Gắn biển công trình cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên
Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU Thành ủy; Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình 03-CTr/TU Thành ủy.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn tao bằng công nhận công trình kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô đối với dự án "cải tạo, nâng cấp tuyến đường Xuân Diệu phường Quảng An, Tứ Liên, quận Tây Hồ" |
Dự án đầu tư Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông, quận Ba Đình và quận Tây Hồ, thuộc Chương trình 03 Thành ủy.
Dự án bao gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 của Dự án đầu tư (gồm cầu vượt nút giao An Dương – đường Thanh Niên và đoạn đường Nghi Tàm từ chân cầu vượt đến nút giao đường vào Khách sạn Thắng Lợi) đã hoàn thành, thông xe từ ngày 11/10/2018.
Giai đoạn 2 của Dự án đầu tư, đường Âu Cơ nối tiếp từ đường Nghi Tàm (khu vực nút giao đường vào Khách sạn Thắng Lợi) đến đường An Dương Vương (khu vực nút giao cầu Nhật Tân); chiều dài khoảng 3,7 km; Kết cấu gồm xây dựng tường chắn bê tông cốt thép để thay thế một phần đê đất; mở rộng mặt đường quy mô mặt cắt ngang từ 26,5m đến 31m (trong đó mặt đường chính rộng từ 16,5m đến 21m với quy mô từ 4 - 6 làn xe cơ giới, 2 đường gom hai bên); tổng mức đầu tư giai đoạn 2 là 544 tỷ đồng.
Quá trình thi công giai đoạn 2 dự án gặp nhiều khó khăn, bất lợi như: Dự án đầu tư được tổ chức khởi công từ tháng 5/2020, tuy nhiên, đến tháng 2/2023 dự án mới được cấp phép thi công theo Luật Đê điều, bắt đầu triển khai thực hiện.
Mặt khác, theo quy định chỉ được thi công đào thân đê từ giữa tháng 10 hàng năm đến tháng 5 năm sau (7 tháng 15 ngày), do vậy thời gian được phép thi công thực tế không nhiều (khoảng 15 tháng).
Quá trình thi công dự án có nhiều ngày mưa, thời tiết bất lợi; khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, đường cấp, thoát nước, dịch vụ (điện, thông tin viễn thông) rất nhiều, trong khi vẫn phải đảm bảo cung cấp các dịch vụ một cách bình thường; thời gian thực hiện dự án chịu bất lợi do đại dịch COVID-19 và trên địa bàn TP đồng loạt triển khai nhiều dự án lớn nên thiếu hụt nguồn cung vật liệu, làm biến động giá nguyên vật liệu tăng cao; trên tuyến thi công song song và đồng bộ với dự án Tuyến cáp ngầm 110kV Tây Hồ - Yên Phụ; các khó khăn trên làm ảnh hưởng tiến độ.
Dự án có chiều dài khoảng 1,1km, điểm đầu tuyến tại nút giao đường Âu Cơ - Tô Ngọc Vân, điểm cuối tại nút giao đường Âu Cơ - Yên Phụ. Quy mô mặt cắt ngang từ 17,5m đến 20,5m (trong đó mặt đường chính rộng từ 10,5 m). Tổng mức đầu tư dự án là 388,48 tỷ đồng; diện tích đất phải thu hồi là 2,6744 ha, liên quan đến 159 hộ gia đình, tổ chức; 11 trường hợp thu hồi toàn bộ diện tích đất. Thời gian thực hiện từ năm 2020 đến 2023.
Quá trình thực hiện dự án gặp khó khăn, bất lợi do công tác giải phóng mặt bằng phức tạp, dự án thực hiện từ tháng 1/2021 nhưng đến tháng 12/2022 mới đạt 148/159 phương án bàn giao mặt bằng, đến tháng 6/2024 mới hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng. Quá trình thực hiện cũng phải giải quyết các vấn đề khó khăn tương tự như Dự án đầu tư Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên như: phải tuân thủ Luật Đê điều, thời tiết bất lợi, phải thực hiện di chuyển khối lượng lớn các công trình hạ tầng kỹ thuật, ảnh hưởng đại dịch COVID-19 và thiếu hụt nguồn cung vật liệu, biến động giá nguyên vật liệu tăng cao…
Cả 2 tuyến đường đều là tuyến chính, huyết mạch kết nối trung tâm TP với khu vực Tây Bắc TP, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ các hoạt động chính trị, ngoại giao quan trọng; vừa thi công vừa phải đảm bảo giao thông nên chỉ được cấp phép tổ chức thi công vào ban đêm từ 21h đến 5h sáng hôm sau; việc thi công đồng thời cả 2 dự án đầu tư này cũng làm khó khăn hơn nữa công tác đảm bảo giao thông và khó khăn trong công tác tổ chức thi công.
Được sự quan tâm chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội, HĐND TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội, sự phối hợp của các sở, ngành TP, Quận ủy Tây Hồ; với sự nỗ lực quyết tâm, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của Chủ đầu tư, UBND quận Tây Hồ, tư vấn giám sát, các nhà thầu thi công cùng nhau tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, đến nay cả 2 công trình đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng đưa vào thông xe.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn phát biểu tại lễ gắn biển |
Phát biểu tại lễ gắn biển công trình và thông xe 2 dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn khẳng định, trong thời gian qua, thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cũng như huy động các nguồn lực để triển khai đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn theo quy hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Hai dự án Xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên để hạn chế ùn tắc giao thông, quận Ba Đình và quận Tây Hồ (giai đoạn 2) và Dự án đầu tư Cải tạo nâng cấp đường Xuân Diệu, phường Quảng An, quận Tây Hồ được đưa vào sử dụng sẽ góp phần nâng cao năng lực giao thông của Thành phố, tăng cường khả năng kết nối giao thông giữa trung tâm với khu vực phía Tây Bắc Thành phố, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, phục vụ các hoạt động chính trị, ngoại giao quan trọng đồng thời nâng cao năng lực phòng chống lũ của tuyến đê hữu Hồng, bảo vệ Thủ đô.
Thay mặt lãnh đạo TP, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng các Sở, Ban, ngành của Thành phố, UBND quận Tây Hồ, Chủ đầu tư và các đơn vị thi công, các cán bộ, kỹ sư, người lao động,…đã vượt qua nhiều khó khăn trong thời gian qua, lao động tích cực trên công trường và đến nay cả 2 công trình cơ bản hoàn thành theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và mỹ quan đô thị.
Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP giao Sở Xây dựng nghiệm thu hoàn thành công trình để chủ đầu tư thực hiện bàn giao; tiếp nhận hệ thống chiếu sáng, trang trí, cây xanh, thoát nước .
Giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Công an TPố, UBND quận Tây Hồ có phương án tổ chức giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ với hạ tầng giao thông khu vực; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình giao thông để hoàn chỉnh phương án tổ chức giao thông; tiếp nhận để quản lý, vận hành, duy tu duy trì lòng đường theo phân cấp quản lý.
Phó Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị UBND quận Tây Hồ quản lý, vận hành, duy tu duy trì công trình hạ tầng theo phân cấp quản lý; nghiên cứu phương án chỉnh trang mặt tuyến phố; quản lý đảm bảo trật tự, văn minh đô thị.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành công trình |
Các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình chào mừng |