Gió bão mạnh hơn trong tối nay, Chủ tịch Hà Nội kêu gọi dân không ra đường
Hà Nội: Hàng trăm cây xanh, cột điện bị gãy đổ do bão Yagi Công nhân thoát nước làm việc hết công suất ứng trực bão số 3 |
Trước khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
Chủ tịch UBND Thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...
Người đứng đầu chính quyền Thủ đô đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Ảnh minh họa. |
Trong trường hợp cấp bách cần phải ra ngoài đường, người dân cần tránh những khu vực như:
Khu vực lũ: Không bao giờ đến gần khu vực bị lũ. Cũng không được để trẻ em và người lớn tuổi lại gần nước lũ.
Sát lề đường: Đây là khu vực trũng nên khi có mưa thì nước ngập sâu hơn, thậm chí còn gồ ghề và có nhiều nắp cống nên bạn rất dễ bị nước cuốn làm ngã xe. Hãy cứ đi thong thả đi ở khu vực giữa của làn đường và tuyệt đối không "bon chen" lên vỉa hè. Nếu có thể hãy đi theo các vệt xe phía trước và giữ cự li an toàn để dễ xử lí khi gặp tình huống bất ngờ.
Vị trí nằm giữa các tòa nhà cao tầng (đặc biệt là đoạn ngã tư): Đây chính là nơi hút gió, thậm chí tạo thành những cơn gió xoáy khiến bạn không thể giữ vững được tay lái. Những luồng không khí có tốc độ di chuyển chậm cũng có thể đột nhiên tăng tốc khi len lỏi qua các khoảng trống ở giữa những tòa nhà cao tầng (những khoảng trống ở giữa các tòa nhà cao tầng thường lớn hơn những nơi khác).
Dưới gốc cây to: Các phương tiện không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn vì mưa bão, gió giật thường đi kèm hiện tượng sét. Bạn nên nhớ tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Những loại cây dễ đổ là loại cây có rễ chùm như xà cừ, muồng... Cẩn thận với các khu vực có công trường thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn.
Khu vực gần các loại xe cỡ lớn: Khi đi gần các xe cỡ lớn như xe buýt, xe tải, xe chở rác… bạn có thể bị nước bắn lên người làm hạn chế tầm nhìn hoặc nguy hiểm hơn là bị xô ngã (các xe này có thể tạo sóng mạnh ở những đoạn ngập lụt).
Căn cứ vào tình hình thực tế, Công an TP Hà Nội có thể sẽ thực hiện cấm đường trong trường hợp cần thiết; thông báo, cảnh báo đến các tàu thuyền và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên sông nước; sẵn sàng lực lượng, phương tiện trong công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do mưa, bão, lũ gây ra.
Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền cho toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nhận thức rõ mức độ nguy hiểm do bão số 3 gây ra, tập trung kêu gọi, vận động người dân khẩn trương về nơi cư trú an toàn; tránh tư tưởng phó mặc trong công tác phòng, chống bão cho cơ quan chức năng, đặc biệt là tư tưởng chủ quan, lơ là.
Tại cuộc họp báo chiều 7/9, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, đầu giờ chiều 7/9, bão số 3 đã có dấu hiệu suy yếu. Gió tại Bãi Cháy lúc 15h ngày 7/9 đã giảm còn cấp 8.
Dự báo thời gian gió mạnh tại một số địa phương như sau: Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.
Vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng… mưa còn kéo dài hết đêm ngày 7/9 và khoảng đến tầm 4h sáng 8/9 mưa và gió sẽ giảm nên sáng ngày 8/9 là an toàn.
Đối với khu vực sâu hơn một chút như Hà Nội, gió bắt đầu lặng từ 1h sáng ngày 8/9 nhưng mưa có thể kéo dài đến 8-9h sáng 8/9. Trưa 8/9, khu vực thành phố Hà Nội tương đối an toàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội, tính đến 7h ngày 7/9 trên địa bàn có 7 người bị thương vong do cây đổ vì ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi).
Cụ thể, quận Hoàng Mai ghi nhận có 1 người tử vong (Lê Thị Tình, SN 1983) và 1 người bị thương (Hoàng Sỹ Long, SN 1992) do cây đổ; quận Hoàn Kiếm có 3 người bị thương; quận Hai Bà Trưng có 2 người bị thương.
Thiệt hại về tài sản, quận Hà Đông ghi nhận xe ô tô 4 chỗ và 1 xe ô tô khách bị hư hỏng do cây đổ; quận Hai Bà Trưng ghi nhận 1 xe máy hư hỏng do cây đổ. Con số này vẫn giữ nguyên so với báo cáo đến 19h tối 6/9.
Về tình hình cây đổ, cành gãy, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội có 402 cây đổ, cành gãy, trong đó cây đổ là 200 (Hai Bà Trưng 5 cây, Hoàn Kiếm 2 cây, Ba Đình 1 cây, Đống Đa 14 cây, Cầu Giấy 17 cây, Thanh Xuân 16 cây, Long Biên 11 cây, Đại Lộ Thăng Long 14 cây, Hà Đông 3 cây, Hoàng Mai 12 cây, Nam Từ Liêm 5 cây, Bắc Từ Liêm 1 cây, Thanh Trì 21 cây, Ba Vì 3 cây, Đông Anh 5 cây, thị xã Sơn Tây 70 cây) và 202 cành gãy.
Ngoài ra, tại huyện Hoài Đức, một số cột điện bị gãy đổ làm mất điện khoảng 2.517 hộ gia đình. Tương tự, thị xã Sơn Tây có 4 cột điện bị đổ, 3 hộ dân bị tốc mái nhà lợp tôn, 1 chuồng bò bị sập mái. Tại huyện Thanh Trì gãy đổ 1 cột điện, 252 hộ gia đình mất điện (đã được cấp trở lại).