Hải Dương dự kiến tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc từ ngày 5/9

Theo dự thảo kế hoạch, tỉnh Hải Dương sẽ long trọng tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2022 từ ngày 5 - 15/9 (từ ngày 10 - 20/8 âm lịch).
Hải Dương: Đẩy nhanh tiến độ chi tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động Hải Dương: Lực lượng chức năng xử phạt 8 tỷ đồng vi phạm giao thông Hải Dương: "Tóm gọn" nhóm thanh, thiếu niên mang hung khí náo loạn, đánh người vô cớ

Sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID- 19, lễ hội năm nay sẽ đầy đủ phần nghi lễ và phần hội. Phần lễ sẽ gồm lễ dâng hương, cáo yết, khai ấn, ban ấn...; phần hội sẽ có lễ hội quân trên sông Lục Đầu, múa rối nước...

Hải Dương dự kiến tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc từ ngày 5/9
Hầu hết các nghi thức và toàn bộ phần hội sẽ diễn ra tại di tích Kiếp Bạc.

Điểm nhấn trong lễ hội năm nay là Tuần văn hóa du lịch mùa thu Kiếp Bạc. Hầu hết các nghi thức và toàn bộ phần hội sẽ diễn ra tại di tích Kiếp Bạc.

Tại di tích Côn Sơn sẽ có lễ dâng hương tưởng niệm ngày mất của Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, lễ tế tại đền Nguyễn Trãi và một số hoạt động văn hóa, thể thao.

Theo Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, đến nay các công việc chuẩn bị cho lễ hội mùa thu cơ bản hoàn tất. Ban Quản lý đã làm việc với chính quyền các xã, phường liên quan, Công an TP Chí Linh để bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, trật tự an toàn giao thông; cờ hội, hồng kỳ, băng rôn, pa nô trên các tuyến đường vào khu di tích quốc gia đặc biệt đã được treo để tuyên truyền về giá trị khu di tích và thu hút du khách.

Dự kiến lễ hội năm nay sẽ thu hút rất đông du khách. Trước lễ hội, bình quân mỗi ngày có khoảng 3.000 khách đến Côn Sơn - Kiếp Bạc, riêng chủ nhật 28/8 có trên 1 vạn du khách đến các di tích này.

Vùng đất địa linh nhân kiệt Côn Sơn Kiếp Bạc
Vùng đất địa linh nhân kiệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương là quần thể di tích đặc biệt quan trọng. Nơi đây đã gắn bó mật thiết với cuộc đời và sự nghiệp của các vị Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi và là chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Không chỉ gắn với các dấu ấn lịch sử, Côn Sơn - Kiếp Bạc còn được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan kỳ thú; Hội tụ nhiều giá trị văn hoá phi vật thể đặc sắc thông qua lễ hội và các nghi lễ…

Hải Dương dự kiến tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc từ ngày 5/9
Chùa Côn Sơn nằm dưới chân núi Côn Sơn, từ thế kỷ thứ 14 nơi đây đã trở thành chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt.

Điểm nhấn lớn nhất của quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc là chùa Côn Sơn, đền Nguyễn Trãi và đền Kiếp Bạc. Chùa Côn Sơn nằm dưới chân núi Côn Sơn, từ thế kỷ thứ 14 nơi đây đã trở thành chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm Đại Việt. Đây là nơi lưu giữ những kỷ niệm về cuộc đời, sự nghiệp vẻ vang của các anh hùng, danh nhân tiêu biểu của dân tộc ta như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán... và đặc biệt là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Tại đây, ông đã dốc tâm huyết viết bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ “Bình Ngô Đại Cáo.”

Đền thờ Nguyễn Trãi là một trong những công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Ngôi đền chính tựa lưng vào Tổ Sơn, hai bên tì vào hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân, là tả Thanh Long và hữu Bạch Hổ, phía trước có hồ nước rộng, tiếp theo là núi Trúc Thôn đối diện với núi Phượng Hoàng, xa là dãy núi An Lạc tạo nên thế núi lớp lớp điệp trùng… Đền thờ Nguyễn Trãi được xây dựng gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái - thân mẫu của Nguyễn Trãi.

Hải Dương dự kiến tổ chức Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc từ ngày 5/9
Đền Kiếp Bạc được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc.

Đền Kiếp Bạc được xây dựng để tưởng nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đối với dân tộc. Đền được xây dựng ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, trên nền dinh cư cũ của ông. Đền tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Đền Kiếp Bạc cùng với hai ngôi đền trên núi Bắc Đẩu và Nam Tào được ví như một “cõi thiên bồng giữa hạ giới”. Ngày giỗ Đại Vương hàng năm trở thành ngày hội chính của đền Kiếp Bạc. Đây đã trở thành một trong những lễ hội lớn nhất cả nước, được gìn giữ hơn 7 thế kỉ nay.

Hoàng Duy
Phiên bản di động