Hà Nội phải hoàn thành 14 tuyến đường sắt đô thị trước năm 2035
Chính phủ lập tổ công tác đôn đốc tiến độ đường sắt đô thị Hà Nội, TP HCM Hà Nội sẽ xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị |
Theo Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội cần đẩy mạnh khâu đột phá về kết cấu hạ tầng.
Trong đó ưu tiên quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị, phấn đấu trước năm 2035 hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị và các đường vành đai, các nút giao thông cửa ngõ, hệ thống cầu qua sông Hồng để mở rộng không gian phát triển, tăng cường khả năng kết nối, giảm ùn tắc giao thông; quan tâm hệ thống giao thông kết nối vùng và quốc tế, bao gồm cả đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, hàng không.
Cùng với đó là phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị gắn với lộ trình, cơ chế, chính sách đột phá đối với chuyển đổi giao thông xanh.
Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Hà Nội phấn đấu trước năm 2035 phải hoàn thành xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị. |
Trước đó, tại kỳ họp thứ 15 diễn ra vào cuối tháng 3/2024, HĐND TP Hà Nội thông qua Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch có mục tiêu tổng quát Hà Nội là thành phố “Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa của cả nước và thế giới; trung tâm đi đầu đối với nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ mới; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng động lực phía Bắc.
Hà Nội cũng sẽ trung tâm kinh tế tài chính lớn, cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của đất nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực, dựa trên mô hình phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ; thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu, hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, ngang tầm khu vực và quốc tế...
Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, hài hòa; có trình độ phát triển ngang tầm các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; thành phố kết nối toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng; nơi đáng đến và lưu lại, đáng sống và cống hiến.
Quy hoạch xác định cấu trúc không gian phát triển của Thủ đô Hà Nội gồm 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực - 5 vùng kinh tế, xã hội - 5 vùng đô thị.
Cùng với TP HCM, Thủ đô Hà Nội đóng vai trò là cực tăng trưởng của đất nước, có vị trí trọng yếu trong tam giác động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và tứ giác phát triển khu vực miền Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa).
Quy hoạch cũng nêu 5 vùng kinh tế - xã hội: Vùng Trung tâm, vùng phía Bắc sông Hồng, vùng phía Nam Thủ đô, vùng phía Tây Nam Thủ đô, vùng phía Tây Bắc Thủ đô; 5 vùng đô thị: Đô thị trung tâm; thành phố phía Tây; vùng đô thị Sơn Tây - Ba Vì; thành phố phía Bắc; đô thị phía Nam.
Đáng chú ý, Quy hoạch xác định Hà Nội sẽ có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, hoàn thành sớm các tuyến kết nối nội đô với sân bay quốc tế Nội Bài và khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Ngoài việc tiếp tục triển khai 10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 (Quy hoạch 1259), Quy hoạch bổ sung 4 tuyến: Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2; Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá; Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4 và Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân.
Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng đường sắt nhẹ (monorail) trên cao, chạy ven hai bờ sông Hồng, kết hợp du lịch, cảnh quan và kết nối khu vực phố Cổ; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để phối hợp Trung ương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Hướng tuyến của 14 metro của Hà Nội 1. Ngọc Hồi - Yên Viên - Lạc Đạo. 2. Sóc Sơn - Nội Bài - Thượng Đình - Xuân Mai 2A. Cát Linh - Hà Đông - Xuân Mai. 3. Sơn Tây - Trôi - Nhổn - Yên Sở - Cầu Diễn. 4. Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà. 5. Văn Cao - Hòa Lạc. 6. Nội Bài - Mai Dịch. 7. Mê Linh - Hà Đông - Ngọc Hồi. 8. Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá. 9. Ngọc Hồi - Thường Tín - Cảng hàng không số 2. 10. Mê Linh - Cổ Loa - Yên Viên - Dương Xá. 11. Cát Linh - Lê Văn Lương - Vành đai 4. 12. Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai. 13. Vĩnh Tuy - Minh Khai - Trường Chinh - Láng - Nhật Tân. |