Giáo viên mong mỏi giữ lại phụ cấp thâm niên
Từ việc cô giáo Ngữ Văn bị xúc phạm trên mạng, nghĩ về truyền thống tôn sư trọng đạo Giáo viên và học sinh "vào guồng" ôn thi tốt nghiệp Động lực nào để cô giáo mầm non gắn bó với nghề? |
Cắt bỏ phụ cấp là nỗi buồn lớn
Theo Điều 4 Nghị định 77/2021/NĐ-CP, nhà giáo tham gia giảng dạy và có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên thì sẽ được tính phụ cấp thâm niên là 5% trên mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung.
Bắt đầu từ năm thứ 6 trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%. Nghĩa là giáo viên đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng trong năm thì mức phụ cấp thâm niên là 6%, năm thứ 7 sẽ là 7%. Các năm tiếp theo tương tự như vậy cứ đóng bảo hiểm xã hội đủ 12 tháng được tính thêm 1%.
Khoản phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Đồng nghĩa, giáo viên càng có nhiều năm trong nghề càng có mức phụ cấp thâm niên cao.
Tuy nhiên, trong đợt cải cách tiền lương thực thi ngày 1/7 tới đây, bên cạnh việc tiến hành thiết kế cơ cấu tiền lương mới, sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên. Việc bãi bỏ này khiến nhiều giáo viên hụt hẫng, tiếc nuối.
Giáo viên và học sinh trường Mầm non Hoa Đào trong một tiết học |
Với 36 năm gắn bó với nghề “trồng người”, cô giáo Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Đào (quận Ba Đình, Hà Nội) cảm thấy lo lắng và buồn khi biết thông tin giáo viên sẽ không được hưởng chế độ thâm niên.
Cô Nguyễn Thị Minh Nguyệt nói: “Với mỗi giáo viên, khoản phụ cấp thâm niên chính là sự ghi nhận với một nghề đào tạo con người”.
Theo cô, không phải vô cớ nhiều giáo viên lại bỏ việc hoặc tìm cách về hưu trước tuổi trong suốt thời gian dài như vậy nếu không bởi chế độ cho giáo viên quá thấp, áp lực thì lại ngày càng cao. Nhất là đối với giáo viên mầm non, họ luôn phải làm việc từ 10-12h/ngày.
“Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên đã rất khó rồi. Nếu chế độ thâm niên không còn thì khó hy vọng có nhiều người muốn vào nghề và cống hiến lâu dài”, cô Nguyệt chia sẻ.
Hy vọng có chính sách đãi ngộ phù hợp
Theo ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), hiện nay, các cơ quan chức năng đang thực hiện việc xây dựng chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Trong đó, thiết kế cơ cấu tiền lương mới bao gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp ưu đãi theo nghề (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương).
Như vậy từ ngày 1/7, ngoài tiền lương cơ bản, các thầy cô được hưởng thêm phụ cấp ưu đãi theo nghề, chiếm khoảng 30% tổng tiền lương.
Mức phụ cấp theo nghề của nhà giáo là cao nhất, đặc biệt, lương mới của giáo viên sau cải cách chắc chắn cao hơn mức lương hiện hưởng.
Việc tăng lương sẽ giúp đời sống của giáo viên được nâng cao, giúp giữ chân các thầy cô ở lại với nghề. Tuy nhiên, nhiều giáo viên đều mong muốn giữ nguyên phụ cấp thâm niên, bởi, đây sẽ là động lực để giữ chân giáo viên trẻ tiếp tục cố gắng tiếp tục và bám trụ với nghề.
Theo cô Giang, giáo viên nên được trả thâm niên để có thể gắn bó hơn nữa trách nhiệm của nhà giáo trong việc giảng dạy lâu năm |
Trên cương vị của một giáo viên đã có 30 năm gắn bó với nghề, cô giáo Tiêu Thị Hương Giang - Giáo viên Trường THCS Quang Trung, tỉnh Hải Dương) đã chỉ ra một số vấn đề.
Theo chia sẻ của cô Giang, việc cắt bỏ phụ cấp thâm niên sẽ gây cảm giác hẫng hụt với những giáo viên có thâm niên trong nghề. Cùng với đó, điều này sẽ không thực sự công bằng với những người tâm huyết, gắn bó với nghề. Bởi, khi cán bộ công nhân viên ở bất cứ ngành nghề nào gắn bó với nghề lâu năm thì cũng nên động viên họ bằng tiền thâm niên.
Ông cha ta đã dạy: "Thầy giáo già, con hát trẻ", đặc thù của nghề giáo là kinh nghiệm. Một sinh viên có tốt nghiệp bằng giỏi ra trường cũng cần phải mất vài năm công tác để làm quen với nghề, yêu nghề, có kinh nghiệm trong việc dạy dỗ. Vì vậy, nên có thâm niên để gắn bó hơn nữa trách nhiệm của giáo viên giảng dạy lâu năm. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay rất nhiều giáo viên muốn nghỉ hưu trước tuổi, mặc dù chuyên môn của họ rất tốt.
Theo cô Hương, việc thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí việc làm là đúng, nhưng sẽ không công bằng với nhiều giáo viên chỉ say mê với việc giảng dạy, không có nhu cầu nắm giữ bất cứ một vị trí nào trong nhà trường. Hơn nữa, khi xét thăng hạng, Nhà nước khống chế tỷ lệ phần trăm quá thấp, nhiều giáo viên rất xứng đáng nhưng cũng không được thăng hạng. Do vậy, khi cắt thâm niên đi rồi, họ càng thiệt thòi hơn.
“Chính sách tiền lương của Nhà nước như thế nào, người giáo viên cũng đều phải chấp nhận, vì cũng như tôi, họ đã chọn nghề là chấp nhận chính sách của nghề. Chỉ mong Nhà nước nhìn nhận và quan tâm đến đội ngũ đã gắn bó với ngành giáo dục từ những ngày lương ba cọc ba đồng để họ đỡ đi phần thiệt thòi”, cô Hương giãi bày.
Cách tính lương giáo viên trước khi cải cách tiền lương từ 1/7/2024 Lương của giáo viên các cấp trước khi cải cách tiền lương từ 01/7/2024 được tính theo công thức: Lương giáo viên = Mức lương cơ sở x Hệ số lương + Các loại phụ cấp được hưởng - Mức đóng các loại bảo hiểm. Trong đó, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Hệ số lương của giáo viên được quy định cụ thể tại 04 Thông tư của Bộ GD&ĐT 01, 02, 03, 04 năm 2021 và được sửa đổi bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT. Cách tính lương giáo viên từ 1/7/2024 sau khi cải cách tiền lương Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nội dung liên quan đến cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 từ ngày 1/7/2024. Khi thực hiện cải cách tiền lương đối với giáo viên từ 1/7/2024, sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới. Do đó, giáo viên sẽ được thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản và các khoản phụ cấp. Trong đó, lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương); các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Nghĩa là lương giáo viên = Lương cơ bản (70%) + Phụ cấp (30%) (nếu có) Đồng thời theo Nghị quyết 27 thì bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp). |