Hoa đào làng nghề Đông Thai đón mùa Xuân về
Hà Nội tổ chức Lễ hội hoa đào, quất cảnh liên tiếp 7 ngày |
Lạc vào "đảo đào hoa"
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, cánh đồng và các con đường tại thôn Đông Thai (xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) giống như được phủ một màu đỏ - hồng sặc sỡ. Những gốc đào sần sùi thô ráp được nghệ nhân khéo léo "hãm" đúng độ, vừa kịp bung nở lộng lẫy đón mùa Xuân.
Màu sắc rực rỡ tại các cánh đồng hoa đào thuộc thôn Đông Thai |
Các cụ cao niên kể rằng, thôn Đông Thai được hình thành cách đây hơn 400 năm. Riêng về nghề trồng đào, cây cảnh của làng Đông Thai được hình thành cách đây 62 năm, thời kỳ đầu cụ Bùi Văn Bằng người tại thôn cùng với các cụ Nguyễn Văn Khiết và cụ Nguyễn Văn Thoa (ở thôn Nội Thôn) là những người đầu tiên mang những cây đào về trồng tại xã Vân Tảo, hướng dẫn người dân cách chăm sóc đào, ghép đào, cho đào ra hoa vào đúng dịp Tết…
Theo thời gian nghề trồng đào, hoa cây cảnh tại Đông Thai càng lúc càng phát triển nhanh, đem lại thu nhập cho người dân địa phương. Hiện nay, nghề trồng cây đào và trồng hoa cây cảnh đã thu hút đa phần người dân của thôn Đông Thai.
Nhiều người nông dân đã làm giàu bằng nghề trồng đào tại thôn như các gia đình: Ông Bùi Văn Anh (1987), ông Bùi Văn Tính (1979), ông Bùi Văn Bình (1985), Phạm Văn Tá (1966)…
Nông dân trồng đào tại Đông Thai nắm vững các kỹ thuật, giúp hoa đào tươi, đẹp và bền |
Được biết, những cây giống nổi tiếng của địa phương gồm: Đào mắt nâu, nâu xù, bích phai, đào bích cổ, đào ghép…, cùng với sự phát triển của nghề trồng đào, cây cảnh của địa phương cũng đã mở rộng ra nhiều loại đào, cây cảnh mới như đào Thất thốn, đào Tuyết, cây sanh, cây cảnh công trình…
Trong 3 năm, từ 2020 - 2022, số hộ kinh doanh làng nghề của thôn tăng lên đáng kể, quy mô sản xuất của làng nghề ngày càng tăng từ 20,5ha (năm 2020) lên 29,5ha (năm 2022), thu nhập bình quân đầu người của người dân làm làng nghề tăng từ 64 triệu đồng/người/năm ( năm 2020) đến 85 triệu đồng/người/năm (năm 2022) cao hơn so với mức thu nhập bình quân đầu người của xã, giá trị sản xuất tăng từ 162 tỷ đồng ( năm 2020) lên 210 tỷ đồng (năm 2022).
Nâng cao thương hiệu "hoa đào Đông Thai"
Năm 2012, thôn Đông Thai được công nhận là Làng văn hóa. Trong đó, nghề trồng đào, cây cảnh đóng góp lớn vào sự ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, hiện nay đã là nghề chính của người dân, hàng năm đem loại doanh thu hàng trăm tỉ đồng.
Không chỉ có kinh nghiệm, những người trồng đào của thôn Đông Thai cũng nắm vững và áp dụng thành công các kỹ thuật: Cưa cành, cắt tỉa lá, ghép mắt, bọc nilon, sưởi điện… giúp đào ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán và cho hiệu quả kinh tế cao.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh thăm cánh đồng hoa đào |
Hoa đào Đông Thai ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng bởi bông to, cánh dày, màu sắc tươi sáng, dáng đẹp, sức sống lâu bền... Không chỉ nổi tiếng trong vùng, đào Đông Thai còn "vươn" lên nội đô, sáng vai với đào Nhật Tân, đào La Cả ...
Bí thư Đảng ủy xã Vân Tảo Nguyễn Thanh Liêm cho biết: "Nghề trồng đào đang là hướng đi đúng đắn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Do vậy, địa phương xác định hướng tới xây dựng thành mô hình làng hoa, cây cảnh lớn nhất nhì miền Bắc, mỗi năm cung ứng hàng chục triệu sản phẩm hoa, cây cảnh các loại phục vụ thị trường Tết, trong đó cây hoa đào là chủ lực".
Hiện nay xã Vân Tảo (Thường Tín) có trên 1.200 hộ với 82,5ha trồng hoa đào ở thôn Nội Thôn và thôn Đông Thai, cho thu nhập khoảng 1,5 tỷ đồng/năm/ha. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn thuê khoảng 30ha đất nông nghiệp ở xã Tự Nhiên và xã Chương Dương để trồng đào. Ngoài ra, xã Vân Tảo còn có trên 90ha diện tích gieo trồng rau màu các loại… Hằng năm, làng nghề đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng trên 1.000 lao động tại địa phương, thu nhập bình quân lao động từ 10 - 15 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, hoa đào đã góp phần đưa cuộc sống người dân Vân Tảo ngày càng sung túc, khấm khá hơn, đem lại những khởi sắc cho diện mạo nông thôn vùng đất này. |