Hàng loạt nhà chờ xe buýt bị chiếm dụng, nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị
Thủ đoạn trộm cắp của nhóm tội phạm chuyên nghiệp tại điểm chờ xe buýt Từng có tiền án, 2 đối tượng lại trộm cắp xe máy Bắt đối tượng nhiều lần đột nhập vào công trình ở Đà Nẵng trộm cắp thiết bị |
Rác thải bủa vây
Nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều hành khách sử dụng các điểm dừng đỗ, nhà chờ xe buýt chắc hẳn chính là phải đứng chung với rác thải mỗi khi đứng chờ xe. Các điểm dừng xe buýt thường được xây dựng ở những nơi tập trung đông dân cư nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân một cách tốt nhất. Thế nhưng, nhiều điểm dừng đỗ xe buýt nằm trên những tuyến phố đông đúc của Hà Nội lại được sử dụng làm nơi để tập kết rác thải.
Điển hình có thể kể đến chính là điểm dừng đỗ xe buýt trước cửa số 221 Khâm Thiên. Chị Hoàng Thị Vân (38 tuổi, phường Thổ Quan, quận Đống Đa) chia sẻ: “Cái nhà chờ này lúc nào cũng có xe rác đỗ ở đây, ngày hay đêm cũng vậy. Hai cháu gái nhà tôi rất hay sử dụng nhà chờ này để chờ xe buýt đi học vì gần nhà nhưng từ ngày chỗ này thành nơi tập kết rác thải, các cháu ngại đi xe buýt hẳn”.
Bất kể ngày hay đêm, điểm dừng đỗ xe buýt tại số 221 Khâm Thiên luôn xuất hiện một xe rác đầy ắp |
Người dân phải đứng gọn sang một bên hoặc xuống lòng đường để chờ xe buýt, gây ảnh hưởng không nhỏ đến giao thông cũng như mỹ quan của con phố nhỏ lại đông đúc Khâm Thiên |
Điểm dừng đỗ xe buýt trước cổng các trường đại học và các khu ký túc xá sinh viên cũng không thoát khỏi tình trạng nhếch nhác, bừa bộn khi bị xâm chiếm bởi những hàng quán bán rong, xe rác và tờ rơi quảng cáo dán bừa bộn khắp nơi.
Ngay trước cổng ký túc Trường Đại học Giao thông vận tải, tại số 99 Nguyễn Chí Thanh là một điểm dừng đỗ xe buýt nhưng đồng thời cũng là điểm đến của nhiều xe đẩy bán hàng rong và nơi tập kết xe rác của khu vực, thậm chí thành nơi tập kết vật liệu xây dựng.
Điểm dừng đỗ xe buýt trước cổng ký túc xá Trường Đại học Giao thông vận tải nhếch nhác vì rác thải và vật liệu xây dựng |
Anh Ngô Hoàng Việt (sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải) chia sẻ: “Không chỉ nhà chờ xe buýt tại cổng ký túc xá mà cả nhà chờ xe buýt trước cổng trường Đại học Giao thông vận tải lúc nào cũng có sự xuất hiện của rất nhiều xe rác và hàng quán bán rong. Những hàng quán này cứ mở tràn lan ra vỉa hè, công an có đuổi thì họ lại chạy đi một lúc rồi quay trở lại bán bình thường. Ngoài ra cũng đã rất nhiều lần tôi phải đứng chờ xe buýt ngay bên cạnh một chiếc xe tải của bên môi trường đang thu gom rác thải và mùi hôi bốc ra thực sự rất khó chịu”.
Điều này cũng xảy ra tương tự tại điểm dừng đỗ xe buýt trước cổng Trường Đại học Ngoại Thương, nhà chờ xe buýt gần Trường Đại học Công nghiệp và các điểm dừng, nhà chờ xe buýt trên các tuyến đường lớn như Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Đê La Thành,...
Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý các trường hợp vi phạm
Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), thành phố hiện có 3.813 điểm dừng xe buýt nhưng chỉ có 361 điểm dừng có nhà chờ.
Các điểm dừng còn lại chưa có nhà chờ hay mái che gây khá nhiều bất tiện cho người dân, nhất là trong những ngày thời tiết mưa gió và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng sử dụng trái mục đích của những khu vực này.
Điểm dừng xe buýt tại tại số 335 Đê La Thành bị trưng dụng làm nơi tập kết vật liệu xây dựng và rác thải |
Để giảm thiểu tình trạng lấn chiếm, sử dụng trái mục đích các điểm dừng đỗ xe buýt trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới, Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội thanh tra trực thuộc phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tại các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm tại các điểm dừng đỗ, nhà chờ xe buýt.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã có kiến nghị thành phố và các địa phương không bố trí chỗ tập kết xe rác gần điểm dừng đỗ, nhà chờ xe buýt, để bảo đảm an toàn cho phương tiện ra vào bến, bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực và thuận tiện cho hành khách lên xuống xe buýt.
Hiện, thành phố Hà Nội đang tập trung nhiều biện pháp thúc đẩy vận tải hành khách công cộng phát triển, nhất là hệ thống xe buýt để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Vì vậy, lực lượng chức năng cần có thêm những động thái mạnh mẽ hơn nữa để xử lý dứt điểm những vi phạm này, bảo đảm an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.