Giáo viên dự đoán phổ điểm đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT

Theo giáo viên Ngữ văn, đề thi Văn tốt nghiệp THPT chính thức bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Câu hỏi 5 điểm vào bài thơ "Đất Nước" được học sinh ôn luyện kỹ lưỡng, phổ điểm dao động 7.5-8.0 điểm.
Đề thi và gợi ý đáp án môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 Phụ huynh thoải mái, học sinh tự tin bước vào kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 Hơn 1 triệu thí sinh bắt đầu thi tốt nghiệp cấp 3 năm 2024

Sáng 27/6, hơn 1 triệu thí sinh hoàn thành bài thi Ngữ văn - môn đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Phần lớn thí sinh cho rằng đề thi khá vừa sức và "trúng tủ", cấu trúc đề thi quen thuộc.

Giáo viên dự đoán phổ điểm đề thi Văn tốt nghiệp THPT
Thí sinh dự thi tại điểm trường THCS Lê Ngọc Hân

Nhận xét về đề thi môn Ngữ văn, cô Hoàng Thị Ly (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên) cho biết: "Ngữ văn là môn thi mở đầu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi cuối cùng theo Chương trình Giáo dục 2006, đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố".

Chi tiết cụ thể như sau:

Phần I. Đọc hiểu (3 điểm)

Cô giáo Hoàng Thị Ly cho rằng, phần I gồm 4 câu hỏi phân loại theo các mức độ nhận thức.

Trong đó, hai câu đầu (câu 1 và câu 2) đều là câu hỏi dừng ở mức độ nhận biết về một chi tiết đã hiện hữu trong nội dung văn bản, đó cũng là dạng câu hỏi giúp các em có thể dễ dàng đạt mức điểm tối đa. Vẫn như những năm trước, những câu hỏi nhận biết về nội dung văn bản thực chất chỉ cần “nhận biết” và chép lại một chi tiết của đoạn trích, đó là yêu cầu có thể thực hiện quá mức dễ dàng.

Câu 3 là câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng vốn hiểu biết về kiến thức tiếng Việt, về văn chương, nghệ thuật và cuộc sống để diễn giải được giá trị biểu đạt và biểu cảm của phép so sánh liên tưởng giữa dòng chảy của con sông với lịch sử sáng tạo nghệ thuật trong đoạn trích. Khi có vốn hiểu biết nhất định về thiên nhiên, cuộc sống, văn chương…

Theo cô Ly, thí sinh hoàn toàn có thể phân tích và chỉ ra sự tiếp nối, kế thừa, thay đổi từ dòng chảy của con sông tới lịch sử sáng tạo nghệ thuật khi những khúc sông sau tiếp nối nhịp chảy, phù sa, sắc nước từ những khúc sông trước những lại vươn mình tới những bến bờ mà khúc sông trước chỉ mới ước ao, hoặc thậm chí chưa từng nghĩ tới - đây là câu hỏi cần có sự sâu sắc của tư duy và trải nghiệm.

Câu 4 là câu vận dụng cao, yêu cầu thí sinh rút ra bài học về lối sống cho bản thân từ suy ngẫm của tác giả trong đoạn trích: “Nếu tách rời từng giọt nước ra khỏi sự thống nhất của đại dương thì chúng ta chỉ nhìn thấy những giọt nước nhỏ bé, đơn độc và dần dần biến mất”.

Suy ngẫm của tác giả Nguyễn Quang Thiều xuất phát từ một sự thật hiển nhiên của tự nhiên và cuộc sống, do đó thí sinh sẽ không khó khi tìm thấy thông điệp, bài học cho lối sống của bản thân mình, đó là bài học về sự tồn tại có ý nghĩa khi gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. Đây là câu hỏi có khả năng phân loại học sinh tương đối tốt khi hướng trả lời, cách lập luận phụ thuộc nhiều vào tư duy và bản lĩnh độc lập, tự chủ của học sinh.

Cô giáo nhận định, nhìn chung, các câu hỏi đọc hiểu rất vừa sức với học sinh, đảm bảo đúng các mức độ nhận thức, có ý nghĩa thực tế với cách sống của các em sau này.

Giáo viên dự đoán phổ điểm đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT
Những tấm poster khích lệ thí sinh dự thi tốt nghiệp

Phần II – Làm văn (7,0 điểm)

Phần II vẫn giữ nguyên cấu trúc quen thuộc, gồm 2 phần: Viết đoạn văn nghị luận xã hội (2,0 điểm) và bài nghị luận văn học (5,0 điểm).

Câu 1 (2,0 điểm): Câu lệnh đã cung cấp đầy đủ và chính xác các yêu cầu cụ thể để thí sinh có thể viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ đoạn trích của phần đọc hiểu, đó là yêu cầu “Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính”.

Yêu cầu của câu viết đoạn văn nghị luận xã hội ít nhiều có thể tạo bất ngờ và hứng thú cho thí sinh khi làm bài, khi yêu cầu các em luận bàn về “ý nghĩa của sự tôn trọng cá tính” - vấn đề tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng cá tính.

Cô Ly nhấn mạnh: "Đề có những "điểm sáng", đáng khen khi câu nghị luận xã hội với chủ đề "tôn trọng cá tính" có ý nghĩa thiết thực. Đề thi tuy quen thuộc nhưng vẫn có thể phân hóa được học sinh. Có thể thấy đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới với thành công".

Câu 2 (5,0 điểm)

Với mô hình câu nghị luận văn học hoàn toàn không thay đổi so với đề thi từ năm 2017 đến nay về thể loại, dung lượng ngữ liệu nghị luận, các yêu cầu nghị luận… thí sinh rút kinh nghiệm rất nhiều từ những kì thi năm trước, không bất ngờ, nếu không nói là sự quá đỗi quen thuộc cũng làm giảm thiểu hứng thú.

Chia sẻ sâu hơn, cô bày tỏ, thí sinh có thể phân tích đồng thời sự kết hợp giữa cảm xúc và suy tư của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ ngay trong quá trình cảm nhận các giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, hoặc tách thành hai luận điểm mạch lạc như yêu cầu của đề. Kiến thức và kĩ năng phân tích, cảm nhận, đánh giá… trong câu nghị luận văn học không hề khó.

Giáo viên dự đoán phổ điểm đề thi Văn tốt nghiệp THPT
Phụ huynh "thả tim" chúc con mình thi tốt

Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra vào ngày 26-28/6 với hơn 1 triệu thí sinh. Kết quả sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 17/7.

Năm ngoái, với số thí sinh tương tự, cả nước chỉ có duy nhất một điểm 10 môn Văn. Mức điểm trung bình là 6,86. Mốc điểm nhiều thí sinh đạt được nhất là 7.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động