Hà Nội đang tiến tới "siêu đô thị" lớn
Hà Nội kiến nghị xây dựng sân bay thứ hai Hà Nội cần xác định mô hình kinh tế tiêu biểu để đóng góp vào sự tăng trưởng của cả nước |
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, những năm qua Hà Nội phát triển rất mạnh, bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại so với 5-7 năm trước đây.
Hà Nội ngày càng khẳng định là động lực cho phát triển kinh tế đất nước, là hạt nhân thúc đẩy phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho cả vùng phía bắc.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Hà Nội hiện nay đang đứng trước nhiều cơ hội, tuy nhiên cơ hội nhiều thì thách thức cũng nhiều.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: VGP. |
Thách thức lớn nhất là xu hướng tập trung hóa đô thị đang diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển và Hà Nội là trung tâm nên càng đầu tư nhiều, càng hấp dẫn và càng hấp dẫn thì áp lực càng lớn, nhất là vấn đề liên quan đến ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...
Đồng tình với kiến nghị của Hà Nội, nhất là kiến nghị liên quan đến điều chỉnh quy hoạch tổng thể Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều chỉnh quy hoạch phải gắn với Vùng Thủ đô để phát triển đô thị vệ tinh hấp dẫn.
Để điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, Hà Nội cần cấu trúc lại, lấy trục sông Hồng để phát triển.
Cụ thể, Hà Nội cần phát triển cân đối hai bên trục sông Hồng và phát triển phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.
"Hà Nội cần phát triển đô thị nén phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, tạo ra trung tâm tài chính như Phố Đông của Thượng Hải, lấy trục sông Hồng là trục xanh làm trung tâm phát triển", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trên cơ sở các tính toán đưa ra, Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội thực hiện 4 vấn đề.
Thứ nhất, tập trung đầu tư hạ tầng; thứ hai, phát triển các khu đô thị mới để vừa tạo động lực vừa giãn dân; thứ ba là phát triển nhà ở xã hội và thứ tư là tập trung cải tạo chung cư cũ.
Về nguồn vốn, Hà Nội cần xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn và Trung ương sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội các nguồn vốn để phát triển.