Giải pháp nào cho ngành hàng không phát triển bền vững
Tân Sơn Nhất ‘đội sổ’ về chất lượng dịch vụ hàng không |
Phát biểu tại tọa đàm Giải pháp thúc đẩy hàng không, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cùng các chuyên gia đã chia sẻ nhiều vấn đề “nóng” về sự phát triển mãnh mẽ của ngành hàng không dẫn tới tắc nghẽn hạ tầng hàng không.
Ông Phạm Văn Hảo - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay, ngành hàng không Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh trong thời gian qua. “Tổng số lượng tàu bay năm 2008 của hàng không Việt Nam chỉ có 60 tàu. Hiện tại, con số này tăng lên gấp 3 lần, lên 192 tàu. Độ tuổi trung bình của đội tàu bay Việt Nam hiện nay chỉ là 5,8 tuổi, so với năm 2008 là 8,8 tuổi” - Phó Cục trưởng Cục Hàng không nói.
Song song với số lượng tàu bay, mạng đường bay cũng có nhiều chuyển biến sau 10 năm với gần 60 đường bay nội địa và 130 đường bay quốc tế so với 25 đường bay nội địa và 54 đường bay quốc tế vào năm 2008.
Năm 2008, các chuyến bay quốc tế chủ yếu bay qua Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, nhưng thời điểm hiện nay đã kết nối với rất nhiều cảng khác như: Cát Bi, Cần Thơ, Cam Ranh, Liên Khương, Phú Quốc…
Toàn cảnh tọa đàm Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững. |
Trước đây, đội bay chủ yếu chỉ có Vietnam Airlines, còn hiện nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tư nhân như: Vietjet, Bamboo Airways… Điều này đã tạo ra bước phát triển tương đối vững chắc, bền vững. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá hàng không Việt Nam thuộc diện tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng luôn đạt mức 2 con số.
Ông Trần Minh Phương - Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trước đây, chúng ta chỉ có một hãng hàng không quốc gia. Sau đó, chúng ta có các hãng hàng không khác, từ Công ty CP của hãng hàng không quốc gia, các công ty của Vietjet, của Bamboo, tức là số lượng hãng hàng không tăng lên và năng lực khai thác các nhà ga cũng tăng lên. Cả góc độ về nhu cầu sử dụng và cung cấp dịch vụ đều có sự phát triển, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Đó là những con số rất ấn tượng. Tuy nhiên, việc phát triển mạnh mẽ cũng tạo nên sức “nóng” của ngành hàng không và có nguy cơ dẫn tới hạ tầng không đáp ứng kịp.
Theo ông Phương, để đáp sự phát triển của ngành hàng không, Bộ GTVT đã tham mưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch phát triển GTVT hàng không. Chúng tôi dự báo tăng trưởng 2 con số này sẽ tiếp tục đến năm 2020 và giảm dần xuống một con số sau năm 2020.
Định hướng cho phát triển kết cấu hạ tầng, định hướng phát triển của các hãng hàng không để chúng ta đầu tư, khai thác đồng bộ, hiệu quả kết cấu hạ tầng cũng như tạo ra hiệu quả của các doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Về phía nhà đầu tư tư nhân, ông Phạm ngọc Sá - Giám đốc Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn cho rằng: “Sự cạnh tranh trong ngành hàng không là rất cần thiết vì sẽ thúc đẩy sự phát triển nhanh hơn, chất lượng cũng được nâng cao. Để phát triển 1 sân bay mới, tất nhiên là phải vì lợi nhuận, nhưng vẫn phải vì sự phát triển kinh tế chung của xã hội. Trong đó, chúng tôi được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền tỉnh Quảng Ninh”.
“Chúng tôi luôn luôn tìm cơ hội để phát triển, ở Việt Nam tỷ lệ lợi nhuận chỉ chiếm 30%, nhưng ở Quốc tế thì 60%. Quay lại sân bay Vân Đồn, tất cả phải đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về ICAO, việc chia sẻ thông tin rất quan trọng trong hệ thống phát triển hàng không”- đại diện Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn cho biết thêm.