Hà Nội thống nhất chủ trương thành lập quận Gia Lâm
Hà Nội chuẩn bị họp xem xét đề án thành lập quận Gia Lâm HĐND TP Hà Nội xem xét đề án thành lập quận Gia Lâm tại kỳ họp thứ 13 |
Ngày 21/9, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kết luận số 139-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường trực thuộc.
Trên cơ sở ý kiến của các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) về nội dung “Đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm, TP Hà Nội”, Ban Chấp hành Đảng bộ TP thống nhất về chủ trương đối với đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND TP về đề án thành lập quận Gia Lâm và các phường thuộc quận Gia Lâm.
Ban Cán sự Đảng UBND TP được giao chỉ đạo UBND TP và các cơ quan liên quan rà soát, hoàn thiện hồ sơ bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành của pháp luật có liên quan trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét, thông qua theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Thành ủy Hà Nội yêu cầu quá trình triển khai phải xây dựng kế hoạch với tiến độ chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc.
Ảnh minh họa. |
Theo chương trình kỳ họp thứ 13 khoá XI, ngày 22/9, HĐND TP Hà Nội sẽ xem xét tán thành chủ trương thành lập quận Gia Lâm và các phường.
Theo tờ trình số 346 của UBND TP Hà Nội do Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn ký ngày 11/9/2023, phương án thành lập quận Gia Lâm trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số huyện Gia Lâm.
Sau khi thành lập quận Gia Lâm có diện tích tự nhiên 116,64 m2, quy mô dân số hơn 300.000 người, có 16 phường trực thuộc, bao gồm: Trâu Quỳ, Dương Xá, Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Yên Thường, Cổ Bi, Đặng Xá, Dương Quang, Lệ Chi, Yên Viên, Phù Đổng, Thiên Đức, Phú Sơn, Bát Tràng, Kim Đức.
Theo tờ trình, huyện Gia Lâm hiện có 22 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 2 thị trấn và 20 xã. Nằm ở cửa ngõ phía Đông của TP Hà Nội.
Trên địa bàn huyện Gia Lâm có nhiều tuyến giao thông huyết mạch, trọng điểm, kết nối các tỉnh, thành trung tâm kinh tế lớn như: Quốc lộ 1A kết nối tỉnh Bắc Ninh, Quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên), Quốc lộ 5 B kết nối với Hưng Yên, thành phố Hải Phòng…
Ngoài ra, hệ thống đường thuỷ qua sông Hồng, sông Đuống và hệ thống đường sắt ngược lên phía Bắc, Đông Bắc.
Cơ sở hạ tầng huyện Gia Lâm phát triển theo định hướng phát triển công nghiệp gắn với với phát triển đô thị dịch vụ; gắn kết giữa quy hoạch xây dựng đô thị và cải tạo chỉnh trang, nâng cấp đô thị và phát triển không gian đô thị.
Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, việc thành lập quận Gia Lâm sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức chính quyền phù hợp, tạo tiền đề cho Gia Lâm hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý hành chính Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; khai thác tối đa lợi thế kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, nâng cao phúc lợi và hưởng thụ của Nhân dân.
Đến thời điểm này, huyện Gia Lâm đã đạt 5/5 tiêu chuẩn để thành lập quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.