Phát triển công nghiệp xanh tại Vĩnh Phúc

Bài 2: Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi xanh

Chiến lược chuyển đổi xanh đang được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đẩy nhanh thực hiện bằng nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup ký thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi xanh Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững SABECO thúc đẩy chuyển đổi xanh cho mục tiêu Net Zero

Cơ hội vàng cho doanh nghiệp

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có khoảng 17.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng số vốn đầu tư khoảng 292.400 tỷ đồng, trong đó có hơn 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho khoảng 582.600 lao động, đóng góp tới 90% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Trong những năm qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, để tạo ra những bước đột phá mới, tỉnh Vĩnh Phúc nhận thấy cần phải khai thác tối đa các lợi thế sẵn có, đồng thời đón đầu xu hướng phát triển của tương lai thông qua việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh.

Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi xanh
Đồng chí Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững” để định hướng trong thời gian tới, tìm ra những giải pháp giải quyết các vướng mắc, rào cản khi thực hiện “chuyển đổi xanh” và giải pháp hướng tới xây dựng nền “kinh tế xanh”

Thực tế, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số giải pháp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực xanh như rà soát, sắp xếp lại quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chọn lọc trong thu hút đầu tư cùng với định hướng thu hút FDI xanh, chủ động hạn chế một số dự án gây ô nhiễm môi trường.

Tỉnh cũng tập trung đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa ra các giải pháp phát triển xanh bền vững. Tỉnh sẽ tăng cường sử dụng điện tái tạo, áp dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn nhằm tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu chất thải…

Để thúc đẩy chuyển đổi xanh, cuối năm 2024, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn Vingroup đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác toàn diện về chuyển đổi xanh. Trong đó, các lĩnh vực trọng tâm chuyển đổi xanh bao gồm Du lịch xanh, Công nghiệp xanh, Nông nghiệp xanh, Hạ tầng đô thị xanh, Giao thông xanh, Lối sống xanh.

Công ty Cổ phần đầu tư Thành Long là một trong những đơn vị tiên phong chuyển đổi xanh, thân thiện môi trường hướng tới phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện, công ty đang hợp tác với các đối tác chiến lược để phát triển Trạm sạc xe điện tại Vĩnh Phúc với V –GREEN (Tập đoàn Vingroup); Tấm pin năng lượng mặt trời LONGi; Thiết bị chuyển đổi, lưu trữ điện E – Inverter; Thiết bị năng lượng mặt trời E- Green… Ngoài ra, Công ty còn hoạt động kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề như xây dựng cơ bản, gia công cơ khí, bất động sản…

Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi xanh
Ông Lê Văn Thanh - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Long người tiên phong đưa trạm sạc về Vĩnh Phúc

Ông Lê Văn Thanh – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Long cho biết: Hiện nay, vấn đề về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang rất được chú trọng. Vì vậy doanh nghiệp đã hợp tác để chuyển đổi xanh, hướng người tiêu dùng chuyển từ năng lượng hoá thạch sang năng lượng tái tạo. Đây cũng là hành động thiết thực của doanh nghiệp góp phần hỗ trợ chương trình phát thải bằng không mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26 nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon và Net Zero vào năm 2050.

Đối với hoạt động phát triển Trạm sạc xe điện tại Vĩnh Phúc, theo rà soát của Công ty, tổng số xe điện đang đăng ký và lưu hành tại tỉnh khoảng gần 2.000 xe và dự báo sẽ tăng mạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, theo thống kế, trước đây số lượng trạm sạc trên địa bàn tỉnh không nhiều, chỉ khoảng 50 trạm. Các trạm sạc tập chung chủ yếu ở TP Vĩnh Yên, Phúc Yên và một số cây xăng tại đường quốc lộ.

Tuy nhiên, sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Long hợp tác phát triển Trạm sạc xe điện tại Vĩnh Phúc với V –GREEN (Tập đoàn Vingroup) thì số lượng Trạm sạc xe điện đã tăng gấp 3 lần lên đến 150 trạm, phân bố trên khắp các huyện, thành thị trong tỉnh. Đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những địa phương có hệ thống Trạm sạc phát triển nhanh nhất cả nước, đóng góp vào tốc độ chuyển đổi xanh nhanh chóng của Vĩnh Phúc.

Đối với lĩnh vực điện mặt trời, đây là nguồn năng lượng không lo cạn kiệt, không tốn chi phí vận hành và bảo trì thấp. Nguồn năng lượng này không chỉ góp phần mang lại cuộc sống xanh, phù hợp với xu thế phát triển mà nó còn giúp mọi người tiết kiệm được một khoản kinh phí lớn phải chi trả hàng tháng cho các thiết bị điện vẫn dùng hàng ngày.

Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi xanh
Trạm sạc điện của Công ty Cổ phần Đầu tư Thành Long tại Trạm Dừng Nghỉ IC4 - Tam Đảo Xanh, thị trấn Kim Long, huyện Tam Dươn

“Cụm công nghiệp làng nghề Vĩnh Sơn tại huyện Vĩnh Tường do đơn vị làm chủ đầu tư cũng hướng tới chuyển đổi xanh toàn diện. Theo đó định hướng phát triển làng, cụm công nghiệp theo mô hình cụm công nghiệp xanh, sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ chiếu sáng và phục vụ cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp”, ông Lê Văn Thanh cho biết thêm.

Cũng theo quan điểm của ông Thanh, xu thế sử dụng năng lượng xanh, thân thiện với môi trường cũng chính là “cơ hội vàng” cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành này. Vì vậy, giai đoạn 2026-2030, Công ty dự kiến sẽ ở rộng quy mô thêm khoảng 200 Trạm sạc xe điện tại Vĩnh Phúc, tùy theo mức tăng trưởng của thị trường xe điện. Đồng thời đẩy mạnh kinh doanh mảng thiết bị năng lượng mặt trời, thiết bị tiết kiệm điện...

“Tầm nhìn và sứ mệnh của Công ty Cổ phần đầu tư Thành Long sẽ hướng đến việc tạo dựng môi trường xanh, phát triển bền vững. Từ đó mong muốn rằng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường để tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ là tỉnh có môi trường thu hút đầu tư phát triển kinh tế được cải thiện mà còn cải thiện, môi trường không khí, môi trường sống được trong lành”, ông Lê Văn Thanh khẳng định.

Chuyển đổi xanh để không tụt hậu

Xu hướng chuyển đổi xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới. Một doanh nghiệp thành công không chỉ tạo ra nhiều lợi nhuận mà còn phải chú trọng tới các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp. Trước xu hướng này, doanh nghiệp tại Vĩnh Phúc đứng trước yêu cầu chuyển đổi xanh để không bị tụt hậu hay bị loại khỏi “cuộc chơi”.

Thời gian qua, các nhà đầu tư hạ tầng KCN tại Vĩnh Phúc luôn chú trọng phát triển KCN theo hướng xanh, sinh thái. Để kiến tạo các lợi thế xanh, bền vững, các doanh nghiệp cũng phát huy sáng kiến để bảo vệ môi trường. Một trong số đó là Tập đoàn CNCTech.

Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi xanh
Tại trụ sở chính của Sumitomo Corporation ở Tokyo, Nhật Bản, CNCTech Group đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Sumitomo Corporation – một trong những tập đoàn đa quốc gia hàng đầu thế giới. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong chiến lược phát triển các dự án đô thị và khu công nghiệp xanh, thông minh tại Việt Nam

CNCTech là tập đoàn công nghiệp đa lĩnh vực: công nghiệp, công nghệ, dịch vụ hạ tầng công nghiệp. Hiện nay, CNCTech tập trung đầu tư mạnh mẽ vào tỉnh Vĩnh Phúc, sở hữu quỹ đất hơn 600ha dành cho nhà xưởng, nhà kho và các công trình thương mại dịch vụ, đồng thời đang đầu tư hiệu quả các dự án tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc.

CNCTech Thăng Long là doanh nghiệp điển hình trong việc áp dụng mô hình quản lý năng lượng tại địa phương. Ngoài đầu tư máy móc, thiết bị trong nhà xưởng như lắp các đồng hồ đo điện, nước tiêu thụ, giám sát và ghi số liệu hằng ngày; lắp công tắc đèn từng khu vực trong nhà xưởng… doanh nghiệp còn tăng cường cải tiến các quy trình quản lý, tối ưu hóa việc sử dụng nguyên vật liệu, giảm tỷ lệ tiêu hao, tiết kiệm năng lượng.

Một doanh nghiệp khác tại Vĩnh Phúc cũng được coi là điểm sáng trong việc sản xuất xanh, thân thiện với môi trường trong nhiều năm qua đó là Tập đoàn Sản xuất Thép Việt Đức (KCN Bình Xuyên, Vĩnh Phúc). Thép Việt Đức là doanh nghiệp chuyên sản xuất thép uy tín của Việt Nam với các sản phẩm thép xây dựng chất lượng cao, được sử dụng cho nhiều công trình lớn của quốc gia, và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Thép Việt Đức đặc biệt quan tâm đến tác động về môi trường trong mỗi hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi xanh
Thép Việt Đức sử dụng công nghệ tuần hoàn nước 100% để tái sử dụng nên hoàn toàn không có nước thải ra môi trường. Toàn bộ phân xưởng sản xuất của Công ty được đầu tư công nghệ mới, hoàn toàn đồng bộ, tỷ lệ tự động hóa cao nên không có tiếng ồn

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức Nguyễn Hữu Thể cho biết: “Sản xuất thép được phân ra 2 dạng, một là luyện thép từ quặng hoặc thép phế; hai là cán thép dùng sản phẩm sau luyện làm nguyên liệu. Thép Việt Đức không đúc, luyện, chỉ cán ra thép thành phẩm nên gần như không gây tác động đến môi trường.

Bên cạnh đó, ở mỗi dây chuyền sản xuất thép xây dựng, Công ty sử dụng hệ thống đốt dùng khí CNG thay cho khí than hay dầu, giúp giảm khói bụi, giảm tiêu hao nhiên liệu và bảo vệ môi trường tốt hơn. Đồng thời, Công ty cũng sử dụng công nghệ tuần hoàn nước 100% để tái sử dụng nên hoàn toàn không có nước thải ra môi trường. Toàn bộ phân xưởng sản xuất của Công ty được đầu tư công nghệ mới, hoàn toàn đồng bộ, tỷ lệ tự động hóa cao nên không có tiếng ồn”.

Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi xanh

Với chất thải nguy hại như găng tay, giẻ dính dầu, ắc quy hỏng, bóng đèn huỳnh quang… được công ty kiểm soát chặt chẽ bằng cách thu gom về các vị trí đã được quy định sẵn, phân loại rác thải. Sau đó, lượng rác thải này được các doanh nghiệp có chức năng xử lý, đảm bảo không gây hại đến môi trường. Ngay từ khi xây dựng nhà máy, công ty đã đầu tư đồng bộ dây chuyền thiết bị, văn phòng, xưởng sản xuất, trong đó dây chuyền sản xuất ống thép được đánh giá tiên tiến, hiện đại bậc nhất Việt Nam.

Doanh nghiệp đồng hành chuyển đổi xanh

Tín hiệu vui là từ quy hoạch, định hướng đầu tư sản xuất theo cụm ngành với công nghệ hiện đại, công nghiệp xanh, đến nay cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã hình thành hệ sinh thái công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững.

Còn tiếp....

Lê Sơn

Bình luận

Phiên bản di động