Nhà nước bây giờ không nhất thiết độc quyền vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước đề nghị các bộ phối hợp thanh tra thị trường vàng Vì đâu giá vàng miếng SJC tăng cao khiến Thủ tướng phải ra chỉ đạo? |
GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời năm 2012. Thời điểm đó, vàng đang được coi như một phương tiện thanh toán, gần như là tiêu dùng vàng thay cho tiền; hầu như những quan hệ gì giá trị lớn là quy thành vàng. Chúng ta nói rằng thời kỳ đó là thời kỳ "vàng hóa nền kinh tế".
Nếu cứ để tình trạng đó diễn biến thì sẽ gây rất nhiều hệ lụy. Hệ lụy chúng ta nhìn thấy điển hình nhất chắc chắn là vấn đề chúng ta bảo vệ giá trị đồng tiền sẽ không được ổn định và vàng giao dịch như thế người ta không thể tin tưởng được đồng tiền nữa.
Vàng giao dịch như thế dẫn đến chuyện chúng ta không thể quản lý được vấn đề xuất nhập khẩu và ngoại hối, từ đó dẫn đến chuyện không thể quản lý được vấn đề tỉ giá. Không quản lý được tỉ giá lại làm mất giá trị đồng tiền.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP nhằm hạn chế tình trạng "vàng hóa", dùng vàng để thay thế các công cụ thanh toán.
"Tôi cho rằng chúng ta ban hành Nghị định số 24/2012/NĐ-CP rất kịp thời. Trên thực tế, chúng ta nhìn thấy trong những năm qua, nghị định này đã phát huy tác dụng khá tốt. Gần như chúng ta đã chấn chỉnh được tình trạng dùng vàng làm công cụ giao dịch", ông Cường nhận định.
GS.TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội. |
Tuy nhiên, đến nay, theo ông Cuuơngf tình hình đã thay đổi rất nhiều. Về kinh tế vĩ mô, về quan hệ tài chính, tiền tệ, quan hệ quốc tế… có rất nhiều thay đổi, nhưng Nghị định số 24/2012/NĐ-CP vẫn quy định rất chặt chẽ Nhà nước là cơ quan độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền trong quản lý xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.
Theo ông Cường, những năm qua, hầu như Nhà nước lấy một thương hiệu vàng SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Vàng ngoài độc quyền thì đáng sản xuất vẫn phải sản xuất, phải cung ra, nhưng trên thực tế thì hầu như không có chuyện sản xuất thêm vàng miếng.
Chính vì vậy, tâm lý của người dân Việt Nam chúng ta từ xưa đến nay liên quan đến chuyện tích trữ để đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro. Trong các phương tiện tích trữ thì đương nhiên vàng là một phương tiện tích trữ đảm bảo nhất. Đấy là cả thế giới chứ không riêng Việt Nam nhưng Việt Nam thì tâm lý truyền thống đó cao hơn.
Trong bối cảnh người ta cần có tích lũy như thế mà vàng miếng là vàng tích lũy, vàng SJC lại được xác định là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên người dân tích lũy sẽ chọn vàng tin cậy nhất.
Mặc dù SJC và các vàng miếng khác có thể cùng chất lượng như nhau nhưng đây là vàng thương hiệu quốc gia thì đương nhiên đấy là vàng được tin cậy. Tích lũy bao giờ cũng đảm bảo an toàn nhất nên người ta đều mong muốn mua, tích lũy, sở hữu vàng SJC. Trong khi cung không có mà cầu có thực thì đương nhiên sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu và giá vàng sẽ tăng.
Bây giờ không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng |
Ông Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, hiện nay có sự không bình đẳng giữa những vàng miếng như nhau, có thể chất lượng cùng 9999 như nhau nhưng vàng tên SJC Nhà nước bảo hộ thì giá rất cao. Các vàng khác không được bảo hộ thì đương nhiên giá sẽ thấp.
Do đó, ông Cường nhận định trong tình hình hiện nay, rất cần có sự thay đổi về phương thức quản lý. Chắc chắn chúng ta phải nghĩ đến chuyện thay đổi, sửa đổi quy định Nghị định số 24/2012/NĐ-CP này.
"Chẳng hạn, bây giờ không nhất thiết phải độc quyền Nhà nước về một thương hiệu vàng. Có lẽ vàng là một hàng hóa khá thông thường, mọi người đều có thể sử dụng và Nhà nước quản lý mặt hàng này rất dễ, không nhất thiết phải độc quyền. Tôi cho rằng phải xem lại xem có nhất thiết phải độc quyền hay không", ông Cường chia sẻ.
Theo vị này, chúng ta có thể cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất vàng miếng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi cung được tự do, được cạnh tranh bình đẳng thì người dân tiếp cận vàng tích lũy sẽ dễ hơn, sẽ không còn tình trạng khan hiếm nữa. Tâm lý càng khan hiếm càng giá tăng, càng đi mua. Giờ không khan hiếm nữa thì sẽ đỡ hơn.
Vị đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, cần có liên thông giữa thị trường trong nước và quốc tế. Thị trường vàng là một thị trường liên thông quốc tế rất mạnh. Sự biến động của thị trường quốc tế ngày hôm nay thế này thì thị trường quốc gia khác biến động ngay lập tức.
Vậy thì chúng ta cũng phải bỏ các công cụ để liên thông thị trường vàng trong nước với quốc tế, chẳng hạn như vấn đề xuất nhập khẩu. Tất nhiên, xuất nhập khẩu ở đây phải có phương thức quản lý phù hợp. Không phải cứ duy trì một cơ chế như trước đây là cấp phép, cấp quota theo dạng "xin-cho" mà có thể sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết quan hệ xuất nhập khẩu đó. Tất nhiên phải quản lý để tránh tình trạng ồ ạt dùng ngoại tệ nhập vàng vào cho mục đích khác, làm mất cân đối ngoại tệ, mất khả năng điều hành tỉ giá", ông Cường nói.