Hà Nội: Điểm sáng trong thực hiện an sinh xã hội

Hà Nội đã trích ngân sách hơn 5,6 tỷ đồng ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội để người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,5% dân số…
Hà Nội: Bắt người đàn ông "bắt cóc" vợ cũ đánh đập gần 1 ngày Mời bạn đọc hiến kế cho Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội Nâng cao kiến thức phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho học sinh Thủ đô

Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo

Ngày 16/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội đồng Lý luận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức hội thảo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI về một số vấn đề liên quan chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020.

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng khẳng định, xây dựng hệ thống các chính sách xã hội toàn diện bao trùm, phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm. TP coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Hà Nội: Điểm sáng trong thực hiện an sinh xã hội
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo

Theo đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành, thực hiện hiệu quả Chương trình 08/CTr-TU ngày 17/3/2021 về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” thời gian qua.

Thành phố đã trích ngân sách hơn 5,6 tỷ đồng ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội để người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90,5% dân số. Thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, thành phố ban hành chuẩn nghèo riêng, cao 1,6 lần so với chuẩn nghèo quốc gia. Cuối năm 2021, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo là 0,04%.

Thành phố hiện có gần 800.000 người có công và thân nhân người có công với cách mạng, trong đó có gần 84.000 người hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, với tổng kinh phí chi trả hơn 152 tỷ đồng/tháng. Chính sách người có công được quan tâm đặc biệt, đời sống người có công không ngừng được nâng cao; Phụng dưỡng thường xuyên 104 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời theo quy định cho trên 200.000 đối tượng bảo trợ xã hội, nâng mức chuẩn trợ cấp của thành phố lên 440.000 đồng, mở rộng các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn của thành phố...

Đặc biệt, thời gian qua, thành phố đã tập trung các nguồn lực, triển khai các giải pháp quyết liệt, hiệu quả để phòng chống dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn. Thường trực HĐND thành phố đã ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp, người lao động, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em... gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tổng nguồn lực ngân sách dành cho việc thực hiện các chính sách đặc thù của trong năm 2021 của thành phố là hơn 10.640,4 tỷ đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch là 6.527,9 tỷ đồng.

Hà Nội: Điểm sáng trong thực hiện an sinh xã hội
Quang cảnh hội thảo

Quan tâm hơn nữa lực lượng lao động phi chính thức

Tại hội thảo, các chuyên gia đã khuyến nghị một số giải pháp triển khai hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.

Quyền đại diện ILO tại Việt Nam Gulmira Asanbaeva cho rằng, cần quan tâm tới những người đang nằm ở khoảng giữa của bảo hiểm xã hội và trợ cấp xã hội, lao động khu vực phi chính thức, dễ bị tổn thương; Tăng cường sự liên kết giữa chính sách an sinh xã hội và các lĩnh vực có liên quan như chính sách việc làm và phát triển kinh tế, nhằm bảo đảm mục tiêu bao phủ an sinh xã hội toàn dân; Cải cách an sinh xã hội cần đi đôi với đầu tư đáng kể cho an sinh xã hội, tạo động lực chính phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch...

Các đại biểu đã nêu một số giải pháp phát triển chính sách xã hội giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến 2045, trong đó nhấn mạnh giai đoạn mới cần tiếp tục coi chính sách trợ giúp xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững vẫn là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội, nhân văn sâu sắc.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm thực hiện những chính sách và giải pháp giảm nghèo đặc thù cho những vùng khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Huy động sự trợ giúp của toàn xã hội, động viên, hỗ trợ, người nghèo, vùng nghèo nâng cao năng lực nội sinh nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.

Diệu Linh
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động