Giải pháp nào thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo?

Sáng 9/12, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số trong GD&ĐT” tại Hà Nội.
Người thầy 'chuyển đổi số' và sự bất biến của đạo nghĩa thầy - trò

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đều nêu rõ vai trò của chuyển đổi số, trong đó có lĩnh vực GD&ĐT. Một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành Giáo dục quan tâm đó là, GD&ĐT những công dân Việt Nam có kỹ năng, kiến thức chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu.

Giải pháp nào thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo?
Toàn cảnh hội thảo

Theo Bộ trưởng, nếu làm tốt chuyển đổi số, không chỉ tốt cho ngành Giáo dục mà còn góp phân nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Đây là vừa là cơ hội, vừa là nhiệm vụ mang tính đột phá.

Trước đó, ngành Giáo dục đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các tập đoàn công nghệ đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD&ĐT và đạt được một số kết quả đáng khích lệ; Điển hình là dạy - học trực tuyến trong mùa dịch Covid-19.

Thông tin về việc ngành Giáo dục đã xây dựng cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng đồng thời khẳng định, Bộ GD&ĐT sẵn sàng đẩy mạnh và tiên phong chuyển đổi số trong GD&ĐT trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cam kết đồng hành cùng Bộ GD&ĐT trong hành trình đầy thách thức và vinh quang bởi vì chuyển đổi số, đầu tiên là nhắm vào giới trẻ để từ đó thúc đẩy toàn xã hội.

“Những việc về công nghệ số, xây dựng các nền tảng cho chuyển đổi số ngành GD&ĐT đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Việc 5 năm thì hãy giao cho chúng tôi trong 1 năm, bây giờ việc khó thì dễ làm hơn vì có nhiều giải pháp mới đột phá, việc dễ lại khó làm vì làm theo cái cũ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, GD&ĐT là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội thảo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội thảo

Trước đó, ngày 25/1/2017, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 117/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Thực hiện quyết định này, trong những năm vừa qua, ngành Giáo dục đã đẩy mạnh ứng dụng CNTT và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn nhằm triển khai ứng dụng CNTT trong ngành một cách hiệu quả. Một số chính sách tạo ra hiệu ứng tốt như: Hướng dẫn quản lý, tổ chức đào tạo trực tuyến trong các trường đại học; Hướng dẫn mô hình triển khai ứng dụng CNTT trong trường phổ thông; Các văn bản hướng dẫn dạy học trên Internet, dạy học trên truyền hình, công nhận kết quả dạy học qua mạng; Hướng dẫn sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; tập huấn giáo viên và tổ chức các hoạt động chuyên môn qua mạng.

Bộ GD&ĐT đã xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, phổ thông với mục tiêu số hóa thông tin quản lý tất cả các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành giáo dục.

Đến nay, Bộ đã số hóa, gắn mã định danh hầu hết các đối tượng cần quản lý của ngành Giáo dục (53,000 trường học mầm non, phổ thông; Gần 24 triệu học sinh (số hóa các thông tin về lý lịch, quá trình học tập, rèn luyện, thể chất...), hơn 1,4 triệu giáo viên (hồ sơ, trình độ chuyên môn, đánh giá theo chuẩn, lương...); Số hóa thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học, tài chính, báo cáo chuyên sâu về dạy-học ngoại ngữ.

Bộ GD&ĐT đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa xây dựng và phát triển kho học hiệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) gồm: Bài giảng e-learning (gần 5.000 bài giảng), bài giảng dạy trên truyền hình (hơn 2.000 video bài giảng), 200 thí nghiệm ảo, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm, gần 200 đầu sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông, đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng; trên 7.500 luận án tiến sĩ.

Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên nền tảng của cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, Bộ GD&ĐT đã hợp tác với Đề án Tri thức Việt số hóa triển khai ứng dụng AnToanCovid.vn để thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu và vẽ bản đồ thông tin về an toàn dịch Covid-19 cho các cơ sở giáo dục. Sau gần một tháng triển khai, đến nay đã có hơn 18.700 trường học hàng ngày cập nhật thông tin đảm bảo an toàn Covid-19 lên hệ thống giúp người dân, cộng đồng theo dõi, hỗ trợ tích cực trong phòng, chống dịch Covid-19 vẫn còn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay.

Trong khuôn khổ Hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ký kết hợp tác triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo; Ký kết hợp tác giữa Bộ GD&ĐT với một số tập đoàn, doanh nghiệp và với Ban điều hành Đề án Hệ tri thức Việt số hóa.

Tại Hội thảo cũng diễn ra lễ trao giấy xác nhận đáp ứng quy định kỹ thuật về dữ liệu và kết nối với cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục theo Quyết định số 1904/QĐ-BGDĐT ngày 4/7/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động