Hà Nội đề xuất được nâng tầng, xây hầm ở trường học để khai thác quỹ đất hiệu quả
Hà Nội: Xử lý 19 trường hợp vi phạm giao thông từ tin báo của người dân qua zalo 78 năm vinh quang Công an Thủ đô Ra quân kiểm soát thị trường bánh Trung thu |
Chiều 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành.
Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Đồng chí Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an; Đồng chí Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Đồng chí Bùi Quang Huy, Bí thư Thứ nhất BCH Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Sỹ Hiệp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu Trung ương tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội; Các điểm cầu địa phương đặt tại 63 tỉnh/thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trình bày tham luận |
Tham luận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 tại điểm cầu của Hà Nội, đồng chí Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước. Được sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo hướng dẫn sâu sát của Bộ GD&ĐT và bộ, ngành Trung ương, công tác giáo dục của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Năm học 2022-2023, toàn thành phố có 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với hơn 2,2 triệu học sinh.
Công tác giáo dục và đào tạo luôn được Thành ủy, UBND thành phố quan tâm, tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực. Năm học 2022 - 2023, HĐND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết về giáo dục và đào tạo, trong đó có những cơ chế, chính sách mới như ban hành nghị quyết về giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước; Xây dựng nghị quyết quy định hỗ trợ nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú…
Thành phố cũng đã trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết chuyên đề về đầu tư công đối với lĩnh vực giáo dục, trong đó, giai đoạn 2021-2025, bố trí hơn 30.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 653 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các trường học… để phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của thành phố đạt 80 - 85%...
Chất lượng giáo dục đại trà được quan tâm, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên trong cả nước được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Năm học vừa qua, học sinh Thủ đô đã đạt 8 giải quốc tế, 141 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia…
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các trường của quận nội thành với các trường của huyện ngoại thành, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa, thành phố đã triển khai phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”…
Công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong học sinh có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng học sinh được kết nạp Đảng năm học 2022-2023 tại các trường thuộc Sở là 60 học sinh, tăng hơn 2 lần so với tổng số học sinh được kết nạp trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2022.
Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục và đào tạo, thành phố Hà Nội đề nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh quy định về số lượng cấp phó của các cơ sở giáo dục tại Nghị định số 120/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu và trình Thủ tướng sớm triển khai về việc số hóa sách giáo khoa; Quan tâm, có chế độ chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý, công chức công tác trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo để thực hiện chủ trương tại Nghị quyết 29-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, cụ thể là: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, hiện nay, thành phố Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50 - 60 nghìn học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 - 40 trường học. Tuy nhiên, một số địa phương, đặc biệt là các quận nội thành hạn chế về quỹ đất. Thành phố Hà Nội đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng đối với các khối xây dựng; Xây dựng tầng hầm trong trường học ở các quận nội thành để sử dụng quỹ đất hiệu quả.