế, trong quy hoạch cần phải coi yếu tố văn hóa là nội dung quan trọng hơn rất nhiều tỉnh thành khác. Văn hóa có văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc trưng của quy hoạch là định vị không gian, vì vậy cần phải bố trí được không gian. Hà Nội phải hiện đại, sánh ngang tầm thế giới. Hà Nội đứng phía sau là lịch sử, phía trước là yêu cầu hội nhập. Vậy phải có biểu tượng về kiến trúc đô thị, cảnh quan hay công trình văn hóa xã hội có tính biểu tượng, kiến trúc đẹp, hài hòa, thể hiện sắc thái người Việt.
Điểm này trong quy hoạch kiến trúc đô thị hơi mờ nhạt nên nói đến Hà Nội hiện nay, chúng ta không chỉ ra được biểu tượng kiến trúc nào là điển hình.
Đây cũng là điểm phải khắc phục trong thời gian tới. Hà Nội là kinh đô nên hội tụ tất cả danh nhân ở đây. Trong xu thế hội nhập, Hà Nội phải có những danh nhân quốc tế. Sự hiện diện của họ phản ánh Hà Nội thực sự là nơi hội tụ nhân tài. Phải quy hoạch sao cho có không gian cho phát triển triển khoa học công nghệ, không gian văn hóa. Chúng ta chọn vùng Láng Hòa Lạc để phát triển khoa học công nghệ thì đi từ sân bay về Hòa Lạc bao nhiêu?
Hà Nội là người hào hoa, thanh lịch. Vậy trong hiện đại, người hào hoa ấy trong thời hội nhập như thế nào? Trong các quy hoạch của Hà Nội lần trước đều nói đến khía cạnh văn hóa. Tuy nhiên, khiếm khuyết của những quy hoạch lần trước là thiếu yếu tố kết hợp đồng bộ, đó là: Quy hoạch chung phát triển Hà Nội đi theo một hướng, quy hoạch xây dựng đô thị không bám theo đó và chính sách kèm theo chưa đủ mạnh để thực hiện.
Bây giờ, Hà Nội cùng lúc thực hiện 3 nhiệm vụ đó: Quy hoạch tổng thể, Quy hoạch xây dựng và sửa Luật Thủ đô để thành phố có đủ cơ chế, chính sách thiết thực, hiệu quả và công cụ pháp ly đủ mạnh để đạt được mục tiêu. Do vậy, những mục tiêu về văn hóa, giáo dục đặt ra phải có hệ thống chính sách đi kèm, để có cơ hội hiện thực hóa, thúc đẩy Hà Nội trở thành Thủ đô thông minh, hiện đại, xanh sạch đẹp, văn minh, an toàn, dẫn dắt vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm của cả nước phát triển.
PV: Trân trọng cám ơn ông!