Giao thông công cộng như bức tranh vẽ dở, Hà Nội có dễ thu phí xe vào nội đô?
Thu phí xe vào nội đô và những giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội làm dậy sóng dư luận Hà Nội lên kế hoạch thu phí phương tiện vào nội đô |
Cách đây vài tháng, TS Đinh Thị Thanh Bình (Đại học Giao thông Vận tải) chia sẻ với VnExpress: "Giao thông công cộng ở Hà Nội như bức tranh vẽ dở, chưa phủ khắp các trục chính và vành đai, trong khi nhiều người dân không chỉ có nhu cầu di chuyển cố định một đoạn đường mà còn đi lại nhiều nơi khác, họp hành, đón con, buôn bán, mua sắm...".
Cầu Tó, Thanh Trì, một trong những điểm hay tắc đường của Thủ đô do mật độ dân quá đông |
Để làm 8 đường sắt đô thị và 7 tuyến buýt nhanh cần hàng tỷ USD và thời gian đầu tư hàng chục năm. Bởi vậy, ở thời điểm hiện tại, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thủ đô, xe bus vẫn là phương tiện giao thông công cộng chủ đạo. Thế nhưng với gần 2.000 xe chạy trên 123 tuyến, xe buýt hiện chỉ đáp ứng được 12% nhu cầu vận tải hành khách của 10 triệu dân Thủ đô.
Theo quy hoạch, TP Hà Nội sẽ phát triển mạng lưới giao thông công cộng với 8 tuyến đường sắt đô thị và 7 tuyến xe bus nhanh BRT trong trung tâm. Đến năm 2030, mạng lưới giao thông công cộng phải đảm bảo đáp ứng từ 50 - 55% nhu cầu đi lại của người dân trong trung tâm và khoảng 40% nhu cầu của người dân ngoại ô.
Tắc đường trên cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ ở gần cửa ngõ vào Thủ đô |
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị TP Hà Nội, lâu nay xe buýt chưa hấp dẫn người dân do tốc độ trung bình xe chạy ngày càng giảm. Do áp lực giao thông tăng cao nên năm 2010, tốc độ trung bình xe buýt Hà Nội khoảng 23 km/h, đến năm 2019 chỉ còn dưới 20 km/h và mỗi năm có khoảng 180.000 lượt bỏ chuyến, quay đầu, huỷ cung cấp dịch vụ.
Xe buýt còn bị cạnh tranh bởi sự phát triển như vũ bão của đội taxi, xe ôm công nghệ với giá rẻ, nhiều tiện ích nên thị phần vận tải xe buýt tăng rất chậm.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đầu tư 13 năm chỉ còn 1% chưa hoàn thành vẫn chưa thể vận hành thương mại. Tuyến buýt nhanh thử nghiệm cũng dễ biến thành buýt chậm khi các phương tiện giao thông khác thường xuyên lấn làn. Bức tranh giao thông công cộng Hà Nội trở nên càng lộn xộn.
Trả lời phỏng vấn Dân Việt, TS. Nguyễn Xuân Thủy, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội cho hay, Hà Nội hiện có 5 triệu phương tiện cá nhân. Với số lượng nhiều như vậy, không hạ tầng nào nào chịu được.
Về giải pháp thu phí xe vào nội đô để giảm ùn tắc giao thông, ông Thủy cho rằng, Pháp, Nga, Philipines đã thực hiện việc thu phí phương tiện cá nhân (ô tô) vào nội đô đã từ lâu và khá thành công. Tại Paris, việc thu phí phương tiện cá nhân đã giúp giảm được 10-15% ùn tắc giao thông.
“Còn tại Việt Nam, hiện nay với đang xây dựng đề án và với hạ tầng, giao thông công cộng như hiện nay thì theo tôi phải đến năm 2026 Hà Nội mới có thể thực hiện việc thu phí phương tiện cá nhân vào nội đô được. Lúc đó, giao thông công cộng phải đáp ứng được ít nhất 40% nhu cầu đi lại của người dân”, ông Thuỷ nói.
Để phương án thu phí xe vào nội đô trở nên khả thi, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cũng cần nghiên cứu công nghệ để lượng xe lưu thông thông suốt, không bị tạm dừng nơi cửa ngõ đồng thời triển khai hàng loạt các giải pháp hỗ trợ kèm theo như: Hoàn thiện hạ tầng giao thông nơi cửa ngõ, đường vành đai cần mở rộng, xây thêm cầu vượt tại các nút giao thông, áp dụng giao thông thông minh trong phân luồng; giảm bớt nhà cao tầng trong nội đô...
Bên cạnh đó, cần phát triển các bãi gửi xe ở khu vực cửa ngõ thành phố, có các trạm giao thông công cộng trung chuyển phục vụ nhu cầu đi lại nhanh chóng, tiện lợi của người dân.
Nhiều chuyên gia cho rằng, điều cốt lõi nhất trong giảm ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn như Hà Nội hay TP HCM không phải nằm ở việc thu phí hay cấm xe mà là làm cách nào để thay đổi thói quen đi lại của người dân, hạn chế các phương tiện cá nhân và phát triển mạnh các phương tiện giao thông công cộng.