Gìn giữ hương thơm sen An Phú (Mỹ Đức)
Lạc vào thung lũng hoa sen
Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km, An Phú là xã miền núi của huyện Mỹ Đức với gần 70% số dân là đồng bào dân tộc Mường. Nơi đây được bao bọc bởi dãy núi cao ngất, tạo nên địa hình lòng chảo đặc trưng.
Ông Nguyễn Mạnh Ngự, Phó Chủ tịch UBND xã An Phú chia sẻ, do địa hình lòng chảo nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị mất mùa vì úng ngập, nhất là khi lũ rừng đổ về.
Thung lũng sen |
Trong cái khó, lại ló cái khôn, người dân An Phú tận dụng lợi thế đồng trũng chuyển từ trồng lúa sang trồng sen, có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trồng sen vừa có thu nhập vừa không lo ngập úng mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan.
Đầm sen xã An Phú rộng gần 200ha được bao quanh núi đồi, du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng sắc sen hồng trải dài, bạt ngàn.
Bên cạnh đó, các hộ dân còn tự đầu tư cầu tre rải rác trên khắp đồng để du khách trải nghiệm, chụp ảnh với sen. Đến đây, du khách sẽ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp thanh tao, thuần khiết của loài quốc hoa này.
Sen An Phú gây ấn tượng mạnh bởi vẻ đẹp thuần khiết giữ mênh mông núi rừng |
Mùa sen được bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 9 và hoa Sen nở rộ vào tháng 6 đến hết tháng 7. Thời gian ngắm sen lý tưởng nhất là vào buổi sáng, từ 7 giờ đến 8 giờ sáng.
Đây là lúc những đóa hoa sen nở đẹp nhất trong ngày và ngắm sen vào lúc này cũng thú vị hơn bởi không khí buổi sáng trong lành, mát mẻ hòa quện với hương sen ngọt mát, dìu dịu, tinh khiết đến lạ thường, khiến cho du khách cảm thấy say lòng khi đến và nhớ mãi khi ra về.
Là người đầu tiên trồng sen thay lúa, ông Nguyễn Văn Long (thôn Đức Dương, xã An Phú) cho biết: “Lúc đầu, tôi trồng sen vì thấy nó đẹp, dễ ra hoa. Trồng cũng được mấy năm tại ao nhà, tôi mới bắt đầu trồng hoa ra thửa ruộng phía ngoài đền, giờ là người dân đang chung tay trồng sen gần 200ha ngoài đó. Hoa sen trồng đẹp mà hiệu quả kinh tế cao nên dần mọi người cũng chuyển đổi mô hình, thu hút khách đến tham quan, chụp ảnh cũng rất đông”.
Bảo tồn, phát huy thương hiệu "Sen An Phú"
Những năm trước đây, sen An Phú trở thành giải pháp vươn lên làm giàu cho bà con. Bên cạnh các sản phẩm du lịch, người dân địa phương còn có nguồn thu từ nhiều sản phẩm như củ sen, nón sen, trà sen... Thậm chí, huyện Mỹ Đức đã tính đến phương án tổ chức lễ hội sen An Phú.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, vài năm trở lại đây, sen tại An Phú có dấu hiệu tàn lụi. Nhiều diện tích sen sau khi trồng hoặc sau khi mọc lại của vụ mới có hiện tượng chết và tàn lụi dần, đặc biệt sau các trận mưa lớn.
Theo Phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức, bệnh lạ này đang là nỗi lo của rất nhiều người hộ dân trồng sen tại Mỹ Đức và trong nhiều năm qua một số diện tích người dân đã phải phá đi trồng lại nhưng bệnh vẫn không giảm.
Các đầm sen xã An Phú thu hút khách du lịch |
Hệ luỵ, từ diện tích 200ha, sen An Phú hiện nay chỉ còn trồng trên diện tích 100ha. Một số hộ dân bỏ sen, quay lại với cây lúa.
Để giải quyết tình trạng này, huyện Mỹ Đức đã mời một số chuyên gia từ Học viện Nông nghiệp. Qua khảo sát tại các đầm sen, PGS.TS. Hà Viết Cường (Bộ môn Bệnh cây) bước đầu đưa ra nhận xét đây rất có thể là bệnh tàn lụi ở cây sen, các triệu chứng bệnh rất giống với bệnh tàn lụi sen ở Thừa Thiên Huế.
Trên cơ sở nhận định ban đầu, nhóm chuyên gia đã tư vấn một số giải pháp trước mắt để hạn chế bệnh lan rộng và gây hại cho các hộ trồng sen tại xã An Phú như: Thu gom và tiêu huỷ nguồn gây bệnh bằng phương pháp thủ công cơ giới; Bón phân cân đối…
Trên cơ sở kết quả khảo sát, phân tích sơ bộ nguyên nhân gây bệnh hai bên nhất trí việc cần thiết phải có những nghiên cứu sâu hơn về nguyên nhân gây bệnh, biện pháp phòng trừ, và những kỹ thuật canh tác bền vững khác để duy trì và khôi phục lại vùng trồng sen truyền thống của huyện Mỹ Đức nói chung và xã An Phú nói riêng.