Giới trẻ sáng tạo kích cầu “giải cứu” nông sản từ vùng dịch
Niềm vui giữa mùa dịch
Trên các con phố Hà Nội, nhiều tấm bảng được dưng lên ở các điểm bán với mục đích kêu gọi chung tay tiêu thụ nông sản bị ùn ứ do dịch Covid-19. Nhiều khẩu hiệu được các bạn trẻ đưa ra đong đầy cả những tấm chân tình gửi tới người nông dân vùng dịch.
Tấm biển trên đường Dương Đình Nghệ, đối điện tòa nhà Keangnam có lời kêu gọi: “Hướng về Hải Dương, mỗi củ su hào là một nghĩa cử đồng bào”. Còn tại điểm bán của Đoàn Thanh niên phường Khương Đình (Quận Thanh Xuân, Hà Nội) có câu: “Gian hàng nông sản 0 đồng, giải cứu nông sản giúp bà con tỉnh Hải Dương”.
Nhiều gian hàng nông sản được các bạn trẻ dựng lên với tâm tình hướng về tỉnh Hải Dương |
Nhiều tấn hàng nông sản đã qua kiểm dịch được vận chuyển từ Hải Dương lên Hà Nội tiêu thụ. Các bạn trẻ không quản ngại những ngày Hà Nội mưa gió, thức khuya dậy sớm ngồi tỉa gọt, xếp thành từng túi sẵn sàng bán cho người dân.
Nguyễn Đức Anh, Đoàn viên phường Khương Đình, cũng là thành viên tại điểm bán hàng cho biết: “Với tinh thần tương thân tương ái, Đoàn phường đã liên kết với trường mầm non trên địa bàn thu gom hàng chục tấn su hào, bắp cải, cà rốt… tiêu thị giúp bà con vùng dịch”.
Đặc biệt, khi biết tin Đoàn phường tổ chức tiêu thụ nông sản giúp nông dân, các bạn trẻ trong phường ai ai cũng hăng hái tình nguyện tham gia, còn người đến mua thì ai cũng vui vẻ và mua nhiều hơn so với nhu cầu.
"Đây là hành động nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa. Nó phần nào nhân lên tinh thần đoàn kết, sẻ chia của người Việt trong mỗi bạn trẻ hôm nay. Mặt khác, các bạn trẻ sẽ cảm nhận được niềm vui của việc sẻ chia trong cuộc sống", Đức Anh chia sẻ thêm.
Các gian hàng thu hút đông đảo người tới mua, đặc biệt là các bạn trẻ |
Không chỉ tại phường Khương Đình, nhiều người đi ngang đường Lê Duẩn, Giải Phóng (Hà Nội) đều dừng lại trước tấm bảng “Gian hàng nông sản 0 đồng, ủng hộ tùy tâm” để giúp đỡ nông dân vùng dịch vượt qua khó khăn. Đây là ý tưởng của chị Đỗ Hồng Quyên, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội kêu gọi trên mạng xã hội, sau đó nhận được sự hưởng ứng, giúp sức của rất nhiều bạn trẻ.
Cầm trên tay củ su hào xanh non, cây bắp cải còn tươi rói, cô Lê Thị Như (62 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Nhìn các bạn trẻ hăng say, nhiệt tình với hành động thiện nguyện này tôi mừng lắm. Chúng ta hãy cùng nhau ủng hộ, chung một tấm lòng giúp đồng bào mình vượt qua khó khăn, chiến thắng bệnh dịch”.
Ngồi nghỉ sau khi đã vãn khách mua, chị Đồ Hồng Quyên cho hay: “Mấy ngày đầu số lượng bán ra được nhiều lắm, nhưng vài ngày nay số lượng bắt đầu bão hòa do tủ lạnh của mỗi nhà không có đủ chỗ để bảo quản, mua nhiều về hỏng bỏ đi cũng phí. Với tinh thần hỗ trợ bà con vùng dịch, nhóm tôi sẽ làm hết mình”.
Bài toán được giải
Đứng trước bài toán tăng số lượng tiêu thị nông sản cho bà con vùng dịch tỉnh Hải Dương nhưng vẫn có thể bảo quản và sử dụng trong thời gian dài, nhiều bạn trẻ đã chia sẻ nhau công thức chế biến các món ăn mới lạ từ nông sản được giải cứu.
Nguyễn Thanh Ngà, đoàn viên phường Thịnh Liệt đang chăm chú làm theo công thức món kimchi chia sẻ: “Chung tay giúp đỡ bà con nông dân mình đã mua 10 cây bắp cải, cả nhà ăn mãi không hết mà tủ lạnh lại không có chỗ nên mình học cách làm kimchi để cả nhà đổi khẩu vị mà lại bảo quản được lâu”.
Những món ăn hấp dẫn được chế biến từ nông sản của tỉnh Hải Dương |
Su hào, cà rốt mình cũng đem chế biến thành món nộm su hào tai heo, ăn lạ miệng nên ai cũng tấm tắc khen, Thanh Ngà nói thêm.
Chuẩn bị đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, anh Đinh Công Hiếu (Ba Đình, Hà Nội) cũng đang học làm món hoa quả sấy để tặng vợ và cô con gái. “Một công đôi việc, vừa giúp bà con tiêu thụ nông sản, mà lại vừa có quà từ chính tay mình làm để tặng vợ, ý nghĩa quá còn gì. Ban đầu tưởng khó nhưng học theo công thức các bạn trẻ chia sẻ trên mạng rồi cho vào lò nướng hoặc lò vi sóng tầm 20 phút là được một mẻ”, anh Hiếu vừa cười, vừa nói.
Giống với nhiều người, các bạn trẻ trong nhóm tình nguyện Bước chân xanh cũng đang chế biến nông sản thành các món ăn để có thể bảo quản được dài hạn. Hơn nữa, những món ăn này được chuyển đến tay những bệnh nhân nghèo, những người vô gia cư, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thủ đô.
Những món đồ hand made, sạch sẽ, đảm bảo được làm ra từ nông sản Hải Dương |
Lê Minh Luân, thành viên nhóm tình nguyện chia sẻ: “Giữa mùa dịch, ngoài những bà con nông dân cần sự giúp đỡ từ cộng đồng thì vẫn còn nhiều mảnh đời khó khăn không nhà, không cửa, không người thân cần được quan tâm. Với mục đích sẻ chia là ấm áp, nhóm đã hỗ trợ tiêu thụ nông sản giúp bà con và dùng chính những nông sản sạch đó để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống”.
Các công thức nấu ăn, clip hướng dẫn chế biến rau củ quả có thể bảo quản trong thời gian dài được chia sẻ ngày càng nhiều trên mạng xã hội và trong các hội nhóm phần nào đã nâng cao hiệu quả của việc giải cứu nông sản.