"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không": Vang mãi bản hùng ca bất diệt
"Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không"- bản anh hùng ca vang mãi |
Từ bài học đánh B52...
Những ngày này của 49 năm về trước, cả thế giới tiến bộ nín thở chờ đợi, lo lắng cho Hà Nội trước những cuộc tập kích của "Pháo đài bay B52". Loại máy bay chiến lược này, vốn được mệnh danh là "Siêu pháo đài bay"; Cao hơn 12 mét, dài hơn 49 mét, sải cánh hơn 56 mét và nặng trên 200 tấn. Một chiếc B52 có thể mang 30 tấn bom, bay cao tới 20km và bay liên tục 20.000km không cần tiếp dầu.
Vì vậy, khi Mỹ tuyên bố mở cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, cả thế giới đã lo ngại cho vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Các thế lực hiếu chiến trong chính quyền Mỹ thì chắc mẩm Việt Nam sẽ phải lùi bước và kí kết Hiệp định Paris với những điều khoản do Mỹ đưa ra.
Đại đội 4 pháo cao xạ bảo vệ Thủ đô luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: Văn Bảo - TTXVN) |
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, không lực Mỹ đã huy động gần một nửa số máy bay chiến lược B52 (193/400 chiếc) với 663 lần xuất kích; Một phần ba số máy bay chiến thuật (1.077/3.041 chiếc) với 3.920 lần xuất kích, cùng nhiều lực lượng, phương tiện, vũ khí khác.
Kiên cường chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ. Tổng số 81 máy bay Mỹ trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111A, 21 chiếc F4C-E... đã tan xác trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng...; Hàng trăm giặc lái bị tiêu diệt cùng máy bay hoặc bị bắt sống.
Dư luận phương Tây gọi chiến thắng này là trận “Điện Biên Phủ trên không”. Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, bắn rơi tại chỗ số lượng nhiều nhất máy bay B52, tạo sự bất ngờ lớn và nỗi kinh hoàng cho phía Mỹ.
Chiến thắng này đã buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc; Đồng thời cổ vũ mạnh mẽ phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, đẩy lùi “tâm lí sợ hãi” về cái gọi là “sức mạnh khủng khiếp của không quân chiến lược Mỹ”.
Chiến thắng cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam, đặc biệt nghệ thuật chiến dịch phòng không như: Phán đoán chính xác âm mưu, thủ đoạn tập kích của không quân địch, sớm có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, mở màn chiến dịch chủ động; Quán triệt yêu cầu chiến lược, nêu cao quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ; Xác định đúng đối tượng tác chiến, chỉ đạo chiến thuật linh hoạt, sáng tạo; Sử dụng lực lượng phù hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp các binh chủng, từng binh chủng; Chỉ huy tập trung, thống nhất, bảo đảm tác chiến hiệp đồng chặt chẽ.
Trong đó, bài học trước hết là sự chủ động về chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự đoán: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị”.
Thực hiện lời dạy của Người, Quân chủng Phòng không - Không quân đã cùng quân, dân miền Bắc tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đối phó với địch: Từ chuẩn bị yếu tố chính trị - tinh thần, vũ khí, trang bị đến tiếp tục nghiên cứu cách đánh và xây dựng thế trận, lực lượng phòng không… Bên cạnh đó, chủ động xây dựng bản lĩnh chính trị, tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho quân và dân cả nước.
Khi đến thăm Bộ đội Phòng không - Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, có quyết tâm thì làm gì cũng được”, “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B57, B52, hay "bê" gì đi chăng nữa ta cũng đánh” và “Ta phải có lòng tin sắt đá ở Đảng. Đảng đã nói: "Nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" là nhất định thắng".
Với ý chí, quyết tâm đó, quân và dân miền Bắc đã kiên cường vượt qua mọi thử thách ác liệt, chủ động, sáng tạo trong cải tiến vũ khí đánh B.52, sẵn sàng cho cuộc chiến đấu mất còn với địch. Toàn dân tham gia bắn máy bay, làm giao thông vận tải, cứu thương, tải đạn, cung cấp sức người, sức của cho cuộc đọ sức có một không hai trong lịch sử kháng chiến của dân tộc...
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra Khu thu dung điều trị F0 tại quận Hoàng Mai |
... tới cuộc chiến với “giặc” COVID-19
Trở lại những ngày tháng 12 của thực tại, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang trải qua cuộc chiến cam go với dịch COVID-19 - một đối thủ vô hình nhưng có sức ám ảnh không kém gì quái vật B52 năm xưa.
Xuyên suốt các đợt chống dịch, Hà Nội đã có sự chỉ đạo thống nhất từ Thành ủy đến Ban Chỉ đạo, Sở Chỉ huy và đến các địa phương trên tinh thần thực hiện chủ trương chung nhưng linh hoạt để phù hợp với từng địa bàn. Trong đó, thành phố huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đặc biệt là sự ủng hộ, đồng lòng, tự giác của Nhân dân.
Thực tế triển khai cho thấy, nơi nào nhân dân cùng vào cuộc thì hiệu quả sẽ rất cao, kể cả khi giãn cách xã hội và khi nới lỏng thực hiện theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hà Nội cũng luôn chuẩn bị kế hoạch cao hơn, với phương án có 40 nghìn ca F0 và đã chuẩn bị các điều kiện cách ly, thu dung, điều trị F0 thể nhẹ cũng như các bệnh viện phân tầng 2, 3 và các điều kiện về nhân lực, vật tư y tế, nguồn oxy, trang thiết bị máy móc, luôn sớm hơn, cao hơn một bước so với diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Đặc biệt, lãnh đạo thành phố thống nhất không cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lắng nghe để điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn. Quan điểm này không chỉ được áp dụng trong thời gian giãn cách, mà cả khi nới lỏng hay hết giãn cách hoàn toàn.
Trong những ngày này, số ca mắc COVID-19 của Hà Nội đã vượt mốc 1.000 ca/ ngày, cao nhất từ khi dịch bệnh này xuất hiện tại Hà Nội. Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo tập trung tối đa cho tuyến cơ sở để phòng, chống dịch; Đặt y tế cơ sở là trọng tâm để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID- 19 theo Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ.
Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo phân cấp, giao quyền rõ ràng cho các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch; Cụ thể là xác định cấp độ và triển khai các biện pháp áp dụng tương ứng trên địa bàn.
Từng phường, xã, thị trấn phải có phương án cụ thể để chuẩn bị cơ sở vật chất và nhân lực tương ứng với số lượng trạm y tế lưu động, sẵn sàng triển khai khi số ca F0 tăng mạnh. Các quận, huyện, thị xã thực hiện các biện pháp theo Nghị quyết số 128-NQ/CP của Chính phủ bảo đảm linh hoạt theo diễn biến của dịch và từng địa bàn cụ thể.
Nhìn lại quá trình chống dịch cùng những chỉ đạo điều hành của TP Hà Nội có thể thấy, nhiều chiến thuật quân sự chắt lọc từ lịch sử hào hùng của dân tộc đã được Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vận dụng sáng tạo, linh hoạt vào thực tiễn. Thực tế kết quả chống dịch COVID-19 đã gián tiếp khẳng định, những bài học kinh nghiệm của cha ông năm xưa vẫn mãi luôn là nguồn kiến thức quý giá để thế hệ sau khai thác, đưa Thủ đô, đất nước vượt qua thách thức, khó khăn...