Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, ngân hàng yếu kém

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động, quyết liệt, tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém...
Quyết liệt gỡ khó cho dự án, đất đai để tránh thất thoát lãng phí

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 140/CĐ-TTg về việc phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025.

Trong công điện, người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện mục tiêu trên trong dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2025.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu của từng ngành, lĩnh vực quản lý phù hợp với mục tiêu và kịch bản tăng trưởng GDP năm 2025.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm vững tiềm năng, thế mạnh để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kịch bản tăng trưởng năm 2025 ở mức hai con số với tinh thần phấn đấu cao nhất, nỗ lực lớn nhất, bảo đảm phù hợp với đặc thù của địa phương nhưng phải thống nhất trong mục tiêu chung là đóng góp cho phát triển kinh tế quốc gia.

Các thành phố lớn, các địa phương là đầu tàu, cực tăng trưởng cần phấn đấu mức tăng trưởng cao hơn để đóng góp vào tăng trưởng chung.

Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, ngân hàng yếu kém
Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 (mức đầu tư 10.000 tỷ đồng) đang dừng triển khai vì nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ.

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh, phấn đấu vượt mục tiêu có 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025 và 5.000 km đường cao tốc vào cuối năm 2030.

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động, quyết liệt, tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém.

Cùng đó cần phát huy hiệu quả vai trò, hoạt động của Ban Chỉ đạo về tháo gỡ khó khăn cho các dự án; tập trung rà soát, phân loại và đề xuất cơ chế, chính sách để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa vào sử dụng, giải phóng nguồn lực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan có giải pháp đột phá, cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để khuyến khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, nhất quán, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển kinh tế tư nhân; xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, với tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Đặc biệt là việc thực hiện quyết liệt, hiệu quả chủ trương tinh giản, sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, bảo đảm chất lượng và tiến độ theo yêu cầu đề ra; khẩn trương hoàn thiện thể chế cho hoạt động của bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và chỉ đạo của Trung ương.

Các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tập trung đẩy mạnh rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính, quy định không cần thiết làm phát sinh chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp tại các văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm tầng nấc trung gian, chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị.

Các Bb, cơ quan, địa phương phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, không ngừng nỗ lực sáng tạo, dám nghĩ dám làm, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, chung sức, đồng lòng, biến mọi khó khăn, thách thức thành cơ hội bứt phá, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Mỗi bộ ngành địa phương phải là những hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, khẳng định uy tín và vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Hậu Lộc

Bình luận

Phiên bản di động