Hà Nội là điểm sáng về công tác chăm sóc trẻ em

"Nhiều năm qua, Hà Nội luôn là một điểm sáng về công tác trẻ em ..." đây là nhận xét của Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga.

Hành động cụ thể, thiết thực, ý nghĩa dành cho trẻ em

Những năm qua, với phương châm “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người” và dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em, thành phố Hà Nội đã có nhiều chính sách đặc thù.

Cụ thể, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an

"Nhiều địa phương, trong đó tiêu biểu là Hà Nội không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách cho trẻ em đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật theo quy định chung, mà còn chủ động ban hành các chính sách đặc thù mở rộng theo thẩm quyền để chăm sóc tốt hơn cho các cháu" - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025"; HĐND thành phố ban hành Nghị quyết đặc thù quy định nội dung, mức quà tặng của thành phố tới các đối tượng trẻ em nhân dịp Tết Nguyên đán, Ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu; UBND thành phố có Kế hoạch số 138 ngày 3-6-2021 về thực hiện Chương trình hành động quốc gia Vì trẻ em thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030. Thành phố đầu tư nguồn lực từ nguồn ngân sách, các cấp, các ngành, đoàn thể đồng thời kêu gọi doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đồng hành hỗ trợ cho trẻ em.

Năm 2024 là năm thứ 2 Hà Nội thực hiện Nghị quyết 25 của Hội đồng nhân dân thành phố về tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu với kinh phí 500.000 đồng/em/đợt.

Sáng 31/5, nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (Trung tâm).
Sáng 31/5, nhân dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tháng hành động vì trẻ em 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, trong 5 tháng vừa qua, tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%. Tỷ lệ học sinh đi học đúng tuổi cấp tiểu học đạt 98,41%. Tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học đúng độ tuổi đạt 99,38%. 100% trường học đạt tiêu chuẩn "Trường học an toàn"...

Tối 30/5, phát biểu khai mạc Tháng hành động vì trẻ em năm 2024, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, trong những năm qua, công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em được Thành ủy - Hội đồng nhân dân - UBND Thành phố xác định là việc làm thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, cùng sự hưởng ứng tích cực của các tổ chức, cá nhân, gia đình và xã hội..

Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong tặng quà cho thiếu nhi huyện Mê Linh
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong tặng quà cho thiếu nhi huyện Mê Linh

Dịp 1/6 này, Hà Nội sẽ có gần 13 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhận quà, với số tiền trên 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cũng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động quan tâm, chăm lo trẻ em trên địa bàn.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Thị Nga đánh giá, nhiều năm qua, Hà Nội luôn là một điểm sáng về công tác trẻ em. Đặc biệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã phát huy tốt vai trò cơ quan tham mưu giúp thành phố ban hành nhiều văn bản có ý nghĩa quan trọng, bao gồm Kế hoạch số 232-KH/TU về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Kế hoạch số 66/KH-UBND về thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần trẻ em, chăm sóc trẻ em mồ côi giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn thành phố.

Mang nụ cười cho trẻ em yếu thế

Hà Nội có hơn 1,9 triệu trẻ em trong đó có hơn 14.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 32.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Nhận định trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn dễ bị tổn thương, rất cần sự chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Do đó, để tạo cho các em phát triển toàn diện, năm 2022, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND trong đó quy định mức tặng quà của TP cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhân dịp ngày Quốc tế thiếu nhi và Tết Trung thu, mức tiền 500.000 đồng/em/ngày.

Hà Nội là điểm sáng về công tác chăm sóc trẻ em
Trẻ em Thủ đô được quan tâm phát triển về thể chất và tinh thần

Thực tế, công tác hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc nguy cơ rơi vào hoàn cảnh này được thành phố rất quan tâm.

Cụ thể, thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội huy động sự chung tay của cộng đồng xã hội, hỗ trợ một lần cho 259 em với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; hỗ trợ học tập dài hạn quý IV-2023 và quý I-2024 cho 25 trẻ em với tổng kinh phí 115 triệu đồng. Cùng với đó, các lớp học “Tỏa sáng” tiếp tục được duy trì, hỗ trợ 43 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn vượt khó học tốt với tổng số tiền 146 triệu đồng...

Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế thiếu nhi, hôm qua (31/5), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, tặng quà các thầy cô giáo, các cháu học sinh đang theo học tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (Trung tâm).

Tại đây, Thủ tướng nêu rõ, giai đoạn phát triển mới đặt ra cho công tác về trẻ em nói chung, giáo dục trẻ khuyết tật nói riêng nhiều khó khăn, thách thức mới. Những rào cản của việc tiếp cận một nền giáo dục bình đẳng, có chất lượng đối với trẻ khuyết tật cần được tiếp tục quan tâm, giải quyết.

Đoàn công tác MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội thăm, tặng quà và trò chuyện, động viên các cháu nhỏ tại Mái ấm Thánh Tâm (huyện Mỹ Đức). Mái ấm Thánh Tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc hàng chục trẻ mồ côi, khuyết tật và người già neo đơn.
Đoàn công tác MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội thăm, tặng quà và trò chuyện, động viên các cháu nhỏ tại Mái ấm Thánh Tâm (huyện Mỹ Đức). Mái ấm Thánh Tâm đang nuôi dưỡng, chăm sóc hàng chục trẻ mồ côi, khuyết tật và người già neo đơn.

"Khó khăn đến mấy, thách thức đến mấy cũng phải làm. Để vượt qua những thách thức đó, cần quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, thiết thực hơn, dành nhiều nguồn lực hơn để làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời gian tới", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài, góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng hạnh phúc và ấm no.

Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai của đất nước, đầu tư cho sự phát triển lâu dài, bền vững, nhanh và mang lại hiệu quả cao; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội.

Thủ tướng khẳng định, sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đã mang lại những kết quả rất tích cực, trẻ em khuyết tật được đặc biệt quan tâm, theo đúng tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và nguồn lực phát triển.

Nhiều địa phương, trong đó tiêu biểu là Hà Nội không chỉ thực hiện đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách cho trẻ em đặc biệt khó khăn, trẻ em khuyết tật theo quy định chung, mà còn chủ động ban hành các chính sách đặc thù mở rộng theo thẩm quyền để chăm sóc tốt hơn cho các cháu.

PV
Phiên bản di động