Hà Nội cần xác định mô hình kinh tế tiêu biểu để đóng góp vào sự tăng trưởng của cả nước
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của TP Hà Nội chiều nay (28/3)
Xây dựng Hà Nội thành nơi đáng sống
Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, Hà Nội có bước phát triển khá toàn diện. Diện mạo Thủ đô thay đổi nhanh. Môi trường đầu tư được cải thiện, câu “Hà Nội không vội được đâu” đã ít được nhắc tới.
Riêng về tình hình 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội quý I đạt 5,17%, cao hơn mức bình quân cả nước. Hà Nội thực hiện khá hiệu quả “mục tiêu kép”, đặc biệt, Thủ tướng cho biết, Chính phủ hoan nghênh phong trào mới “Vì một Hà Nội đáng sống”.
“Tôi được biết các đồng chí đang rất quyết tâm, ra sức khắc phục, xử lý những hạn chế đó như về việc tạo các đột phá lớn và tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố; Về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chủ lực, mũi nhọn của Thủ đô; Về bảo tồn, khai thác, phát huy vai trò của văn hóa; Về phát triển nhanh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo... Có thể nói là rất đầy đủ”- Thủ tướng nói.
Nhấn mạnh một số tồn tại trong công tác quy hoạch, quản lý đô thị và nhắc lại lời căn dặn của Bác Hồ: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta, thế giới trông về Thủ đô ta, nên Thủ đô ta phải phấn đấu để trở thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”, Thủ tướng lưu ý phát triển Hà Nội là thành phố giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, thông minh và hội nhập; Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa Việt Nam hài hòa với những giá trị văn hóa nhân loại tiến bộ, là một thành phố đáng sống…
Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Nhất trí quan điểm phát triển đối với Hà Nội là “xanh, sạch, bảo tồn và kỷ cương”, Thủ tướng cho rằng, cần xây dựng thành phố năng động và hội nhập, thành phố kiến tạo phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi, môi trường sống hướng đến các tiêu chuẩn OECD
Thời gian tới, Hà Nội cần tập trung và huy động của cả hệ thống chính trị và Nhân dân để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII; Đi đầu thực hiện Nghị quyết 01, 02 năm 2021 của Chính phủ; Chuẩn bị tốt các công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; Tiên phong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống, dịch vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống Nhân dân.
Đồng thời, Hà Nội cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Hà Nội cũng cần đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; Tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số.
Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cho ý kiến chỉ đạo đối với các kiến nghị của Hà Nội trên tinh thần tạo mọi điều kiện cho Thủ đô phát triển. Về việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thủ tướng cho biết sẽ sớm có Nghị định về vấn đề này để thành phố triển khai thực hiện.
Hà Nội cần cấu trúc lại, lấy trục sông Hồng để phát triển
Trước đó, các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc đều nhìn nhận bộ mặt đô thị Hà Nội có sự thay đổi nhanh chóng theo hướng văn minh, hiện đại. Hà Nội khẳng định là một động lực phát triển quan trọng đối với đất nước. Quy mô thu ngân sách của Hà Nội lớn thứ 2 cả nước. Việc phân cấp mạnh mẽ cho thành phố là đúng đắn.
Tuy nhiên, Hà Nội đối diện thách thức là xu hướng “tập trung hóa” đô thị bởi càng đầu tư nhiều, càng hấp dẫn thì số người đổ về Hà Nội càng nhiều. Cứ 5 năm thì dân số Hà Nội lại tăng 1 triệu người. Đây là áp lực rất lớn đối với Hà Nội, nhất là về ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí. Một số ý kiến đồng tình việc phát triển các tuyến vành đai, mở rộng kết nối vùng Thủ đô. Tổng vốn đầu tư vào Hà Nội chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước, do đó, đầu tư vào Hà Nội mà hiệu quả thì cả nước được nhờ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định Hà Nội đang tiến tới siêu đô thị lớn. Thành phố đang đứng trước nhiều cơ hội, tuy nhiên cơ hội nhiều thì thách thức cũng nhiều. Thách thức lớn nhất là xu hướng tập trung hóa đô thị đang diễn ra mạnh mẽ ở các quốc gia phát triển và Hà Nội là trung tâm nên càng đầu tư nhiều, càng hấp dẫn áp lực càng lớn...
Đồng tình với kiến nghị của Hà Nội, nhất là kiến nghị liên quan đến điều chỉnh quy hoạch tổng thể Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điều chỉnh quy hoạch phải gắn với vùng Thủ đô để phát triển đô thị vệ tinh hấp dẫn.
Để điều chỉnh quy hoạch Thủ đô, Hà Nội cần cấu trúc lại, lấy trục sông Hồng để phát triển. Cụ thể cần phát triển cân đối hai bên trục và phát triển phía bắc sông Hồng thành đô thị hiện đại, đồng bộ hạ tầng để trở thành động lực phát triển.
Phó Thủ tướng đề nghị Hà Nội thực hiện 4 vấn đề gồm: Đầu tư hạ tầng; Phát triển các khu đô thị mới để vừa tạo động lực vừa giãn dân; pPhát triển nhà ở xã hội và tập trung cải tạo chung cư cũ.
Về nguồn vốn, Hà Nội cần xây dựng kế hoạch trung hạn, dài hạn và Trung ương sẵn sàng hỗ trợ cho Hà Nội các nguồn vốn để phát triển.
Sẽ sớm trình Chính phủ điều chỉnh quy hoạch Thủ đô
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ nêu 3 vấn đề lớn đề nghị Trung ương, các bộ, ngành quan tâm.
Cụ thể, liên quan đến quy hoạch, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, quy hoạch hai bên sông Hồng, sông Đuống đã được thành phố lập dự thảo xong, hiện đang chờ các ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Trong quá trình lập quy hoạch, thành phố đã tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn, chỉ đạo của các cơ quan Trung ương. Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị Chính phủ quan tâm để trong tháng 6/2021 có thể ban hành quy hoạch này, như vậy sẽ phủ kín được 100% quy hoạch ở Thủ đô. Thành phố sẽ sớm trình Thủ tướng dự thảo liên quan điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Ngoài ra, trong năm 2021, theo chương trình công tác của Bộ Chính trị, Hà Nội sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thủ đô. Hà Nội cũng sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Luật Thủ đô để trình Trung ương, Chính phủ xem xét, cho phép Hà Nội bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô để tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển.
Bí thư Thành ủy Hà Nội mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các bộ, ngành cùng phối hợp với Hà Nội để thực hiện các nội dung này.