Hiện tượng "lót tay" xin việc trong khu vực Nhà nước còn phổ biến

Theo báo cáo PAPI 2023, tỷ lệ người dân phải "lót tay" để xin việc trong cơ quan Nhà nước vẫn còn cao và có xu hướng tăng.
Thủ tướng yêu cầu 19 “ông lớn” Nhà nước năm 2024 phải làm tốt hơn Nhà nước bây giờ không nhất thiết độc quyền vàng miếng

Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (Chỉ số PAPI) năm 2023 vừa được công bố ngày 2/4 cho thấy người dân vẫn còn lo lắng về kiểm soát tham nhũng trong khối công lập.

Năm 2023, PAPI có 19.536 người dân được lựa chọn ngẫu nhiên, cung cấp thông tin khảo sát theo 8 chỉ số: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường và quản trị điện tử.

Hiện tượng
Ảnh minh họa.

Trong PAPI 2023, chỉ số kiểm soát tham nhũng trong khu vực công ở các địa phương cải thiện so với năm 2022, có chuyển biến tích cực trong hiệu quả kiểm soát vấn đề "vị thân" trong tuyển dụng công chức, viên chức.

Nhưng đi sâu vào nội dung thành phần: Công bằng trong tuyển dụng nhân lực vào khu vực công thì các địa phương đạt mức điểm thấp nhất trong bốn nội dung thành phần, chỉ từ 0,95 - 1,71 điểm trên thang đo từ 0,25 - 2,5 điểm.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người dân cho rằng cần phải đưa "lót tay" để xin việc làm trong khu vực Nhà nước là 36,7%, cao hơn so với năm 2021. Bên cạnh mối quan hệ thân quen thì tình trạng "chung chi" để có việc làm trong khu vực nhà nước vẫn khá phổ biến ở tất cả các tỉnh, thành phố, không kể tỉnh giàu hay tỉnh nghèo.

Hiện tượng
Cảm nhận của người dân về tham nhũng trong khu vực công 2015-2023. Nguồn PAPI.

Mặc dù vậy, đáng khích lệ là tỷ lệ người trả lời cho rằng người dân phải đưa "lót tay" để làm được thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và để được chăm sóc tốt hơn tại bệnh viện công tuyến huyện năm 2023 thấp hơn một chút so với 2021.

Ngoài ra, tỷ lệ cho rằng có hiện tượng giáo viên nhận "chung chi" từ phụ huynh mong con em mình được quan tâm hơn ở trường tiểu học công lập và hiện tượng chính quyền địa phương nhận "lót tay" để doanh nghiệp trốn tránh nghĩa vụ bảo vệ môi trường cũng giảm.

Khảo sát PAPI 2023 cũng nêu một số câu hỏi về cảm nhận của người dân về hiện trạng tham nhũng diễn ra trong quá trình tương tác với chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công.

Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ người trả lời cho rằng mối quan hệ với những người có thẩm quyền trong bộ máy Nhà nước là quan trọng để có được một vị trí công quyền (như công chức địa chính, công chức tư pháp, công an, giáo viên tiểu học và nhân viên UBND cấp xã) gần như liên tục giảm kể từ năm 2016 khi công tác chống tham nhũng được đẩy mạnh.

Tuy nhiên, tỷ lệ người trả lời cho rằng mối quan hệ cá nhân với người có chức có quyền là cần thiết để bản thân hoặc người thân được tuyển vào một trong năm vị trí công vụ nêu trên vẫn ở mức cao, dao động từ 56,17 đến 62,53% trong năm 2023.

Đặc biệt, hiện trạng "vị thân" trong tuyển dụng làm công chức địa chính và công chức tư pháp có xu hướng phổ biến nhất, với hơn 62% số người được hỏi cho rằng "quan hệ" là yếu tố là quan trọng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động