Hội nghị quân sự Trung Giã: Hiện thực hóa khát vọng hòa bình của dân tộc
Sáng 30/7, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã - Giá trị lịch sử và bài học”.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm 70 năm Hội nghị quân sự Trung Giã và Hiệp định Giơnevơ (1945-2024); hướng tới 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Tham dự Hội nghị, về phía Bộ Quốc phòng, Bộ Công An có Thiếu tướng Nguyễn Như Lôi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân; Đại tá Nguyễn Ngọc Huân, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BTL Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về phía TP Hà Nội có các đồng chí: TS Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức Hội thảo; đại diện các Ban Đảng, Sở, ngành, lãnh đạo các quận, huyện, thị ủy.
Về phía huyện Sóc Sơn có các đồng chí Bùi Duy Cường, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn; Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn; Nguyễn Nam Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn và các phòng, ban.
Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham dự của lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự cùng đại diện tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Thái Nguyên, thân nhân các nhân chứng lịch sử.
Các đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn; nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Bùi Duy Cường, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn tham dự hội thảo. |
70 năm vẫn còn nguyên giá trị lịch sử
Khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, cách đây 70 năm, cùng với Hội nghị Giơnevơ bàn về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, tại Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) diễn ra Hội nghị quân sự Trung Giã, bàn về các vấn đề do tình hình quân sự cụ thể tại chỗ đặt ra giữa Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Tổng chỉ huy các lực lượng liên hiệp Pháp ở Đông Dương.
Đồng chí Nguyên Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại hội thảo |
Sau 23 ngày đàm phán (4-27/7/1954), Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả, giải quyết một cách thỏa đáng vấn tù binh, đồng thời định ra thể thức cần thiết để thực hiện ngừng bắn trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Kết quả đàm phán tại Trung Giã đã góp phần vào thành công của Hội nghị Giơnevơ, tiến tới tiếp quản, giải phóng Thủ đô.
Toàn cảnh hội thảo |
“Đây là dịp để chúng ta làm rõ hơn giá trị lịch sử và những kinh nghiệm do Hội nghị quân sự Trung Giã mang lại, góp phần cung cấp thêm những luận cứ khoa học cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - đồng chí Nguyễn Hoàng Sơn nhấn mạnh.
Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu khai mạc hội thảo |
Phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Bùi Duy Cường, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn khẳng định, Nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện Đa Phúc trước đây, huyện Sóc Sơn ngày nay vinh dự là địa phương tổ chức Hội nghị, tự hào tham gia bảo vệ, phục vụ, góp phần vào thành công Hội nghị quân sự Trung Giã cách đây 70 năm. Năm 2002, Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã được Thành phố xếp hạng, được xây dựng, trở thành nơi giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của địa phương.
Đồng chí Bùi Duy Cường, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn phát biểu tại Hội thảo |
“Hội thảo lần này sẽ tiếp tục khẳng định ý nghĩa, giá trị lịch sử và những bài học kinh nghiệm quý từ Hội nghị quân sự Trung Giã, bổ sung cho hệ thống các tư liệu lịch sử nói chung, với huyện Sóc Sơn. Kết quả cũng là nguồn bổ sung quý về tư liệu cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của Khu di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã đang được Thành phố Hà Nội đưa vào danh mục đầu tư, nâng cấp, giúp cho công tác giáo dục lịch sử truyền thống, cách mạng kháng chiến của huyện thêm phong phú, giá trị”.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Nam Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Sóc Sơn một lần nữa nhấn mạnh, nếu như Hội nghị Giơnevơ đã bàn và thỏa thuận xong giải pháp quân sự và chính trị cho cuộc chiến tranh ở Đông Dương, thì Hội nghị quân sự Trung Giã bàn về việc cụ thể để thực hiện ngừng bắn đúng thời hạn, giải quyết vấn đề tù binh. Hội nghị quân sự Trung Giã đã quyết định thành lập Ủy ban Liên hợp Trung ương để tổ chức thực hiện đúng thời hạn và triệt để việc ngừng bắn và trao trả tù binh theo quy định của Hiệp định Giơnevơ; góp phần giải phóng Thủ đô Hà Nội, đi đến kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp và lập lại hòa bình trên miền Bắc.
Niềm tự hào của Nhân dân Thủ đô và cả nước
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội một lần nữa nhấn mạnh, 70 năm đã trôi qua nhưng giá trị lịch sử và những bài học rút từ Hội nghị quân sự Trung Giã vẫn mang tính thời sự, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, đất nước ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng.
Theo đồng chí, Hội nghị quân sự Trung Giã đã góp phần hiện thực hóa khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Với truyền thống đấu tranh quật cường chống xâm lược nhưng cũng thiết tha mong muốn hòa bình, Việt Nam luôn coi chiến tranh là sự lựa chọn cuối cùng để tự vệ. Khi có cơ hội thương lượng, đàm phán, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, luôn tranh thủ từng cơ hội dù là nhỏ nhất. Với Hội nghị Giơnevơ và Hội nghị quân sự Trung Giã, mục đích chính trị của kháng chiến bước đầu đã đạt được, đó là giành lại độc lập, tự do và kiến tạo hòa bình. Đây là cơ sở, tiền đề để Đảng ta tiếp tục đề ra đường lối, chủ trương nhằm bảo vệ độc lập, thống nhất, hòa bình và phát triển, đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta giành những thắng lợi mới trong những giai đoạn tiếp sau”.
“70 năm đã trôi qua, từ Hội nghị Trung Giã đến nay, Nhân dân cả nước nói chung và Nhân dân Thủ đô nói riêng đã luôn thể hiện ý chí, khát vọng hòa bình, chủ động, sáng tạo, tận dụng thời cơ thuận lợi, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” - đồng chí khẳng định.
Hội nghị có sự tham dự của gần 350 đại biểu bao gồm lãnh đạo Bộ Quốc phòng, lãnh đạo Thành phố Hà Nội; lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự, các Ban Đảng, Sở, ngành Thành phố, lãnh đạo các Quận, huyện, thị ủy Thành phố Hà Nội, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Thái Nguyên; đại diện thân nhân các nhân chứng lịch sử… |
Đồng chí cũng hy vọng, những tham luận và ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học sẽ góp phần bổ sung thông tin, tư liệu để tiếp tục khẳng định và làm sâu sắc hơn tầm vóc to lớn, ý nghĩa thắng lợi của Hội nghị quân sự Trung Giã đến tiếp quản, giải phóng Thủ đô; qua đó, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ, cổ vũ động viên các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Hội nghị quân sự Trung Giã (Ảnh tư liệu) |
Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng cho rằng, các nội dung cần tập trung thảo luận, làm rõ trong cuộc Hội thảo quan trọng này, bao gồm:
Thứ nhất, khẳng định làm sáng tỏ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tiến trình của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là sự tài tình, sáng tạo trong cuộc đấu trí với thực dân Pháp trên bàn đàm phán, tiến tới kết thúc chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Thứ hai, phân tích và làm rõ bối cảnh, tình hình, những sự kiện lịch sử của Hội nghị quân sự Trung Giã, từ đó khẳng định giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị quân sự Trung Giã góp phần vào thành công của Hội nghị Giơnevơđi đến kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, giải phóng Thủ đô.
Thứ ba, những kinh nghiệm rút ra từ Hội thảo cần được vận dụng vào thực tiễn hoạt động xây dựng, phát triển Thủ đô, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân, tạo nên sức mạnh to lớn bảo vệ vững chắc Thủ đô xã hội chủ nghĩa.
Thứ tư, kết quả, ý nghĩa của Hội thảo cần được phát huy, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di tích cách mạng kháng chiến Trung Giã gắn với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và du lịch.
Tại sự kiện này, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử quân sự cũng công bố các tư liệu, tài liệu, các kết quả nghiên cứu mới và các bài viết Hội nghị quân sự Trung Giã.