Hà Nội tập trung kiểm soát, không để tái bùng phát dịch COVID-19

Hà Nội củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, lấy phòng bệnh làm ưu tiên hàng đầu. Trước mắt, thành phố cần tập trung kiểm soát, không để tái bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh thường xuyên có xu hướng gia tăng.
Hà Nội: Giả nhân viên y tế Bệnh viện Đa khoa huyện Chương Mỹ bắt cóc trẻ sơ sinh Thường trực Thành ủy Hà Nội gặp mặt Ban Liên lạc chiến sỹ Việt Minh thành Hoàng Diệu Khuyến khích xây dựng tour du lịch Hà Nội mới lạ độc đáo
Toàn cảnh tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.
Toàn cảnh tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội

Sáng 21/8, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững".

Cùng dự tại điểm cầu của Bộ Y tế có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Đại diện các bộ, ngành Trung ương và các đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Dự tại điểm cầu UBND thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội cùng đại diện Sở Y tế Hà Nội và các sở, ngành, bệnh viện của thành phố.

Chủ động bám sát tình hình dịch

Tính đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.617.451 ca mắc, trong đó có 1.617.217 ca trên địa bàn thành phố Hà Nội, 292 ca nhập cảnh. Thành phố cũng đã thực hiện giám sát 338 mẫu xét nghiệm gen. Hiện, Omicron vẫn đang là chủng lưu hành chính trên địa bàn thành phố, trong đó đã ghi nhận các biến chủng mới của Omicron là BA.4 và BA.5.

Riêng trong tuần (từ ngày 12 đến 18/8), thành phố ghi nhận 1.907 ca mắc Covid-19, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Như vậy, trung bình Hà Nội ghi nhận 272 ca bệnh/ngày, số mắc tăng 27,8% so với tuần trước (trung bình 213 ca/ngày). Từ ngày 29/4/2022 đến nay, 579/579 xã, phường, thị trấn của thành phố có cấp độ dịch COVID-19 là cấp độ I.

Hiện thành phố còn 3.864 trường hợp được quản lý theo dõi, trong đó có 150 trường hợp tại bệnh viện (có 5 trường hợp nặng thở ô xy), còn lại 3.714 người được theo dõi, quản lý điều trị tại nhà.

Về công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn Hà Nội, đến nay, kết quả tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho người trên 18 tuổi đạt 98,2%; mũi nhắc lại lần 1 (mũi 4) đạt 66,9%. Ngoài ra, kết quả tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó mũi 1 đạt 64,3% và mũi 2 đạt 31,3%. Kết quả tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, mũi 1 và mũi 2 đều đạt hơn 99%; mũi 3 đạt 46,7%.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho biết, hiện tại, dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố đang được kiểm soát tốt. Công tác tiêm vắc xin phòng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, công tác thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 đã và đang được triển khai hiệu quả.

Về các dịch bệnh khác, thành phố chưa ghi nhận trường hợp mắc hay nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ và bệnh viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng dần nhưng hiện vẫn được kiểm soát. Điều này cũng phù hợp với dự báo cũng như tình hình dịch chung của cả nước. Thành phố cũng đã chủ động bám sát tình hình dịch, sẵn sàng nhân lực, cơ số vật tư, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đổi mới phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Để đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động phòng, chống dịch, lãnh đạo TP đã nhấn mạnh đến 4 vấn đề trọng tâm mà thành phố Hà Nội tập trung, chỉ đạo trong thời gian tới.

Các điểm cầu tham dự hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”
Các điểm cầu tham dự hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”

Thứ nhất, Hà Nội củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, lấy phòng bệnh làm ưu tiên hàng đầu. Trước mắt, thành phố cần tập trung kiểm soát, không để tái bùng phát dịch COVID-19 và các dịch bệnh thường xuyên có xu hướng gia tăng.

Thứ hai, TP tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, hóa chất phục vụ công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch.

Thứ ba, Hà Nội phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Cụ thể, TP tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại trạm y tế, phòng khám đa khoa, nhằm thu hút người bệnh đến khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, giảm tải cho tuyến trên; Nâng cao chất lượng trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình, quản lý sức khỏe toàn dân (cập nhật hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử trên phần mềm của Bộ Y tế), tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại trạm Y tế. Bên cạnh đó, TP tập trung triển khai các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, trong đó có đầu tư y tế cơ sở, trạm y tế, phòng khám đa khoa khu vực đảm bảo người dân được tiếp cận tốt nhất các dịch vụ y tế chăm sóc ban đầu.

Thứ tư, Hà Nội nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh. TP tiếp tục triển khai việc thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”. Đặc biệt, TP tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và các dịch bệnh lưu hành; duy trì thành quả phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn bệnh viện, an toàn nhân viên y tế.

Liên quan đến kiến nghị và đề xuất, đồng chí Chử Xuân Dũng cho biết, trong 2 tháng 7 và 8/2022, thành phố Hà Nội đã có 4 văn bản đề xuất Bộ Y tế, cụ thể: Văn bản 2191 ngày 8/7/2022 về công tác đấu thầu thuốc tập trung cấp địa phương; Văn bản 2232 ngày 13/7/2022 về báo cáo khó khăn, vướng mắc trong xây dựng và ban hành đơn giá mặt hàng xét nghiệm SARS-CoV-2 và kỹ thuật RT-PCR sử dụng ngân sách nhà nước; Văn bản 2400 ngày 26/7/2022 về việc thực hiện và thu tiền xét nghiệm COVID-19 khi người dân có nhu cầu xét nghiệm và tự nguyện chi trả chi phí; văn bản số 2724 ngày 19/8/2022 về khó khăn, vướng mắc, bất cập trong cung ứng thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, vật tư tiêu hao, hóa chất xét nghiệm tại các cơ sở y tế.

“Với 4 văn bản nêu trên, UBND thành phố Hà Nội xin báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng và quyền Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn cho thành phố”, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng kiến nghị.

Lam Dương
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động