Hà Nội hướng tới thị trường du lịch tỷ đô Halal
Động lực và thách thức cho du lịch Thủ đô Hà Nội đón đầu làn sóng du lịch bùng nổ dịp 2/9 Trải nghiệm thú vị trong Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2025 |
Hà Nội, với vai trò trung tâm văn hóa và du lịch của Việt Nam, đang nỗ lực khai thác thị trường này để thu hút du khách từ các quốc gia Hồi giáo như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ và khu vực Trung Đông.
Tiềm năng du lịch Halal tại Hà Nội
Theo thông tin từ Sở Du lịch Hà Nội, trong năm 2024, Hà Nội đã đón khoảng 650.000 lượt khách từ các quốc gia Hồi giáo, chiếm gần 15% tổng lượng khách quốc tế. Trong đó, Ấn Độ dẫn đầu với hơn 325.000 lượt khách, tăng 40% so với năm 2023, tiếp theo là Malaysia (121.988 lượt) và Indonesia (109.390 lượt).
4 tháng đầu năm 2025, xu hướng này tiếp tục tăng trưởng với các thị trường như Iran, UAE và Ai Cập cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể.
Hà Nội sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch Halal, bao gồm di sản văn hóa phong phú như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, cùng cơ sở hạ tầng du lịch hiện đại. Tuy nhiên, việc thiếu các dịch vụ đạt chuẩn Halal, như nhà hàng, khách sạn hay khu cầu nguyện, vẫn là một thách thức lớn.
![]() |
Du khách đến với Hà Nội dịp hè |
TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, cho biết: “Du lịch Halal đang là xu hướng toàn cầu, dự báo đạt giá trị 350 tỷ USD vào năm 2030”.
Ông Ramlan Osman, Giám đốc Trung tâm Halal Việt Nam, nhấn mạnh rằng sau đại dịch COVID-19, lượng khách Hồi giáo toàn cầu tăng nhanh, với phân khúc chi tiêu cao. Năm 2024, thị trường du lịch Halal đạt 276 tỷ USD, với 160 triệu lượt khách. Đến năm 2030, con số này được dự báo sẽ đạt 350 tỷ USD. Hà Nội, với các điểm đến văn hóa nổi bật, được đánh giá là nơi lý tưởng để phát triển mô hình du lịch Halal bài bản.
Chiến lược phát triển du lịch Halal
Tại Tọa đàm “Phát triển du lịch Halal tại Hà Nội – Việt Nam” trong khuôn khổ Lễ hội Du lịch Hà Nội 2025, các chuyên gia đã đề xuất bốn nhóm giải pháp cụ thể để thúc đẩy du lịch Halal.
Ông Miêu Abbas, Chủ tịch Halal Việt Nam cho rằng, cần phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng bộ hướng dẫn Halal phù hợp với ngành du lịch, giúp doanh nghiệp dễ dàng áp dụng. Ông nhấn mạnh: “Halal không chỉ là một lựa chọn mà là cơ hội chiến lược để Hà Nội vươn ra thị trường quốc tế”.
Ông Miêu Abbas cũng đề xuất xây dựng Trung tâm Giới thiệu và Xúc tiến du lịch Halal Hà Nội, đóng vai trò cầu nối với các thị trường Hồi giáo quốc tế, giúp quảng bá hình ảnh Thủ đô như một điểm đến thân thiện.
Còn Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội đã thành lập Trung tâm Đào tạo Halal để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Các khóa tập huấn định kỳ cũng được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng sản phẩm đạt chuẩn Halal quốc tế.
Với mạng lưới đối tác tại 57 quốc gia, Halal Việt Nam đang nỗ lực đưa Hà Nội trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Halal. Điều này sẽ giúp tăng lượng khách và nâng cao uy tín của Thủ đô.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, khẳng định thành phố đang xây dựng chiến lược dài hạn, tập trung phát triển các “Halal Friendly Zones” tại khu vực trung tâm. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ có ít nhất 10-20 khách sạn đạt chuẩn Halal và 30% nhà hàng nội đô cung cấp món ăn Halal.
Cơ hội chiến lược cho Hà Nội
Mặc dù có tiềm năng lớn, du lịch Halal tại Hà Nội vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Việc cấp chứng nhận Halal còn thiếu thống nhất, gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Cơ sở hạ tầng như phòng cầu nguyện, khu ăn uống tách biệt hay dịch vụ mua sắm Halal vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, nhận thức về văn hóa và nhu cầu của du khách Hồi giáo chưa được phổ biến sâu rộng trong ngành du lịch.
Để giải quyết, các chuyên gia đề xuất Hà Nội cần đầu tư vào cơ sở vật chất như khu nghỉ dưỡng có spa, hồ bơi riêng biệt cho nam và nữ, phòng cầu nguyện tại sân bay và trung tâm thương mại. Các doanh nghiệp nên cung cấp biển báo tiếng Ả Rập, thảm cầu nguyện và nhân viên nói tiếng Ả Rập để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
![]() |
Cần xây dựng sản phẩm du lịch Halah gắn giá trị Hồi giáo. |
Hiện nay, một số khách sạn cao cấp như Intercontinental Landmark72, JW Marriott và Melia Hanoi đã bắt đầu phục vụ suất ăn Halal theo yêu cầu. Các nhà hàng như Khazaana và D’Lion cũng là điểm đến quen thuộc của du khách Hồi giáo. Tuy nhiên, Hà Nội cần mở rộng số lượng cơ sở đạt chuẩn Halal để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.
Du lịch Halal không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn giúp Hà Nội nâng cao vị thế trên bản đồ du lịch quốc tế. Đại sứ Azerbaijan tại Việt Nam, ông Shovgi Kamal Oglu Mehdizade, nhận định: “Việt Nam có tiềm năng lớn cho du lịch Halal, đặc biệt với các quốc gia như Pakistan, Azerbaijan, Kazakhstan và Thổ Nhĩ Kỳ”.
PGS.TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Đông và Tây Á, cho biết thị trường Halal toàn cầu đã vượt 7.000 tỷ USD và có thể đạt 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Hà Nội, với vai trò trung tâm du lịch, được kỳ vọng sẽ dẫn đầu xu hướng này tại Việt Nam.
Khai thác thị trường du lịch Halal là cơ hội để Hà Nội không chỉ gia tăng doanh thu mà còn khẳng định vị thế điểm đến thân thiện và bền vững. Với sự hỗ trợ từ chính quyền, tổ chức như Halal Việt Nam và nỗ lực của doanh nghiệp, Hà Nội đang tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành trung tâm du lịch Halal tại khu vực. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tiềm năng, thành phố cần tiếp tục đầu tư vào hạ tầng, đào tạo nhân lực và xây dựng hệ thống chứng nhận Halal thống nhất, từ đó tận dụng tối đa “mỏ vàng” du lịch Halal trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. |