Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh
Mô hình thành phố thông minh của Viettel được công nhận là hiệu quả và sáng tạo nhất thế giới Hà Nội đẩy mạnh xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số |
Sáng 17/12, Thành ủy - UBND TP Hà Nội phối hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại”.
Dẫn đầu cả nước về số lượng các thủ tục hành chính mức độ 3, 4
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết: Là một trong 2 đô thị lớn, đặc biệt của Việt Nam, Hà Nội cũng gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hóa quá nhanh. Do đó, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ TP đã xác định mục tiêu: Đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại” trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng của Thủ đô và những nền tảng mà thành phố đã thiết lập.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội thảo |
Trong những năm qua, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh, sở hữu những cơ hội lớn để phát triển đô thị xanh, bền vững, vận hành hiệu quả bằng công nghệ và hài hòa với môi trường.
Theo đó, thành phố có những bước tiến trong quản lý, tạo nền tảng vững chắc; Phát triển và hoàn thiện chính quyền điện tử, xây dựng chính quyền thông minh thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước; Tạo đột phá trong cải cách hành chính, tăng tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức khi thực hiện thủ tục, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, bất cập.
Năm 2020, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Hà Nội đạt 100%, là địa phương dẫn đầu cả nước. Thành phố đã tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Chính phủ. Hiện TP đang tiếp tục yêu cầu rà soát và đề xuất các thủ tục hành chính đáp ứng đủ yêu cầu điều kiện cung cấp dịch vụ công mức độ 4 đạt tỷ lệ 100% trong năm 2021.
Hà Nội triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, sẵn sàng khai thác các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương từ năm 2020.
Hiện tại, Hà Nội bắt đầu thiết lập một hệ thống công nghệ thông tin theo hướng tổng thể, đồng bộ, thống nhất sử dụng chung trên toàn thành phố; Tập trung ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở sở dữ liệu cốt lõi và chuyên ngành tích hợp thành hệ thống dữ liệu lớn bảo đảm kết nối chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia theo quy định.
Tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết một số vấn đề cấp bách
Cũng theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Hà Nội đã tích cực ứng dụng khoa học, công nghệ vào giải quyết một số vấn đề cấp bách của đô thị, tạo các thành tố vững chắc xây dựng thành phố thông minh, nhất là trong lĩnh vực giao thông (như xử lý vi phạm, phân tích, điều khiển giao thông tự động qua hệ thống camera, quản lý đỗ xe qua ứng dụng iParking, số hoá dữ liệu cấp bằng lái xe…); Trong lĩnh vực y tế (như triển khai phần mềm quản lý hồ sơ người bệnh bằng bệnh án điện tử, quản lý viện phí, quản lý dược, quản lý xét nghiệm, kê đơn thuốc và điều trị ngoại trú, áp dụng mã vạch QR, thẻ từ trong việc xác định người bệnh, triển khai ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử”…); Trong lĩnh vực giáo dục (dạy và học trực tuyến), trong lĩnh vực quản lý thuế và nhiều lĩnh vực khác.
Toàn cảnh hội thảo khoa học Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại” |
Xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong ba trụ cột để xây dựng tương lai xanh, yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững, Hà Nội đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng thông minh tích hợp với các sáng kiến xây dựng đô thị xanh.
Trong lĩnh vực sản xuất, TP đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh trong sản xuất nông nghiệp, từng bước xây dựng một nền nông nghiệp vừa có tính chất đô thị, vừa tiệm cận với công nghệ thông minh, góp phần giảm thiểu những tác hại tiêu cực của quá trình đô thị hóa, ô nhiễm môi trường.
Đến nay, thành phố có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố (phấn đấu đến hết năm 2025, đạt tỷ lệ trên 70%).
Trong công tác bảo vệ môi trường, Hà Nội là một trong những TP đi đầu trong cả nước về thiết lập hệ thống quan trắc chất lượng môi trường đồng bộ, hiện đại, công bố công khai, liên tục dữ liệu quan trắc môi trường tới người dân. Bên cạnh đó, Hà Nội ưu tiên thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải ứng dụng công nghệ hiện đại, đốt rác phát điện giúp giảm tỷ lệ chôn lấp, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa bổ sung năng lượng vào lưới điện quốc gia.
Thực hiện xanh hóa đô thị, Hà Nội ưu tiên phát triển hệ thống cây xanh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Hà Nội đã trồng mới được trên 1,6 triệu cây xanh; Đồng thời, có nhiều mô hình kết nối, huy động hiệu quả người dân vào cuộc trong phát triển đô thị gắn với bảo vệ môi trường, triển khai nhiều “mô hình xanh” như cánh đồng hữu cơ, không thuốc bảo vệ thực vật, đoạn đường nông dân kiểu mẫu…
Còn nhiều hạn chế, thách thức
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cũng đã thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội còn những tồn tại, hạn chế và thách thức. Đó là công tác cải cách hành chính còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô. Nguồn nhân lực chất lượng cao đủ năng lực đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn còn thiếu; Cơ sở vật chất phục vụ giáo dục và đào tạo ở những khu vực mật độ dân số cao, đô thị hóa nhanh còn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài ra, quy mô, mật độ và tốc độ gia tăng dân số đô thị của TP diễn ra nhanh gây ra những áp lực không nhỏ trong giải quyết các vấn đề an sinh xã hội và quản lý quy hoạch, quản lý dân cư, quản lý đất đai. Hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được so với tốc độ đô thị hóa. Nhiều vấn đề đặt ra trong giải quyết ô nhiễm môi trường, từ chất lượng không khí, nước sạch đến kiểm soát và xử lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm làng nghề chưa đạt được mục tiêu đặt ra...
“Đối diện với những hạn chế, thách thức trên, Hà Nội cần có những giải pháp với một mô hình phù hợp, bảo đảm lộ trình đặt ra cho giai đoạn 2021 -2025”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhìn nhận.