Hà Nội trọng nghĩa trọng tình!

Tour diễn Born Pink của nhóm nhạc nổi tiếng xứ Hàn – BLACKPINK vừa kết thúc nhưng đã để lại nhiều dư âm tốt đẹp cho khán giả Thủ đô. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh gửi thư cảm ơn nhóm nhạc cùng lực lượng chức năng, người hâm mộ đã góp phần khẳng định Hà Nội là điểm đến an toàn, thân thiện khi tổ chức các sự kiện quốc tế.
Cần có chính sách, cơ chế đặc thù để Hà Nội phát triển công nghiệp văn hoá Chủ tịch UBND TP Hà Nội gửi thư cảm ơn BlackPink và khán giả hâm mộ Để hình ảnh Hà Nội thân thiện, văn minh trong mắt bạn bè quốc tế... Concert Blackpink – Cú hích cho thị trường du lịch âm nhạc Hà Nội

Cảm ơn vì BLACKPINK mở ra góc nhìn mới về công nghiệp văn hóa

Lâu nay, khi nhắc tới nền công nghiệp giải trí, thế giới không thể không nói tới K-POP, phương tiện truyền bá văn hoá Hàn Quốc và cũng là một cỗ máy “hái ra tiền” ở xứ ở Kim Chi. Những ban nhạc như BTS, EXO, TWICE, Seventeen, BLACKPINK được coi là “con gà đẻ trứng vàng” cho những công ty giải trí ở Hàn Quốc.

Sự thành công của ngành công nghiệp K-POP không chỉ giúp các công ty giải trí kiếm được những khoản lợi nhuận “ngất ngưởng” mà còn đóng góp lớn cho nền kinh tế nước nhà.

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp K-POP tạo ra khoảng 10 tỷ USD cho Hàn Quốc mỗi năm. Nếu như năm 2004, làn sóng K-POP đóng góp 0,2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc, tức xấp xỉ 1,87 tỷ USD thì tới năm 2021, sự phổ biến toàn cầu của K-POP giúp Hàn Quốc kiếm được khoảng 12,45 tỷ USD.

Thị trường sự kiện K-POP được định giá 8,1 tỷ USD vào năm 2021 và ước tính đạt 20 tỷ USD vào năm 2031, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,3% từ năm 2023 đến năm 2031. Rõ ràng, ngành công nghiệp giải trí thực sự là một mắt xích quan trọng để thúc đẩy kinh tế, văn hóa, thời trang, du lịch của Hàn Quốc.

Hà Nội trọng nghĩa trọng tình!
Hai đêm diễn của BLACPINK tại Hà Nội thu hút hơn 60.000 khán giả đến xem

Thử nhìn lại, sự kiện BLACPINK sang Hà Nội biểu diễn có 2 ngày nhưng thông tin của 4 cô gái đã “chiếm sóng” toàn bộ các kênh truyền thông trong nước và quốc tế; Kéo theo đó là sự thúc đẩy hàng loạt hoạt động tiêu dùng, mua sắm, du lịch. Nhiều trend “đen”, “hồng” được tạo ra; Hàng loạt cửa hàng “cháy hàng” quần áo thời trang “đen-hồng”….

Hai đêm diễn của nhóm nhạc đã thu hút 67.000 khán giả tới sân vận động Mỹ Đình. Trong số các khán giả đến xem đêm diễn của BLACPINK tại Hà Nội, không chỉ có giới trẻ Thủ đô, mà còn có nhiều fan hâm mộ từ các tỉnh, thành của đất nước cũng như từ các quốc gia khác. Hàng nghìn khách du lịch từ Singapore, Phillipines, Thái Lan… đã sang Việt Nam để xem BLACKPINK biểu diễn.

Bằng chứng rõ nét nhất là rất nhiều khách sạn ở Hà Nội "cháy phòng"; Giá vé máy bay tăng cao đột biến trước giờ 4 cô gái của BLACKPINK biểu diễn. Vào khoảng 20h ngày 28/7, vé máy bay chặng TP HCM đi Hà Nội của các hãng gần như "cháy sạch". Vé hạng phổ thông của ngày 28/7 đã hết, chỉ còn lại hạng thương gia với mức gần 9 triệu đồng/vé.

Khẳng định một Hà Nội an toàn và là thị trường du lịch âm nhạc tiềm năng

Thành công của tour diễn Born Pink không chỉ cho thấy sự chuyên nghiệp của những công ty giải trí xứ Hàn mà còn là “phép thử” về năng lực tổ chức sự kiện giải trí mang tầm quốc tế của Hà Nội. Chính quyền Thủ đô, hệ thống chính trị vào cuộc, lực lượng công an, giao thông, y tế sẵn sàng, Nhân dân, đặc biệt là giới trẻ hưởng ứng.

Chia sẻ về điều này, TS. Bùi Văn Tuấn, Phó Chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN cho rằng: “Việc “đu” idol của giới trẻ trong sự kiện BLACKPINK cho chúng ta thấy họ hòa nhập rất nhanh với việc toàn cầu hóa văn hóa. Đồng thời, cũng chứng tỏ một điều về “khoảng trống” về công nghiệp giải trí của Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Chúng ta chưa có một nền công nghiệp văn hóa đúng nghĩa, do vậy, nếu tận dụng được nguồn lực từ một tầng lớp khán giả trẻ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của giới trẻ thì lĩnh vực giải trí, du lịch văn hóa của Thủ đô sẽ cất cánh trong tương lai. Điều này được minh chứng rõ nét qua hai đêm diễn của nhóm nhạc BLACKPINK. Đó không chỉ đơn thuần là những đêm diễn dành cho fan hâm mộ mà còn mang lại những hiệu ứng tích cực với du lịch và giải trí tại Hà Nội, Việt Nam".

Hà Nội trọng nghĩa trọng tình!
TS Bùi Văn Tuấn, Phó chủ nhiệm Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Nhìn từ góc độ bài học kinh nghiệm, đạo diễn Mai Thanh Tùng, Giám đốc Công ty tổ chức sự kiện Oscar cho rằng, BLACKPINK đến Hà Nội đã cho các nhà quản lý, các nghệ sĩ, các nhà cung cấp dịch vụ biểu diễn và cả những ông bầu sô Việt một bài học, 1 góc nhìn mới về phát triển công nghiệp văn hóa, nền công nghiệp có doanh thu cả tỷ đô của Hàn Quốc mà bất cứ quốc gia nào cũng mong muốn.

Cử chỉ nghĩa tình

Ngày 31/7, tour Born Pink kết thúc, nhóm BLACKPINK trở về nước. Dành lời cảm tạ cho 4 cô gái xinh đẹp vì những gì họ mang đến cho Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã có thư cảm ơn gửi nhóm nhạc BLACKPINK, khán giả hâm mộ và các lực lượng chức năng của Hà Nội.

TS Bùi Văn Tuấn đánh giá cao hành động đầy nghĩa tình này của người đứng đầu thành phố. Bởi lẽ, ban nhạc quốc tế đến Hà Nội, mang đến cho Thủ đô sự đa dạng các hoạt động văn hóa, chưa kể sự thành công của 2 đêm nhạc một lần nữa khẳng định hình ảnh của Thủ đô Hà Nội -Thành phố vì hòa bình, là điểm đến an toàn, thân thiện và khẳng định năng lực tổ chức những sự kiện văn hóa, âm nhạc quốc tế của Thủ đô.

Hà Nội trọng nghĩa trọng tình!
Các lực lượng chức năng đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho show diễn của BLACKPINK

“Tôi cho rằng, việc Chủ tịch UBND TP Hà Nội cảm ơn các lực lượng chức năng là điều nên làm bởi chính họ là người đã đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sự kiện lớn với lượng khán giả lên tới vài chục ngàn người diễn ra thành công. Đây là sự kiện văn hóa mang tầm quốc tế, quảng bá hình ảnh Hà Nội, Việt Nam thân thiện, mến khách, là địa điểm phù hợp tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao tới bạn bè quốc tế.

Chúng ta phải cảm ơn các cô gái BLACKPINK bởi họ đã tin tưởng, chọn Hà Nội là điểm đến biểu diễn của mình. Có nghĩa rằng, họ tin tưởng vào năng lực đảm bảo an ninh, an toàn cho buổi biểu diễn và hơn thế nữa họ tin tưởng vào một thị trường tiêu thụ các sản phẩm văn hóa có chất lượng cao. Và chúng ta cùng hy vọng trong tương lai Thủ đô Hà Nội sẽ được đón và tổ chức nhiều sự kiện tương tự để góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy xây dựng nền công nghiệp văn hóa Thủ đô - xứng tầm là một Thành phố sáng tạo, một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại và nghĩa tình” – ông Bùi Văn Tuấn nói.

“Bên cạnh đó, đứng ở góc độ giao lưu văn hóa, Việt Nam – Hàn Quốc có mối quan hệ ngoại giao sâu sắc 30 năm qua. Bạn đến chơi nhà, ta tiếp đón thân tình, ta tiễn bạn về với tấm chân tình được bày tỏ, điều này thể hiện văn hóa giao tiếp lịch sự” – TS Tuấn chia sẻ thêm.

Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Chính quyền thành phố đã đặt mục tiêu tổ chức thành công các sự kiện văn hóa lớn vì đó là “chìa khóa” mở ra sự phát triển cho các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Do vậy, lời cảm ơn của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng chính là thái độ cầu thị rất văn minh và cũng đầy nghĩa tình với mong muốn tiếp tục đón các ban nhạc quốc tế khác đến Hà Nội để thành phố trở thành “Thành phố của sự kiện”, “Thành phố toàn cầu” và là trung tâm sáng tạo của khu vực và thế giới như cam kết với UNESCO.

Thái Sơn
Phiên bản di động