Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động dính án phạt

Từ đầu năm đến nay, rất nhiều công ty xuất khẩu lao động bị xử phạt với nhiều hành vi vi phạm.
Công ty CP MITO và VJ BRIDGE "buộc" phải trả lại tiền cho người đi xuất khẩu lao động Xử phạt hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Theo đó, ngày 23/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã ra quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Nhân lực Việt Nam Nhật Bản - JAVICO với số tiền 20 triệu đồng do công ty đóng không đầy đủ vào Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định.

Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng thông báo quyết định xử phạt hành chính với Công ty Cổ phần Đầu tư quốc tế ICC Hà Nội với số tiền 30 triệu đồng vì đã vi phạm Luật Đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Theo đó, công ty đã không trực tiếp tuyển chọn lao động.

Cuối tháng 5/2020, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng thông báo quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty Cổ phần nhân lực TTC Việt Nam cũng với hành vi không trực tiếp tuyển chọn lao động.

Hàng loạt doanh nghiệp xuất khẩu lao động dính án phạt
Công ty Cổ phần Nhân lực Việt Nam Nhật Bản - JAVICO

Cũng trong tháng 5, cơ quan quản lý cũng xử phạt Công ty Cổ phần cung ứng nhân lực quốc tế MSA (địa chỉ tại xã Uy Nỗ, H.Đông Anh, Hà Nội) với số tiền 75 triệu đồng. Nguyên nhân là do công ty thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở Nhật Bản theo quy định; không thực hiện việc báo cáo định kỳ về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật; không trực tiếp tuyển chọn lao động.

Hồi tháng 4/2020, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã xử phạt Công ty Cổ phần xây dựng nhân lực Gia Vi (địa chỉ tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) với số tiền 67,5 triệu đồng do công ty không thực hiện báo cáo định kỳ về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngước ngoài theo hợp đồng; không phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài trong việc quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài...

Năm 2019, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã xử phạt hàng loạt doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại Hàng không - Airseco; Công ty Cổ phần Nhân lực Việt tín; Công ty Cổ phần Quản lý Tư vấn Đầu tư Nhân lực Hoàng Việt; Công ty Cổ phần phát triển nhân lực, Thương Mại và Du lịch Viwaseen; Công ty Cổ phần Tư vấn du học và Thương mại Giang Anh Group...

Các hành vi vi phạm gồm: Không thực hiện phương án tổ chức bộ máy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực hiện không đầy đủ việc bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định; không thực hiện việc kiểm tra, cấp chứng chỉ cho người lao động sau khi tham gia khóa bồi dưỡng kiến thức cần thiết...

Hậu Lộc
Phiên bản di động