Hải Dương: Lên phương án chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023
Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu mua bán của người dân lại tăng cao. Các mặt hàng chủ yếu bao gồm: Lương thực, thực phẩm tươi sống (gạo tẻ ngon, gạo nếp, thịt lợn, thịt gà, thịt bò, cá tươi,…); thực phẩm công nghệ (bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước ngọt, dầu ăn,…); hàng may mặc, giầy dép, nhiên liệu (xăng, dầu, chất đốt…) và một số mặt hàng nông sản như rau, củ quả các loại,...
Sở Công Thương tỉnh Hải Dương yêu cầu các doanh nghiệp chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán. |
Trong đó, với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, người dân có xu hướng mua tích trữ để tiêu dùng trong khoảng 2 - 3 ngày Tết. Và xu hướng tiêu dùng hàng thực phẩm chế biến sẵn cũng tăng cao.
Đặc biệt, sức mua sẽ tập trung cao những ngày giáp tết (28 đến 30 tháng Chạp) và những ngày sau tết (từ 3 đến 15 tháng Giêng).
Để chủ động chuẩn bị nguồn hàng hoá phục vụ người dân, Sở Công thương Hải Dương yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ Tết cần nghiên cứu kỹ nhu cầu thị trường, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch để đảm bảo đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán; thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, cam kết không tăng giá đột biến nhất là vào những ngày giáp Tết, chú trọng các biện pháp đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, giữ gìn an ninh trật tự.
Hải Dương: Chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 |
Các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, phân phối nhu yếu phẩm và doanh nghiệp quản lý siêu thị, trung tâm thương mại tính toán sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân để chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ cho mọi đối tượng tiêu dùng. Tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin về thị trường hàng hoá; chủ động mở rộng quan hệ với nhà sản xuất lớn; dự báo tình hình thị trường để xây dựng kế hoạch dự trữ phù hợp; thực hiện luân chuyển hàng hóa kịp thời đảm bảo không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá hàng đột biến và không để hàng tồn đọng sau Tết.
Đối với các siêu thị kinh doanh tổng hợp, hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tự chọn …cần chuẩn bị đủ lượng hàng hoá đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý, nhất là thực phẩm chế biến phục vụ nhu cầu khách hàng trên địa bàn tỉnh Hải Dương và các vùng lân cận.
Về xăng dầu, Sở Công thương yêu cầu Chi nhánh xăng dầu Hải Dương, Xí nghiệp kho vận K132, Công ty Cổ phần Vật tư xăng dầu Hải Dương, Công ty Cổ phần Vật tư Hải Dương, ....và các thương nhân kinh doanh bán lẻ xăng dầu cần chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng, dầu cho các cửa hàng trực thuộc, các đại lý, nhượng quyền thương mại... đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong dịp Tết Nguyên đán..
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 186 chợ đang hoạt động (trong đó có 3 chợ đạt quy mô chợ hạng 1, 20 chợ hạng 2 và 163 chợ hạng 3). Ngoài ra, còn có 3 trung tâm thương mại; trên 70 cơ sở kinh doanh hoạt động theo mô hình siêu thị; 266 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và trên 3.000 cửa hàng tạp hoá chuyên doanh hàng nhu yếu phẩm.v.v... được phân bố rộng khắp trên địa bàn tỉnh.
Mạng lưới chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và các cơ sở kinh doanh hàng tạp hoá, nhu yếu phẩm.v.v... luôn chủ động nguồn hàng hoá để thoả mãn mọi nhu cầu của dân cư.
Nhóm hàng lương thực, thực phẩm tươi sống nguồn cung luôn duy trì mức bình quân: Gạo tẻ duy trì sản lượng khoảng 300.000 tấn trong dân; trứng gia cầm đã có trong các cửa hàng tạp hóa, siêu thị 9 - 10 triệu quả; các mặt hàng khác có mức cung ứng bình quân/tháng gồm: thịt lợn hơi: 6.800 tấn (tương ứng 5.100 tấn thịt lợn); gia cầm 4.750 tấn; trứng gia cầm 11 triệu quả; thủy sản 9.000 tấn; rau, củ, quả khoảng 50.000 - 70.000 tấn.
Nhóm hàng thiết yếu khác có mức cung ứng bình quân/tháng như sau: bánh kẹo khoảng 1.000 - 1.200 tấn; rượu, bia (quy lít) khoảng 20.000 lít; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mỳ ăn liền, cháo ăn liền...) 40 triệu gói; gia vị (muối ăn, bột canh, bột ngọt) khoảng 1.000 tấn; dầu ăn khoảng 1,6 triệu lít; nước mắm khoảng 916 nghìn lít; nước giặt, chất tẩy rửa: 814 nghìn lít. Đối với nhóm hàng này, các doanh nghiệp phân phối lớn có thể tăng năng lực nhập hàng và cung ứng bán buôn trên phạm vi toàn tỉnh với quy mô gấp 2 - 3 lần so với bình thường.
Dự báo các mặt hàng thiết yếu, như: Gạo các loại sức mua đạt 5.000 - 6.000 tấn; Thịt các loại 3.000 - 4.000 tấn; Rau, củ, quả các loại: 10.000 - 12.000 tấn ; Bánh mứt kẹo các loại 700 - 800 tấn; Rượu, bia, nước ngọt (quy lít) 15.000-17.000l….
Nguồn hàng hoá thiết yếu cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân. Nhiều nhóm, mặt hàng còn có thể cung ứng ra các tỉnh bạn như: Gạo bình quân khoảng: 10.000 tấn/tháng; Lợn thịt 3.000 tấn/tháng; Gia cầm 2.600 tấn/tháng; Trứng: 6 triệu quả/tháng; cá nước ngọt 3000 tấn/tháng; rau củ quả: 20 - 40 nghìn tấn/tháng.v.v...