Hà Nội báo động tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt

Tình trạng lấn chiếm hành lang đường sắt để kinh doanh trà đá, cà phê, đồ ăn vặt… diễn ra ở nhiều nơi tại Hà Nội, kéo theo lượng người dân địa phương và khách du lịch tới rất đông gây nguy hiểm cho người dân, mất mỹ quan đô thị.
Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm hành lang đường sắt Tai nạn đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, 2 người phụ nữ tử vong
ha noi bao dong tinh trang lan chiem hanh lang duong sat
Lấn chiếm hành lang gây mất trật tự an toàn đường sắt (ảnh Thanh Nga)

Muôn vàn kiểu lấn chiếm

Trong khoảng gần 20km đường sắt chạy qua nội đô Hà Nội, thì có khoảng 10km là chạy xuyên qua các khu dân cư đông đúc, đặc biệt trên các tuyến đường như Giải Phóng, Lê Duẩn, Phùng Hưng…

Chính việc đường sắt nằm sát khu dân cư như vậy, nên vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng lấn chiếm, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Rất nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra do người dân vô tình, hoặc cố ý vi phạm…

Một con số thống kê cho thấy, từ đầu năm 2018 đến nay, có tới hơn 2 ngàn trường hợp vi phạm an toàn đường sắt đã bị lực lượng chức năng xử lý. Những trường hợp vi phạm phổ biến nhất vẫn là cố tình băng qua đường ngang khi có tàu chạy qua, thậm chí có những trường hợp cán bộ gác chắn tàu đã kéo barie chắn đường, nhưng chủ phương tiện vẫn cố tình lách qua...

ha noi bao dong tinh trang lan chiem hanh lang duong sat
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường sắt (ảnh Thanh Nga).

Bên cạnh đó, do tuyến đường sắt nội đô Hà Nội phần lớn nằm trong các khu dân cư đông đúc, việc người dân vi phạm hành lang an toàn là phổ biến. Từ việc mang bếp than ra nấu nướng giữa đường sắt, bắc ghế ra ngồi… hóng mát, trẻ em chơi đùa trong lòng đường sắt, dùng đường sắt làm thanh kê để phục vụ sinh hoạt thường ngày, phơi đồ… Thậm chí là đổ rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng… gây nguy hiểm cho chính những người vi phạm cũng như các chuyến tàu hằng ngày chạy qua đây.

Ghi nhận của PV Tuổi trẻ & Pháp Luật, dọc tuyến đường sắt thuộc địa phận quản lý của 2 phường Khâm Thiên, quận Đống Đa và phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội cho thấy, vị trí này là khu đầu mối có mật độ người và khu vực dân sinh lớn, nhà dân đông đúc sát ngay đường tàu, có những vị trí nhà dân cách đường tàu chỉ từ 1 đến 2 mét không có rào chắn, không biển báo nguy hiểm, sinh hoạt thường ngày của người dân có thể thực hiện ngay tại đường ray tàu.

Cũng tại khu vực này, người dân sinh sống ở 2 bên đường ray tàu còn tự mở lối đi, bày bàn ghế bán nước cho du khách, chiếm dụng hành lang đường sắt làm bãi tập kết vật liệu của các xưởng rèn hoặc tại các đường ngang dân sinh, hoặc tự mở lối đi thậm chí họ tham gia điều khiển phương tiện khi đi qua các điểm có đường ray tàu.

Cần xử lý dứt điểm

Lý giải về nguyên nhân, đại diện Tổng công ty đường sắt Việt Nam - đơn vị quản lý tuyến đường sắt Bắc Nam cho biết, trên tuyến phát hiện 11.126 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; 759 vi phạm kết cấu hạ tầng đường sắt trong ga và 6.251 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.

"Chúng tôi đã phối hợp với Phòng thanh tra an toàn I – Cục đường sắt Việt Nam, đội 1 CSGT ĐS Hà Nội – C08, UBND phường Hàng Bông, Điện Biên thành lập tổ kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất các hộ bán hàng nước, đồ ăn nhanh kê bàn ghế trong phạm vi bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường sắt cho khách du lịch, lập biên bản xử phạt hành chính, yêu cầu các trường hợp vi phạm ký cam kết đảm bảo văn minh đô thị, không lấn chiếm lòng, lề đường vỉa hè, bày bàn ghế trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường sắt. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn tiếp tục diễn ra và ngày càng diễn biến phức tạp hơn."

ha noi bao dong tinh trang lan chiem hanh lang duong sat
Người dân thản nhiên sinh hoạt vô tư trên đường tàu (ảnh Thanh Nga).

Về đất trên hành lang đường sắt, chủ yếu do lịch sử để lại, có nơi chưa đủ điều kiện xây dựng tường rào bảo vệ hoặc các khu đất đường sắt đã có các hộ dân cư sử dụng từ trước khi Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được giao đất.

Đồng thời, do trước đây việc cấp quyền sử dụng đất cho người dân căn cứ theo Nghị định 39/CP nên việc giải tỏa các công trình xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường sắt hầu như không thể thực hiện được; công tác giải phóng tầm nhìn tại các vị trí giao cắt chỉ thực hiện được từ chân nền đường ra 5m còn lại nhà cửa, cây cối nằm trong phần đất đã được cấp sổ đỏ, nếu giải tỏa thì phải có phương án đền bù cho người dân.

Hiện nay một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác đảm bảo trật tự an toàn hành lang đường sắt trên địa bàn quản lý, các địa phương mới chỉ thực sự vào cuộc trong thời gian gần đây, như công tác cảnh giới đảm bảo an toàn giao thông tại các giao cắt; phối hợp rào thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở (dân sinh); giải tỏa vi phạm hành lang an toàn đường sắt.

Được biết, thực trạng vi phạm hành làng an toàn giao thông đường sắt đã diễn ra từ nhiều năm. Lực lượng CSGT Đường sắt, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cùng với chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền đến các hộ dân vi phạm, để nâng cao ý thức tự giác tháo dỡ, trả lại nguyên trạng hành lang đường sắt. Bên cạnh đó, tuần tra, kiểm soát thường xuyên ở khu vực đường ngang; tổ chức cưỡng chế, giải tỏa quán cóc, tháo dỡ mái bạt, mái hiên tạm vi phạm. Đồng thời, xử phạt hành chính và yêu cầu các hộ vi phạm ký cam kết không tái lấn chiếm hành lang đường sắt. Tuy nhiên, do mức xử phạt hành chính chưa đủ sức răn đe, lực lượng chức năng mỏng, ý thức người dân chưa cao dẫn đến việc giải tỏa hành lang đường sắt mãi như “bắt cóc bỏ đĩa”.

Với 160km đường sắt đi qua, trong đó nhiều đoạn xuyên tâm thành phố, qua các khu vực đông dân cư, Hà Nội đang được đánh giá là địa phương có tình hình vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt phức tạp nhất cả nước. Thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho thấy, đến năm 2018, thành phố Hà Nội tồn tại gần 1.200 điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Nếu tình trạng vi phạm cứ tiếp tục diễn biến phức tạp thì các vụ TNGT sẽ tiếp tục gia tăng. Ngoài ý thức chấp hành của người dân, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và triệt để hơn nữa của cơ quan chức năng trong việc trả lại hành lang an toàn, không gian hoạt động đúng quy định cho các chuyến tàu, cũng là để giảm thiểu TNGT đáng tiếc có thể xảy ra.

Duy Tân - Kiều Vân
Phiên bản di động