Hancorp: Bộ Xây dựng thoái vốn bất thành, “tai tiếng” sai phạm

Phiên đấu giá bán cổ phần của Hancorp do Bộ Xây dựng sở hữu đã bị hủy do hết thời hạn đăng ký, đặt cọc nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.
Bộ Xây dựng thoái vốn gần 1.400 tỷ đồng tại Hancorp Hancorp xây vượt tầng, tăng sàn công trình tại Làng quốc tế Thăng Long

Theo kế hoạch, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp) do Bộ Xây dựng sở hữu vào ngày 16/12/2020.

Tuy nhiên, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (15 giờ 30 ngày 09/12/2020) không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá.

Theo quy định tại Điều 14 Quy chế bán đấu giá cổ phần của Hancorp do Bộ Xây dựng sở hữu ban hành kèm theo Quyết định số 651/QĐ-SGDHN ngày 25/11/2020 của Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức.

Vì vậy, HNX thông báo không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần của Hancorp do Bộ Xây dựng sở hữu vào ngày 16/12/2020.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Hancorp là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành lập năm 1982. Năm 2014, Hancorp chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ hơn 1.410 tỷ đồng.

Năm 2015, Hancorp trở thành công ty đại chúng. Năm 2016, cổ phiếu của Hancorp đăng ký giao dịch trên UPCoM tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã chứng khoán HAN.

Bộ Xây dựng là cổ đông lớn, nắm giữ cổ phần chi phối của Hancorp với 98,83%. Hiện Hancorp có 6 công ty con, 15 công ty liên kết, và có vốn đầu tư tại 16 công ty khác.

Hancorp: Bộ Xây dựng thoái vốn bất thành, “tai tiếng” sai phạm
Ảnh minh họa

Với địa bàn kinh doanh rộng khắp, Hancorp là một trong những doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực thi công xây lắp và nhà đầu tư về hạ tầng và khu đô thị mới. Ngoài ra, Hancorp còn thi công các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Hiện, Hancorp đang quản lý và thực hiện 16 dự án bất động sản với tổng diện tích sàn hơn 152.000 m2, 12 công trình xây lắp với tổng giá trị hợp đồng hơn 450 tỷ đồng. Doanh thu của công ty chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp (chiếm 52%), kinh doanh bất động sản (chiếm 40,9%), cung cấp vật tư (5,7%), và cung cấp dịch vụ 1,4%.

Hiện tại, Hancorp cũng đang quản lý và sử dụng 6 khu đất tại Hà Nội, TP HCM và Đồng Nai với tổng diện tích 5.333 m2, tất cả là đất thuê trả tiền thuê hàng năm.

Mới đây, tại báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2019 của Hancorp, Kiểm toán Nhà nước đã nêu ra nhiều sai phạm tại công ty này.

Theo đó, qua công tác kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện Hancorp đang nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng chục năm.

Cụ thể, tại dự án Khu Đoàn ngoại giao, Hancorp được giao đất từ năm 2008 nhưng đến nay, các lô chưa được nộp tiền thuê đất vào ngân sách. Tại dự án Khu đô thị mới huyện Quế Võ (Bắc Ninh), công ty con của Hancorp là Tây Hồ chưa trả tiền sử dụng đất với 9,9 ha. Doanh nghiệp cũng chưa nộp khoản tiền này với lô đất 0,5 ha tại quận Hà Đông (Hà Nội) sau khi xác định hợp tác kinh doanh từ hồi 2001.

Bên cạnh đó, ở một số dự án khác của Hancorp như Tổ hợp nhà ở đa năng Làng Quốc tế Thăng Long chưa bàn giao khu thể dục, thể thao hơn 6.100 m2 và khu đất nhà trẻ hơn 400 m2 cho thành phố dù đã hoàn thành cả chục năm. Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp với dịch vụ thương mại 2.6 Lê Văn Lương, Công ty Xây dựng số 1 thuộc Hancorp đã chuyển đổi mục đích sử dụng sai quy hoạch. Khu đô thị mới Cao Xanh – Hà Khánh B (TP Hạ Long) doanh nghiệp đã chậm tiến độ 10 năm.

Kiểm toán về việc tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng tại các dự án xây dựng nhà ở cao tầng N01-T8, khu nhà ở công vụ và thương mại N04.A, khu biệt thự thuộc khu Đoàn ngoại giao do Hancorp làm chủ đầu tư, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện nhiều kẽ hở trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Theo đó, việc lập tổng mức dự án chưa chính xác làm tăng tổng mức đầu tư, dự án chậm tiến độ thực hiện, các hồ sơ nghiệp thu, hồ sơ quản lý công trình bị thiếu...

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện chênh lệch chi phí đầu tư các dự án hơn 61 tỷ đồng, trong đó, tính sai khối lượng 10,5 tỷ đồng, áp sai đơn giá 2,5 tỷ đồng, sai khác gần 48 tỷ đồng. Đối với 3 dự án trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xử lý số tiền hơn 17,7 tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách 5 tỷ đồng, giảm thanh toán 12,7 tỷ đồng; kiến nghị Hancorp nộp lại 43,2 tỷ đồng chưa đủ điều kiện quyết toán tại 3 dự án này.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2019, Hancorp hoạt động kinh doanh có lãi (lãi chủ yếu từ kinh doanh bất động sản) nhưng chưa đạt kế hoạch và thấp hơn năm 2018. Song, dù làm ăn có lãi nhưng 2 năm qua, Hancorp chậm nộp cổ tức cho Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị yêu cầu Hancorp nộp hơn 167 tỷ đồng tiền cổ tức trong 2 năm 2018 và 2019 vào ngân sách.

Sau khi kiểm toán tại Hancorp và 5 công ty con, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Công ty mẹ Hancorp phải nộp bổ sung ngân sách nhà nước 25,8 tỷ đồng. Trong đó, nộp bổ sung thuế giá trị gia tăng 1,8 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân khoảng 6,5 triệu đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp 15 tỷ đồng; và các khoản phải nộp khác 8,9 tỷ đồng…

Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Hancorp phải rà soát lại toàn bộ tài sản, công nợ, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của các đơn vị trực thuộc đã dừng hoạt động để hạch toán, xử lý dứt điểm. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan đến các khoản nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi, việc tồn tại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của một số công trình, tổ chức kiểm điểm, xử lý dứt điểm.

Văn Huy
Phiên bản di động