Hà Nội tiến hành hạ thấp hàng rào công viên Thống Nhất
Phó Tổng Giám đốc Công ty Công viên Thống Nhất Ma Kiên Hán cho hay, công ty đã huy động 50% cán bộ, công nhân lao động triển khai thực hiện nhằm bảo đảm hoàn thành kịp thời phương án hạ thấp hàng rào, các trụ cột hàng rào đã được UBND thành phố phê duyệt, phục vụ tuyến phố đi bộ khu vực đường Trần Nhân Tông (dự kiến khai trương ngày 30/12/2022) và hội hoa xuân 2023.
Theo phương án được UBND thành phố thông qua, trong giai đoạn 1, khi UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức phố đi bộ trên tuyến phố Trần Nhân Tông (đoạn từ nút giao ngã ba phố Quang Trung đến nút giao phố Trần Bình Trọng), kết nối với trục chính Công viên Thống Nhất (đoạn từ cổng Công viên Thống Nhất đến hồ Bảy Mẫu) để tạo lập không gian mở giữa Công viên Thống Nhất với tuyến phố đi bộ khu vực đường Trần Nhân Tông.
Công viên Thống Nhất được xây dựng năm 1958 |
Phạm vi thực hiện phương án hạ thấp hàng rào là toàn bộ khu vực hàng rào hiện trạng của Công viên Thống Nhất phía đường Trần Nhân Tông, đoạn từ cổng vào khu xử lý nước thải kéo dài đến cổng tại địa chỉ số 2 phố Nguyễn Đình Chiểu (liền kề với Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội). Tổng chiều dài hàng rào cần xử lý hạ thấp khoảng 566m, để tạo không gian mở kết nốt với tuyến phố đi bộ.
Tuy nhiên, trước mắt để phù hợp với giai đoạn 1 của tuyến phố đi bộ, sẽ thực hiện ngay việc hạ thấp khu vực hàng rào hiện trạng phía đường Trần Nhân Tông (khoảng 396m) để tạo không gian mở kết nối với khu vực tổ chức tuyến phố đi bộ phía đường Trần Nhân Tông.
Theo đó, thực hiện tháo dỡ toàn bộ phần hàng rào sắt và các cột trụ hàng rào đến sát phần chân tường rào (phần xây gạch). Phần chân tường rào kết cấu gạch được giữ lại để tạo ranh giới phân định diện tích bên trong và bên ngoài công viên, phục vụ cho công tác quản lý, duy tu, duy trì khi phố đi bộ đi vào hoạt động.
Phần kết cấu gạch chân tường rào (cao khoảng 0,5m) giữ lại sẽ được ốp đá tạo vị trí ngồi nghỉ cho khách tham quan và ngăn cách các phương tiện giao thông di chuyển trực tiếp từ hè đường vào bên trong công viên.
Phần diện tích thảm cỏ liền kề với vị trí chân tường rào sẽ được cải tạo, chỉnh trang trồng cây hoa, cây lưu niên để tạo mảng cây hoa, cây cảnh kết nối không gian mở giữa phố đi bộ và công viên.
Sáng nay (22/12) Công ty TNHH một thành viên Công viên Thống Nhất bắt đầu thực hiện hạ thấp hàng rào công viên Thống Nhất |
Theo Kế hoạch số 332/KH-UBND đã được Hà Nội ban hành, đến năm 2025, thành phố sẽ nâng cấp, cải tạo 45 công viên, vườn hoa hiện có theo 2 cấp độ tùy vào vị trí, quy mô công trình và mức độ xuống cấp. Trong đó, 3 công viên Bách Thảo, Thủ Lệ và Thống Nhất được ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp theo mức độ 1.
Ở mức độ 1, thành phố ưu tiên thực hiện cải tạo, nâng cấp đồng bộ các khu vực chính và khu vực xuống cấp, tạo điểm nhấn kiến trúc cảnh quan theo Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 được duyệt.
Trong đó sẽ nghiên cứu hoàn thiện quy hoạch chi tiết, thiết kế tổ chức mặt bằng, đường dạo, tiểu cảnh, cơ sở vật chất đồng bộ; kế thừa các hạng mục mới được đầu tư sửa chữa; trồng bổ sung cây hoa, cây cảnh; nâng cấp, sửa chữa, bổ sung hệ thống chiếu sáng, nhà vệ sinh, ghế ngồi, thùng rác, hệ thống cấp thoát nước, bể phun...
Thành phố định hướng nâng cấp Công viên Thống Nhất chuyển từ công viên "đóng" sang công viên "mở", hạ thấp hàng rào và mở cả về quản lý, cơ chế, nghĩa là không thu vé vào để người dân dễ tiếp cận.
Đồng thời với đó là việc tạo lập không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông, từ đó sẽ nâng tầm giá trị không gian cảnh quan, tăng thêm khai thác các giá trị của công viên Thống Nhất, trong đó có việc khai thác không gian, kinh tế đêm.
Công viên Thống Nhất được xây dựng năm 1958 trên vùng đầm hồ, bãi rác và hoàn thành vào năm 1961, với diện tích hơn 50ha. Công viên bao trọn hồ Bảy Mẫu rộng 25ha. Trong lòng hồ có hai hòn đảo nhỏ là đảo Hòa Bình và đảo Thống Nhất. Đảo Thống Nhất có diện tích 6.000m2.
Năm 1980, công viên được đổi tên thành Công viên Lê Nin. Đến năm 2003, khi Vườn hoa Chi Lăng ở ngã tư Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu được đặt theo tên vị lãnh tụ nước Nga (Liên Xô cũ) thì tên ban đầu là Công viên Thống Nhất được đặt lại và giữ nguyên đến nay.