Hà Nội thông tin về việc mở rộng gấp đôi đường Láng
Hà Nội dự kiến đầu tư 17.000 tỷ đồng để mở rộng gấp đôi đường Láng Hà Nội tổ chức lại giao thông khu vực cầu Yên Hoà - đường Láng từ 13/1 |
Theo ông Phan Trường Thành, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính (Sở Giao thông vận tải Hà Nội), dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn từ Ngã Tư Sở - Cầu Giấy dự kiến có tổng đầu tư trên 21.000 tỷ đồng, trong đó đoạn dưới thấp hơn 17.000 tỷ đồng và đoạn trên cao gần 3.900 tỷ đồng.
Do tổng đầu tư lớn nên Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất tách thành 2 dự án và ưu tiên cải tạo mở rộng Vành đai 2 dưới thấp dài khoảng 3,8 km, điểm đầu tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Chi phí dự kiến hơn 17.000 tỷ đồng gồm giải phóng mặt bằng 16.700 tỷ đồng, xây lắp 541 tỷ đồng.
Từ chiều rộng mỗi bên 10,5m hiện nay, khi cải tạo xong đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80 km/h và là trục chính đô thị. Các hạng mục đầu tư chủ yếu là giải phóng mặt bằng theo mặt cắt ngang quy hoạch, nền mặt đường, vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, hào kỹ thuật, nghiên cứu đồng bộ các nút giao.
Với dự án đầu tư xây dựng Vành đai 2 trên cao, điểm đầu kết nối với Vành đai 2 trên cao đã xây dựng tại nút giao Ngã Tư Sở và điểm cuối tại nút giao Cầu Giấy. Tuyến đường dài 3,8km, rộng 19 m, vận tốc 80 km/h, là trục chính đô thị. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 3.900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2026-2030.
Tuyến đường Láng có lưu lượng phương tiện cao, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Ảnh: LĐ. |
Ông Phan Trường Thành, đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm.
Do đó, việc thực hiện dự án nằm trong kế hoạch khép kín các Vành đai nội đô, giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả Vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành.
Nói rõ thêm, ông Phan Trường Thành, cho biết, tuyến đường Vành đai 2 theo quy hoạch dài 39km khép kín, hiện còn 6,1km chưa được cải tạo, đầu tư mở rộng theo quy hoạch.
Trong đó, đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đi trùng với đường Láng hiện tại) và đoạn hơn 2km ở phía Bắc sông Hồng. Do vậy, việc ưu tiên hoàn thiện đầu tư khép kín 39km Vành đai 2 theo quy hoạch là cần thiết.
Nếu hoàn thiện được toàn bộ tuyến Vành đai 2 theo quy hoạch sẽ giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông, giải quyết các điểm giao cắt trên các tuyến giao thông trọng điểm, hỗ trợ giảm tải cho Vành đai 3 hiện tại…
“Hiện thông tin mới chỉ là ban đầu, sơ bộ, trong quá trình thực hiện sẽ phải triển khai một loạt các công việc nữa, đưa ra nhiều phương án khác nhau chứ không chỉ là một phương án. Chúng tôi đã lựa chọn được đơn vị tư vấn để chính thức đi vào nghiên cứu cụ thể dự án”, ông Phan Trường Thành cho hay.
Cũng theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, dự án mở rộng đường Vành đai 2 trên cao và dưới thấp không dài nhưng quy mô giải phóng mặt bằng dự kiến rất lớn; cùng với hàng cây xà cừ lâu năm chạy dọc đường Láng cũng cần phải bảo tồn.
Đó còn chưa kể thành phố Hà Nội cũng phải cân đối nguồn vốn thực hiện. Bởi hiện tại Thành phố đang tập trung làm Vành đai 4 có tổng mức đầu tư rất lớn. Đây cũng là bài toán đặt ra với cơ quan quản lý.
“Chúng tôi khẳng định rằng, khi kịch bản đưa ra nhiều phương án, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước là phải chọn được phương án phù hợp khả thi, có tính kinh tế và hiệu quả nhất, thậm chí là đặt lên bàn cân đo, đong đếm có thể triển khai dự án hay không. Về con số khái toán dự án hơn 21.000 tỷ đồng cho cả phần trên cao và dưới thấp, đây mới chỉ là dự tính, chưa có con số chi tiết. Khối lượng giải phóng mặt bằng của dự án rất lớn, cần phải có đánh giá chi tiết”, ông Phan Trường Thành chia sẻ.