Hào hùng giai điệu “Việt Nam giang sơn gấm vóc”
Khích lệ tinh thần xây dựng đất nước Xúc cảm từ những giai điệu tự hào Kể câu chuyện đầy tự hào và kiêu hãnh về đất nước Ngọt ngào, sâu lắng với “Giai điệu tự hào - Tuổi trẻ Thủ đô làm theo lời Bác” |
Tối nay (9/9), chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt "Việt Nam giang sơn gấm vóc" do Đài Hà Nội thực hiện đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô Hà Nội.
Chương trình nhằm kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9; 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
"Việt Nam giang sơn gấm vóc" được truyền hình trực tiếp trên kênh 1, Phát thanh FM96, ứng dụng Hà Nội On và các nền tảng số của Đài Hà Nội.
Các tiết mục nghệ thuật, “Việt Nam giang sơn gấm vóc” đưa khán giả đi dọc chiều dài lịch sử của đất nước với 3 chương:
Chương I: “Con đường cái quan” phác họa đôi nét về công cuộc mở mang bờ cõi, định hình biên giới, cương thổ của người Việt.
Chương II: “Thiêng liêng bờ cõi” tái hiện lại hành trình đầy gian khổ của ông cha trong công cuộc giữ nước, trải qua nhiều thế hệ, nhiều cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi.
Chương III: “Đất nước gấm hoa” ngợi ca vẻ đẹp của non sông đất nước trải dọc từ Bắc chí Nam, một Việt Nam hôm nay hiện đại, hội nhập và phát triển.
Các ca sĩ biểu diễn trong chương trình |
Một trong những điểm nhấn của chương trình là các phóng sự được ê kíp dày công thực hiện. Với phóng sự “Ngày Độc lập”, chương trình một lần nữa ôn lại ký ức lịch sử với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Đó là những câu chuyện kể từ các nhân chứng lịch sử như bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô chủ của căn nhà 48 phố Hàng Ngang, Thiếu tá Archimedes Patti - Trưởng ban Đông Dương của Cơ quan Phục vụ Chiến lược Hoa Kỳ OSS, tiền thân của CIA, có mặt tại Hà Nội để thực hiện nhiệm vụ giải cứu tù binh và chuẩn bị cho việc giải giáp quân Nhật tại Bắc Đông Dương vào ngày 22/8/1945.
Ca sĩ Bích Ngọc với ca khúc "Giấc mơ yêu thương" |
Ngoài ra, phóng sự “Vì một Việt Nam hùng cường” như một lời khẳng định dải đất hình chữ S này, từ cao nguyên đá Đồng Văn qua đôi bờ Bến Hải tới đất Mũi Cà Mau, từ dãy Trường Sơn hùng vĩ vươn ra vùng biển bao la của Tổ quốc... mang một giá trị trường tồn. Ở đó, bất cứ người dân Việt nào cũng đều trân quý vô cùng giá trị của độc lập, thống nhất, hòa bình, khao khát hiện thực ước mơ kiến quốc “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Hơn thế, Tổ quốc Việt Nam, giang sơn gấm vóc, trải dài 4000 năm lịch sử đang vươn lên mạnh mẽ khẳng định vị thế hôm nay, để mỗi người Việt đều có thể tự hào và kiêu hãnh khi nghĩ về đất nước mình: “Tổ quốc ta chưa đẹp thế bao giờ”!
Dàn nhạc thính phòng biểu diễn trong chương trình |
Ngoài những phóng sự như một sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, chương trình còn để lại nhiều cảm xúc cho khán giả bởi những ca khúc đầy khí thế, mang âm hưởng hào hùng như: Một vòng Việt Nam (Sáng tác: Đông Thiên Đức); Hà Nội niềm tin hy vọng (Sáng tác: Phan Nhân); Rạng rỡ Việt Nam (Sáng tác: Quang Vinh); Tình ca (Sáng tác: Phạm Duy); Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam… qua giọng ca của các ca sĩ trẻ Quách Mai Thy, Tiến Hưng, Hữu Trung, Trần Vân Anh, Minh Vương, Bảo Yến, Hồng Duyên, Tuấn Ngọc, Phạm Tuân, Minh Quân…
Hình ảnh Hà Nội, trái tim của Thủ đô trở thành biểu tượng trung tâm của cả nước, của khát vọng hòa bình. |
Đáng chú ý, trong chương trình, ê kíp thực hiện không quên hướng về đồng bào ruột thịt đang hứng chịu hậu quả cơn bão số 3 cùng những hình ảnh xúc động về 2 chiến sĩ hy sinh khi giúp bà con chống chọi cơn bão. Đó là Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (sinh năm 1997), Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn Công binh 1, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3; Thiếu tá Trần Quốc Hoàng (sinh năm 1987), cán bộ Trại giam Quảng Ninh.
Hình ảnh xúc động về chiến sĩ hy sinh khi giúp bà con chống chọi cơn bão - Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm |
Hình ảnh những người dân tương trợ lẫn nhau trong bão lũ, những tấm gương hy sinh vì tính mạng và sự bình yên của Nhân dân đã lay động trái tim mỗi khán giả. Ca khúc “Giấc mơ yêu thương” qua lời ca da diết của ca sĩ Bích Ngọc ngợi ca sự quên mình của những người lính cụ Hồ, can trường xông vào nơi hiểm nguy nhất, giữa thiên tai bão lũ để giúp đỡ người dân. Đó cũng chính là tình cảm mà những người làm chương trình gửi tới các lực lượng nơi tuyến đầu đang xả thân giúp đỡ Nhân dân vượt qua sự tàn phá kinh hoàn của thiên tai.