Trường học hạnh phúc là khi tất cả cùng hạnh phúc!
Nỗ lực vì một ngôi trường hạnh phúc Điều gì khiến một ngôi trường trở thành “Trường học hạnh phúc”? Thắp sáng ngọn lửa giáo dục của Thủ đô Để mỗi trường học là một mái nhà hạnh phúc... |
Chúng tôi ghé phòng làm việc của cô Hoàng Thị Lan Hương vào đầu giờ chiều, lúc ấy cô vừa đi họp về.
Cánh cửa phòng Hiệu trưởng luôn rộng mở, cô Hương vui vẻ nói: "Cửa đóng then cài sẽ tạo khoảng cách. Chính sự cởi mở sẽ tạo nên sự thân thiện giữa tôi và mọi người".
Vì vậy đã từ rất lâu, việc mở cửa phòng làm việc chính là chủ trương được thực hiện từ khi cô làm cán bộ quản lý.
Cô Hoàng Thị Lan Hương - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Chu Trinh |
PV: Thưa bà, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh là đơn vị thí điểm đầu trong việc triển khai Dự án Trường học Hạnh phúc (THHP) trên địa bàn Thủ đô, trong quá trình triển khai thí điểm, điều gì khiến bà ấn tượng về dự án này?
Hiệu trưởng Hoàng Thị Lan Hương: Trường Tiểu học Phan Chu Trinh là một trong 7 trường học đầu tiên thực hiện thí điểm triển khai Dự án THHP, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã nhận được những thành tựu ban đầu và dần đi vào nếp trong từng phương thức triển khai, thực hiện.
Thứ nhất, THHP tạo ra một môi trường tích cực, đồng thời khích lệ, giảm áp lực để học sinh và giáo viên tham gia hoạt động dạy, học chủ động, sáng tạo.
Thứ hai, dự án chú trọng vào phát triển kĩ năng sống, thay vì chỉ chú trọng vào kiến thức, học thuật mà còn phát triển kĩ năng mềm, tư duy sáng tạo, kĩ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc… Qua dự án này, học sinh thoả sức phát huy tính tự chủ và trách nhiệm trong quá trình học tập, giáo viên cũng luôn quan tâm và tôn trọng đến sự khác biệt của mỗi học sinh.
Thứ ba, với 3 tiêu chí cốt lõi: Yêu thương - An toàn - Tôn trọng nên xuyên suốt quá trình triển khai dự án, thầy và trò nhà trường đều cảm thấy vô cùng yên tâm, thoải mái khi cùng nhau chia sẻ ý kiến, suy nghĩ, cảm xúc của cá nhân mình.
Thứ tư, THHP là nơi tạo nên sự liên kết chặt chẽ, tương tác tích cực giữa nhà trường và gia đình để hỗ trợ tốt nhất cho sự phát triển của học sinh.
Thứ năm, trong THHP chúng tôi triển khai thực hiện, học sinh không chỉ được dạy dỗ để có khối óc thông tuệ mà còn được dạy dỗ để có sự thông tuệ của trái tim.
Tại Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, học sinh không chỉ được dạy dỗ để có khối óc thông tuệ mà còn được dạy dỗ để có sự thông tuệ của trái tim. |
PV: Trong quá trình xây dựng mô hình, cô có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi xây dựng Dự án THHP? Đồng thời nhà trường đã đưa ra những giải pháp như thế nào để khắc phục khó khăn đó?
Hiệu trưởng Hoàng Thị Lan Hương: Nhìn lại chặng đường triển khai dự án, chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo. Cùng với đó là sự đồng thuận ủng hộ của giáo viên, nhân viên nhà trường. Đây chính là những thuận lợi lớn nhất để chúng tôi gặt hái được “quả ngọt” từ dự án này.
Một điều quan trọng không thể không nhắc tới đó là chúng tôi luôn nhận được sự đồng lòng ủng hộ của các bậc cha mẹ phụ huynh trên suốt hành trình triển khai dự án, thậm chí trong từng hoạt động mà nhà trường xây dựng.
Mục đích của Dự án THHP là thúc đẩy hạnh phúc, sự phát triển toàn diện của người học. Phải làm sao để trường học trở thành cái nôi coi trọng, nuôi dưỡng tài năng, phát triển thế mạnh và đa dạng kết quả học tập của mỗi học sinh. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án này cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Đầu tiên là về cơ sở hạ tầng, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh có diện tích nhỏ, do đó chưa thể đáp ứng được yêu cầu về không gian để học sinh có thể tham gia nhiều trải nghiệm trong các bài giảng STEM.
Ví dụ: Khi dạy học sinh tình yêu thiên nhiên, do diện tích không gian của trường không đảm bảo nên rất khó trong việc tạo điều kiện để các em được hòa mình vào thiên nhiên chuẩn chỉ như mục đích bài giảng.
Thứ hai, muốn Dự án THHP được thực hiện tốt nhất đòi hỏi nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động cho học sinh, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo khung chương trình quy định, đây cũng là khó khăn trong quá trình nhà trường triển khai thí điểm mô hình này.
Dẫu biết rằng còn có khó khăn trong quá trình thí điểm, nhưng trường chúng tôi luôn tự hào là ngôi trường học "nhỏ nhưng có võ", vì vậy thầy cô và trò không nản lòng, nhụt trí hay bỏ cuộc mà sẽ cùng ngồi lại để thảo luận để đưa ra giải pháp tối ưu nhất cho từng khó khăn qua việc: Lồng ghép tổ chức triển khai các kỹ năng, kiến thức trong việc dạy - học; tổ chức các hoạt động của học sinh; xây dựng mối quan hệ vững chắc với địa phương để tạo được sự đồng thuận, việc thực hiện dự án cho phù hợp điều kiện thực tế...
Cô Hoàng Thị Lan Hương (bên phải) và cô Tổng phụ trách Trần Huyền Nhung (bên trái) cùng trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô |
PV: Xin cho biết, thời gian triển khai THHP tại nhà trường, cô nhận thấy thầy cô trong trường có những thay đổi như thế nào?
Hiệu trưởng Hoàng Thị Lan Hương: Việc xây dựng, triển khai Dự án THHP đã giúp cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên ở Trường Tiểu học Phan Chu Trinh thay đổi rõ rệt từ Hiệu trưởng đến giáo viên.
Giai đoạn đầu khi nhà trường tham gia tập huấn thí điểm đợt 1, 12 cán bộ giáo viên nòng cốt của Trường Tiểu học Phan Chu trinh đã tình nguyện đăng ký tham gia lớp tập huấn. Trải qua quãng thời gian tập luyện, 5/12 cô giáo ở độ tuổi 6X, 7X đã có những thay đổi rõ rệt.
Cụ thể, không dễ dàng gì để có thể định nghĩa chính xác về một môi trường giáo dục hạnh phúc. Tuy nhiên, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh luôn đặt ra một tiêu chí quan trọng, đó là: trò hạnh phúc, thầy hạnh phúc thì lớp học sẽ hạnh phúc và trò sẽ hạnh phúc nếu được nuôi dạy bởi một người thầy hạnh phúc.
Vì vậy, trong mỗi tiết học, thầy cô của trường luôn khơi dậy niềm đam mê, hứng thú, duy trì cảm xúc tích cực cho học sinh của mình.
Với sự phát triển của công nghệ thông tin, thầy cô thường xuyên trao đổi với phụ huynh về các nội dung của lớp, của trường qua tin nhắn nhóm Zalo, Facebook... để kịp thời đôn đốc học sinh thực hiện nền nếp học tập ở lớp, ở nhà.
Thầy cô giáo cũng chú ý hơn tới việc khen ngợi học sinh, vì với Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, chúng tôi cho rằng, nếu được khen ngợi đúng nơi, đúng lúc thì các em sẽ phát huy được thế mạnh và ngày càng tiến bộ hơn.
Bên cạnh những lời khen, giáo viên cũng cần phải lựa lời khéo léo để nhắc nhở những em học sinh hiếu động hoặc thiếu tự tin, chậm tiến bộ. Điều này giúp tạo mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường thêm gắn bó mật thiết. Cả phụ huynh và học sinh đều dễ dàng trao đổi tâm tư, nguyện vọng của bản thân, tạo ra sợi dây gắn kết giữa nhà trường và gia đình.
Một trong ba tiêu chí của THHP đó là sự an toàn, thấu hiểu điều đó, thầy cô trong nhà trường đã chủ động phối hợp với phụ huynh thực hiện các biện pháp kỷ luật tích cực, dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần con trẻ, hạn chế tối đa những kỷ luật tiêu cực không đáng có. Thực hiện tốt những việc làm đó, thầy cô sẽ là người tạo ra môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, giảm thiểu được các tệ nạn xã hội và bạo hành, bạo lực học đường.
PV: Dự án THHP đòi hỏi người giáo viên phải ngày càng trở nên “Đa di năng”, vậy không biết cô có tiêu chí nào đặt ra cho những thầy cô giáo trong trường của mình không?
Hiệu trưởng Hoàng Thị Lan Hương: Tôi không có bất kỳ tiêu chí nào cho thầy cô cả. Với tôi, là một giáo viên trong thời kỳ chuyển đổi số, công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay đặt ra nhiều thuận lợi những cùng kèm nhiều thách thức đối với giáo viên. Vì vậy, để làm tốt được cương vị của “người lái đò” đòi hỏi mỗi thầy cô giáo phải không ngừng chủ động, sáng tạo, học hỏi lẫn nhau.
Người giáo viên trong thời kỳ chuyển đổi số phải hiện đại, không chỉ ở hình thức mà còn ở phong cách, mang trong mình hơi thở của thời đại kỷ nguyên số.
Thầy cô sáng tạo, chủ động tích cực dựng xây văn hóa học đường, văn hóa sư phạm; văn minh trong nhận thức, sẻ chia, đánh giá; nhân văn trong tiếp cận, ứng xử...
Ngành giáo dục đã và đang thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, bởi lẽ đó, người thầy phải làm gương cho thói quen tự học, tự tìm tòi, đổi mới… nhất là trong việc ứng dụng khoa học công nghệ thông tin vào mỗi bài giảng cho học sinh.
Những người làm thầy được tạo mọi điều kiện tốt nhất trong công tác giảng dạy tự học còn rộng hơn. Chúng ta không chỉ học từ xa mà còn học qua internet, qua các trang mạng xã hội, học qua sách báo; chúng ta không chỉ học với một người thầy cụ thể mà còn với nhiều người thầy cùng lúc hoặc người thầy “vô danh”; chúng ta có thể học theo bài, theo lớp hoặc thích tới đâu học tới đó, học từ nội dung này sang nội dung khác… Suy cho cùng, ở một xã hội mà công nghệ phát triển nhanh chóng, không ai trong chúng ta không tự học, để bắt kịp với tiến bộ chung của mọi người xung quanh, với thời đại, đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống.
Để có được những điều này cần quan tâm đến việc cập nhật tri thức, không ngừng rèn luyện kỹ năng không chỉ ở vị trí của người thầy mà có tầm nhìn và trải lòng từ góc nhìn để chuẩn bị cho học sinh dựa trên học sinh nghĩ gì, muốn gì, làm gì, cần gì... ở chúng ta. Có như thế, mỗi thầy cô không chỉ đứng vững trong nghề mà còn có thể dần chinh phục các thế hệ học trò khác nhau.
Một giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Phan Chu Trinh |
PV: Trong thời gian tới, cô và thầy cô giáo trong trường đã có những dự tính, kế hoạch, chủ trương ra sao để ngày càng phát triển và nhân rộng hơn nữa mô hình THHP?
Hiệu trưởng Hoàng Thị Lan Hương: Hiện nay nhà trường đang bước sang giai đoạn 2 của Dự án THHP. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình hướng dẫn và luôn đảm bảo cụ thể, rõ ràng các tiêu chí:
1. Xác định rõ mục tiêu, chiến lược phát triển.
2. Đào tạo, nhân rộng nguồn nhân lực.
3. Kết nối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực giáo dục để hỗ trợ và tư vấn cho việc triển khai mô hình.
4. Đánh giá hiệu quả: Thiết lập hệ thống đánh giá để đo lường hiệu quả của mô hình THHP, thu thập phản hồi từ các bên liên quan.
5. Điều chỉnh kịp thời chiến lược tối ưu hóa việc xây dựng THHP trong điều kiện mới.
6. Cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm.
PV: Trân trọng cám ơn cô!