Hàng loạt quy định mới sắp áp đến hàng triệu người bán hàng online

Bộ Công thương đề xuất quy định mới quản hàng triệu người bán hàng online trong dự thảo xây dựng dự án Luật Thương mại điện tử.
Cán bộ thuế không truy cập vào tài khoản người bán hàng online Sau 3 năm thu 300 nghìn tỷ đồng tiền thuế từ bán hàng online

Hàng loạt bất cập được chỉ rõ

Bộ Công thương đang lấy ý kiến góp ý dự thảo đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử. Trong hồ sơ, cơ quan này đưa ra 5 nhóm chính sách, trong đó có quy định các hình thức hoạt động thương mại điện tử, các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại điện tử, quyền và nghĩa vụ liên quan.

Theo Bộ Công thương, trong thực tiễn hiện nay, bên cạnh những mô hình hoạt động thương mại điện tử đã được quy định tại Nghị định 52, một số mô hình hoạt động thương mại điện tử mới đã phát sinh như hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội, hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới, hoạt động thương mại điện tử của nhà đầu tư nước ngoài, mua sắm qua livestream với sự tham gia của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội, nhóm mặt hàng kinh doanh có điều kiện như rượu, mỹ phẩm, dược phẩm nhưng được tư vấn bởi người không có chuyên môn…

Hơn nữa, các trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử, các nền tảng số thương mại điện tử chưa được quy định chưa đầy đủ, chưa đáp ứng quy định về quản lý và sự phát triển của xã hội.

Cùng với sự phát triểnm của công nghệ, dự kiến trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm những mô hình hoạt động thương mại điện tử xuất hiện. Với những quy định hiện tại, pháp luật chưa đủ linh hoạt để thích ứng với tốc độ thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ.

Đối với các nền tảng số trung gian thương mại điện tử, hiện tại, hệ thống pháp luật về TMĐT quy định trách nhiệm của các chủ sàn thương mại điện tử (nền tảng số trung gian thương mại điện tử) đã được quy định rải rác ở một số văn bản như Luật Giao dịch điện tử, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và một số Nghị định điều chỉnh từng khía cạnh khác nhau, chưa có sự thống nhất.

Hàng loạt quy định mới sắp áp đến hàng triệu người bán hàng online
Kiểm tra kho hàng của “hot girl” livestream với tài khoản Mailystyle.com chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày tại Hà Nội.

Ngoài ra, các trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ thương mại điện tử (nền tảng số trung gian thương mại điện tử) hiện hành quy định tại Nghị định 85 và Nghị định 52 chưa đáp ứng tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng như vấn đề định danh người bán, minh bạch thông tin người bán, thông tin hàng hóa, thông tin về đánh giá hàng hóa, dịch vụ bán ra trên các nền tảng số thương mại điện tử, thông tin về đầu mối giải quyết khiếu nại, cơ chế phản ứng nhanh để giải quyết ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp trực tuyến, chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại, cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, lưu trữ thông tin hàng hóa bán ra trên các nền tảng số thương mại điện tử lâu dài để phục vụ công tác đấu tranh, phòng chống các hành vi vi phạm trong thương mại điện tử...

Tại Nghị quyết 09/NQ-CP về Hội nghị Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2024, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương nghiên cứu, sửa đổi theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về thương mại điện tử để định danh người bán trên các sàn thương mại điện tử thông qua VNeID.

Theo Bộ Công thương, việc nâng cao trách nhiệm của các nền tảng số trung gian thương mại điện tử trong việc triển khai giải pháp định danh người bán sẽ giảm thiểu nhiều rủi ro như lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay các vấn đề về gian lận thương mại và hàng giả, hàng nhái, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các nền tảng số thương mại điện tử.

Đối với các nền tảng mạng xã hội và các nền tảng số đa dịch vụ, thực trạng hiện nay, một số mạng xã hội không chỉ là nơi người bán và người mua trao đổi thông tin về hàng hóa, dịch vụ trước khi tiến hành giao dịch mà còn cung cấp một số tính năng hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử.

Người bán trên mạng xã hội chủ yếu là hộ gia đình và cá nhân, phần lớn họ chưa nắm vững quy định pháp luật về thương mại điện tử nên chưa có ý thức tuân thủ pháp luật, bao gồm các quy định tại nghị định về thương mại điện tử.

Trong khi đó người mua trên các mạng xã hội thường là cá nhân, thông thường họ giao kết hợp đồng vì tin tưởng vào người bán hoặc cộng đồng. Giá trị giao dịch thường không lớn. Khi có tranh chấp họ thường không nhận được sự hỗ trợ của đơn vị vận hành mạng xã hội, đồng thời khó khai thác sự hỗ trợ của các tổ chức khác như cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, trọng tài hay tòa án.

Bán hàng online sắp hết cửa lộng hành

Bên cạnh đó, cùng với sự, thay đổi của văn hóa tiêu dùng, thay đổi của công nghệ và để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng, đồng thời, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, các nền tảng số trung gian thương mại điện tử trong các lĩnh vực như gọi xe công nghệ, dịch vụ tài chính - ngân hàng…, đều nỗ lực thay đổi, làm mới sản phẩm.

Mặt khác, xu hướng biến ứng dụng (app) thông thường thành siêu ứng dụng (super app) hay ứng dụng đa dịch vụ nhằm cung cấp các tiện ích, dịch vụ tích hợp trong một ứng dụng di động ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, để quản lý và phân loại những loại hình ứng dụng như này còn là khoảng trống pháp lý cần phải điều chỉnh.

Hàng loạt quy định mới sắp áp đến hàng triệu người bán hàng online
Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là thách thức không nhỏ đối với lực lượng chức năng.

Đối với các chủ thể tham gia cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới và người bán nước ngoài trên các nền tảng số: Hiện chưa có cơ chế hiệu quả để quản lý và thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam, dẫn đến thất thu ngân sách và khó khăn trong việc bảo vệ người tiêu dùng. Ngoài ra, hàng hóa nhập khẩu qua kênh thương mại điện tử khó kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho người tiêu dùng.

Hơn nữa, trong trường hợp các nền tảng này không tuân thủ pháp luật Việt Nam thì cũng chưa có cơ chế, cơ sở pháp lý để ngăn chặn hay yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ thương mại điện tử như logistics, thanh toán... ngưng hợp tác.

Ngoài ra, hiện tượng các người bán nước ngoài bán trên các nền tảng số thương mại điện tử chưa được xác thực dẫn tới việc khách hàng mua hàng mà không biết người bán là ai, được bảo vệ như nào… đồng thời nếu đổi trả hàng thì ai sẽ chịu trách nhiệm liên quan.

Đối với người bán trên các nền tảng số thương mại điện tử: khi người bán trên nền tảng số thương mại điện tử chưa được xác định rõ ràng, người tiêu dùng bị đặt vào tình thế bấp bênh. Nhưng không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt hại, sự gia tăng của những người bán ẩn danh mở ra cánh cửa cho hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường.

Khi không biết rõ ai là người bán, cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc thực thi pháp luật chống lại việc phân phối sản phẩm giả mạo hoặc không đạt tiêu chuẩn. Điều này không chỉ gây hại cho doanh nghiệp hợp pháp tuân thủ quy định, mà còn đặt ra rủi ro nghiêm trọng về sức khỏe và an toàn cho cộng đồng.

Từ góc độ kinh tế, người bán chưa được định danh gây khó khăn trong việc thu thuế. Khi người bán hoạt động mà không có định danh hợp lệ, họ thường trốn thuế, dẫn đến thất thu ngân sách cho Nhà nước. Hơn nữa, việc không thể giữ người bán chịu trách nhiệm cản trở khả năng pháp lý trong việc xử lý gian lận và các hoạt động bất hợp pháp khác. Cơ quan thực thi pháp luật gặp khó khăn trong việc truy tìm và truy tố những kẻ vi phạm, tạo ra cảm giác vô trách nhiệm có thể khuyến khích hành vi thiếu đạo đức.

Sự thiếu trách nhiệm này cũng cản trở việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khiến người mua hầu như không có sự hỗ trợ khi xảy ra vấn đề. Tình trạng này còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp hợp pháp tuân thủ yêu cầu đăng ký và nộp thuế bị bất lợi so với những người bán ẩn danh lách luật. Điều này có thể làm nản lòng tinh thần kinh doanh và đổi mới, kìm hãm tiến bộ chung của ngành thương mại điện tử.

Đối với người tiêu dùng: Người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến hiện nay đang gặp khó khăn vì thiếu minh bạch thông tin sản phẩm, dịch vụ và thông tin của người bán như địa chỉ, điện thoại liên hệ hay các phương tiện khác. Thậm chí trong đơn hàng nhận được cũng không có thông tin về người bán. Đồng thời, cơ chế giải quyết tranh chấp trên môi trường trực tuyến chưa hiệu quả, khiến người tiêu dùng ít được bảo vệ khi quyền, lợi ích bị xâm phạm.

Trong nhiều trường hợp, người mua hàng và người bán không giải quyết được mẫu thuẫn phát sinh trong quá trình giao dịch nhưng lại không có cách nào để liên hệ với chủ quản nền tảng số trung gian để khiếu nại hoặc không có công cụ để thực hiện khiếu nại trực tuyến hoặc trực tiếp do các nền tảng này ít công khai thông tin cụ thể mà thường sử dụng số tổng đài, gây khó khăn cho người tiêu dùng.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Bộ Công thương đề xuất một số quy định mới. Trong đó có quy định về cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh trên nền tảng. Với người thực hiện livestream hoặc những người tư vấn bán hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện cũng được quy định cụ thể.

Đối với người bán trên nền tảng số trung gian thương mại điện tử phải thực hiện định danh theo quy định về định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ; cung cấp thông tin cho nền tảng trung gian về tên, địa chỉ, mã số định danh và mã số thuế thu nhập cá nhân.

Hậu Lộc
Phiên bản di động