Hà Nội vượt kế hoạch công nhận mới trường đạt chuẩn quốc gia

Chiều 22/3, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố, trao bằng trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023.
Trường học hạnh phúc là khi tất cả cùng hạnh phúc! Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành giáo dục Thủ đô Hà Nội tăng 10% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia trong 2 năm

167 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia

Theo đó, năm 2023, chỉ tiêu thành phố giao xây dựng tăng thêm 130 trường đạt chuẩn quốc gia (CQG), trong đó: Mầm non là 46 trường; tiểu học là 53 trường; trung học cơ sở (THCS) là 28 trường; trung học phổ thông (THPT) là 3 trường.

Kết quả, tổng số trường được công nhận đạt CQG là 167 trường, trong đó mầm non 54 trường, tiểu học 67 trường, THCS 43 trường, THPT 3 trường. Đạt 128% kế hoạch (167/130).

Hà Nội vượt kế hoạch công nhận mới trường đạt chuẩn quốc gia
Năm 2024, ngành Giáo dục Thủ đô có tổng 167 trường được công nhận đạt CQG

Tỷ lệ trường đạt CQG toàn thành phố là 64,3% (1.805/2.809), trong đó công lập là 79,3% (1.785/2.251), không tính các trường đặc thù (có học sinh khuyết tật).

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, trong thời gian vừa qua, ngành Giáo dục Thủ đô đã cố gắng không ngừng nghỉ để hôm nay chính thức có quyết định trao bằng công nhận cho 167 đơn vị đạt CQG. Qua đó, đây cũng là dịp để nhìn nhận lại, tự đánh giá, sau đó đưa ra những giải pháp để thực hiện tốt nhất trong thời gian tới.

Nhiều đơn vị đã thực hiện vượt chỉ tiêu giao, như huyện Mỹ Đức, từ một huyện thuần nông, kinh phí ngân sách không đảm bảo tại chỗ mà phải do ngân sách của thành phố cấp, nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm, Mỹ Đức đã vượt chỉ được tiêu giao với 9/5 trường công lập đạt CQG theo quận, huyện; huyện Sóc Sơn có 21 trường được công nhận mới (chỉ tiêu 7); huyện Ba Vì có 19 trường được công nhân mới (chỉ tiêu 9); huyện Chương Mỹ có 12 trường được công nhận mới (chỉ tiêu 6)...

Hà Nội vượt kế hoạch công nhận mới trường đạt chuẩn quốc gia
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương trao bằng cho các trường đạt chuẩn quốc gia năm 2023

Năm 2023 cũng là năm đến hạn công nhận lại cho các trường công nhận mới và công nhận lại năm 2018. Tổng số trường cần thực hiện công nhận lại năm 2023 là 394 trường (Kế hoạch số 173/KH-UBND ngày 23/6/2023 của UBND thành phố).

Kết quả đã công nhận lại 224 trường, trong đó 80 trường mầm non, 67 trường tiểu học, 69 trường THCS và 08 trường THPT.

Tiếp tục chung sức, đồng lòng, đưa sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đã điểm ra một số khó khăn trong công tác xây dựng trường học đạt CQG năm 2023.

Cụ thể, việc quy hoạch mạng lưới trường lớp đảm bảo đạt chuẩn của các quận nội thành gặp rất nhiều khó khăn do thiếu quỹ đất xây trường mới, thiếu quỹ đất để mở rộng trường đảm bảo diện tích đạt chuẩn.

Việc đầu tư các nguồn lực để xây dựng trường học đạt CQG, theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND thành phố, Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6/5/2022 của UBND thành phố về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt CQG, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, để đến cuối năm 2025 hoàn thành Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII còn chậm so với kế hoạch.

Hệ thống các văn bản pháp quy thay mới đã được rà soát đối chiếu, cần thời gian để bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu quy định. Công tác đầu tư xây dựng trường đạt CQG chưa kịp thời đáp ứng làm khó khăn cho công tác đánh giá.

Việc đầu tư cho chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang cần nguồn đầu tư lớn cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ, giáo viên... cũng đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, nguồn vốn và triển khai thực hiện của các ban, ngành của thành phố.

Hà Nội vượt kế hoạch công nhận mới trường đạt chuẩn quốc gia
Giám đốc Sở GD&ĐT chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các trường đạt chuẩn quốc gia

Theo quy định hiện hành về cơ sở vật chất các trường THPT của thành phố Hà Nội (cấp học thuộc quản lý trực tiếp của Thành phố còn nhiều trường chưa đạt CQG, do việc bố trí quỹ đất theo quy hoạch cho các trường để đáp ứng quy định trường đạt CQG gặp nhiều khó khăn. Đây là cấp học có tỷ lệ trường đạt CQG thấp nhất, số trường hoàn thành công nhận lại thấp.

Song, ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng trường CQG đối với chất lượng giáo dục mũi nhọn của cả nước và biểu dương các đơn vị làm tốt nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, nếu đồng lòng, quyết tâm thì khó khăn đến mấy chắc chắn cũng sẽ làm được.

Vì vậy, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các trường học trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; triển khai và phát động nhiều sự kiện, hoạt động ý nghĩa tại cơ sở; bám sát với kế hoạch lãnh đạo thành phố ban hành đồng thời hưởng ứng tuyên truyền đồng hành và tham gia các hoạt động của Giáo dục Thủ đô.

Đối với các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, lãnh đạo Sở GD&ĐT mong muốn các đơn vị tiếp tục phát huy, triển khai đồng bộ và áp dụng các giải pháp giữ vững sự ổn định, phát triển nâng cao các tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia để tiếp tục giữ vững chỉ tiêu đặt ra, công nhận lại CQG đúng thời hạn; triển khai việc học, kiểm tra đánh giá xứng đáng với vị trí, vai trò của mình; chủ động, sáng tạo trong công tác đổi mới quản trị nhà trường, quản lý, khai thác và sử dụng cơ sở vật chất của trường đảm bảo hiệu quả, đúng quy định.

Theo kế hoạch, năm 2024, TP Hà Nội giao chỉ tiêu kế hoạch xây dựng trường CQG là 114 trường. Trong đó, mầm non 43 trường; tiểu học 44 trường; THCS 24 trường; THPT 3 trường. Tổng số trường cần thực hiện công nhận lại năm nay là 380 trường.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động